Cơ quan quản lý đang áp dụng và đề xuất nhiều biện pháp để khuyến khích người dùng mạng xã hội có trách nhiệm, loại bỏ thông tin độc hại.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử – Bộ Thông tin và Truyền thông. Ảnh: BTC. |
Những năm gần đây, hình thức quảng cáo thông qua người có sức ảnh hưởng, livestream trên mạng xã hội được ưa chuộng. Trước xu hướng này, có ý kiến cho rằng cần áp dụng biện pháp quản lý chặt chẽ, hạn chế tình trạng truyền tải thông tin mập mờ hoặc sai lệch.
Tại sự kiện Vietnam iContent 2024 diễn ra ngày 30/11 ở TP.HCM, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử – Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), cho biết hiện nay, các biện pháp của cơ quan chức năng được chia thành 2 nhóm.
Đầu tiên là các quy định “cứng”, bao gồm Nghị định 147/2024/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành đầu tháng 11, gồm quy định chi tiết về trách nhiệm của nền tảng, người dùng, các bộ/ngành địa phương trong quản lý và trung gian quản lý hạ tầng.
“Những quy định này giúp mọi người, kể cả người nổi tiếng, sử dụng không gian mạng một cách có trách nhiệm hơn, xóa bỏ nhận thức rằng không gian ảo thì không cần trách nhiệm”, ông Do nhấn mạnh.
Tiếp theo, ông Do cho biết Bộ Văn hóa và Bộ TTTT đang xây dựng các quy định về quảng cáo trên mạng nhằm sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo.
Một số quy định đang được thảo luận gồm yêu cầu người quảng cáo thông báo đây là nội dung quảng cáo, không lập lờ giữa đánh giá (review) với quảng cáo.
Bên cạnh xử phạt hành chính, ông Do đề xuất một số biện pháp “mềm” nếu vi phạm, chẳng hạn như hạn chế xuất hiện trên báo chí, truyền hình và các nền tảng Internet, yêu cầu đại lý quảng cáo chấm dứt hợp tác với người vi phạm….
Không chỉ người nổi tiếng, các nền tảng cũng cần triển khai giải pháp kiểm soát thông tin nhằm bảo vệ người dùng.
Tại sự kiện, đại diện TikTok cho biết đã áp dụng tiêu chuẩn cộng đồng và hệ thống xét duyệt cho nhà sáng tạo nội dung, đảm bảo việc quảng cáo sản phẩm tuân thủ Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trong khi đó, Meta áp dụng theo 2 hướng: đầu tư chính sách và sản phẩm, bên cạnh chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dùng. Đại diện công ty nhấn mạnh đang có 40.000 nhân sự trên toàn cầu để rà soát, gỡ bỏ thông tin vi phạm.
Trong các ứng dụng như Messenger hay mục nhắn tin (DM) của Instagram, người dùng sẽ nhận cảnh báo nếu tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo. Trong tương lai, Meta dự kiến áp dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt để nhận diện video giả mạo người nổi tiếng.
Với YouTube, đại diện nền tảng này liệt kê bộ quy tắc cộng đồng, gồm các tiêu chí cơ bản để bảo vệ người dùng trước thông tin độc hại.
Phương pháp đa lớp cũng được YouTube áp dụng, gồm trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học để nhanh chóng phát hiện nội dung gây hại, kết hợp báo cáo từ cộng đồng để nhóm chuyên gia đánh giá những trường hợp phức tạp.
YouTube cũng áp dụng một số tính năng bảo vệ người dùng như ẩn kênh không phù hợp, ẩn bình luận độc hại trong livestream…
Lần đầu tiên được tổ chức, Vietnam iContent 2024 là dịp để cơ quan quản lý, nhà sáng tạo nội dung và các đơn vị, nền tảng gặp gỡ, thảo luận định hướng nhằm thúc đẩy hoạt động nội dung số tại Việt Nam. Các nhà sáng tạo nội dung nổi bật trong năm cũng được vinh danh tại lễ trao giải diễn ra tối 30/11.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.