Các startup Việt đã ‘hút’ khoảng 634 triệu USD từ các quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế

Theo đại Innoex 2023, năm 2022, các startup Việt Nam đã ‘hút’ khoảng 634 triệu USD đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế.

TIN MỚI

Điểm sáng khởi nghiệp

Theo đó, đại diện Innoex cho biết, trong khoảng 3 năm nay, Việt Nam đã nổi lên như một điểm sáng khởi nghiệp của khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung. Nếu như trong năm 2021, tổng số vốn đầu tư vào các startup Việt đạt con số kỷ lục là hơn 1,4 tỉ USD thì sang năm 2022 con số này đạt 634 triệu USD. Việt Nam đứng thứ ba về số thương vụ và thứ tư về quy mô vốn vào startup năm 2022 tại Đông Nam Á.

Dù năm 2023 được dự báo là năm không mấy khả quan với các dự án khởi nghiệp khi các quỹ đầu tư thắt chặt nguồn vốn và nâng cao nhiều tiêu chí đầu tư. Tuy nhiên các dự án khởi nghiệp Việt Nam vẫn thu hút sự quan tâm đầu tư đến từ nhiều “ông lớn” nhất là các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Đơn cử như khoản đầu tư gần nhất của VinaCapital Ventures (quỹ đầu tư công nghệ của Tập đoàn VinaCapital) trị giá 1 triệu USD vào startup công nghệ nông nghiệp Việt Nam – Koina vào đầu năm 2023. Được biết Koina là một nền tảng công nghệ nông nghiệp Việt Nam ở vòng gọi vốn hạt giống. Đây là nền tảng công nghệ nông nghiệp (AgriTech) theo mô hình từ nông trại đến doanh nghiệp (“Farm to Business”) dựa trên dữ liệu, được thành lập tại Việt Nam.

Các khoản đầu tư nổi bật có sự tham gia của VinaCapital Ventures ở Việt Nam còn có thể kể đến như Hưng Thịnh Land (Venture Round): tổng giá trị lên đến 103 triệu USD, Homebase (Venture Round): tổng giá trị lên đến 30 triệu USD. Đến thời điểm hiện tại, VinaCapital đã thực hiện 17 khoản đầu tư vào Việt Nam, trong đó có 11 lần dẫn đầu vòng đầu tư.

Tương tự mới đây, BuyMed – startup ngành dược phẩm của Việt Nam đã hoàn thành vòng gọi vốn Series B trị giá 51,5 triệu USD, được dẫn dắt bởi UOB Venture Management, công ty con với 100% vốn của ngân hàng UOB của Singapore. Một số nhà đầu tư khác cũng tham gia vào vòng gọi vốn này bao gồm US International Development Finance Corporation (DFC), Smilegate Investment và Cocoon Capital.

Còn trong tháng 7 vừa qua, hai startup Việt Nam là GIMO và Vuihoc chính thức hoàn tất vòng gọi vốn với tổng số vốn huy động lần lượt là 17,1 triệu USD và 6 triệu USD dưới sự dẫn dắt của Quỹ đầu tư mạo hiểm TNB Aura.

Thương vụ được dẫn dắt bởi Quỹ đầu tư mạo hiểm TNB Aura với sự tham gia của các nhà đầu tư hiện tại của startup này như Integra Partners, Resolution Ventures, Blauwpark Partners, ThinkZone Ventures và Y Combinator – bệ phóng khởi nghiệp của Thung lũng Silicon. Bên cạnh đó, vòng gọi vốn còn có sự đóng góp của các nhà đầu tư mới như Genting Ventures, TKG Taekwang, George Kent và AlteriQ Global.

Ông Charles Wong, Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Quỹ TNB Aura chia sẻ: “Chúng tôi muốn hợp tác chặt chẽ với GIMO để góp phần tháo gỡ rào cản tiếp cận tài chính cho hàng triệu người lao động phổ thông tại Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động hiện nay, sứ mệnh giúp hàng triệu lao động phổ thông Việt Nam tiếp cận các giải pháp tài chính số để họ “Sống tốt hơn. Làm vui hơn” của GIMO là quan trọng hơn bao giờ hết”.

Đồng thời TNB Aura cũng dẫn dắt thành công startup Vuihoc huy động thành công 6 triệu USD trong vòng gọi vốn mới. Trước đó vào năm 2022, TNB Aura cũng đã đầu tư vào startup Finhay của Việt Nam với giá trị 25 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B. Hiện quỹ này đã và đang thực hiện 28 khoản đầu tư tại Việt Nam.

Quỹ đầu tư và startup “tìm nhau”

Những quỹ đầu tư nói trênsẽ hiện diện tại Innoex 2023 được diễn ra từ ngày 24-25/8 tại TP.HCM để tìm kiếm thêm các thương vụ đầu tư mới.

Chia sẻ tại sự kiện này, bà Trương Lý Hoàng Phi, Chủ tịch kiêm CEO Công ty IBP – Trưởng ban tổ chức InnoEx, cho biết bên cạnh việc tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp kết nối tìm kiếm gọi vốn trong khuôn khổ InnoEx 2023 cũng diễn ra ký kết hợp tác, thúc đẩy chiến lược đổi mới doanh nghiệp giữa InnoEx 2023 và Diễn đàn các nhà quản trị – Vietnam CEO Forum. Sự hợp tác này tạo ra một nền tảng độc đáo, nơi những người điều hành cấp cao, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia gặp gỡ, trao đổi với các công ty công nghệ, startup.

“Gần 50 quỹ đầu tư, 200 startups đến từ 33 quốc gia tham dự InnoEx 2023 đây là minh chứng cho sự quan tâm đến thị trường Việt Nam của các quỹ đầu tư đến từ nhiều nước trên thế giới. Đây cũng là sứ mệnh kết nối và mang đến trợ lực giúp doanh nghiệp, ngành nghề tiên phong về đổi mới sáng tạo (innovation) làm chủ cuộc chơi trong kỷ nguyên mới”, bà Trương Lý Hoàng Phi nói.

Theo Báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO) Việt Nam đang xếp ở vị trí 48/132 quốc gia về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (chỉ đứng sau Singapore (thứ 7) và Thái Lan (thứ 43) trong các nước Đông Nam Á. Theo Báo cáo thường niên của DO Ventures và Cento Ventures, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam hiện đứng ở vị trí thứ 3 trong số 6 nền kinh tế top đầu ASEAN, chỉ sau Indonesia và Singapore.

Tuy nhiên, trước bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến ảm đạm nửa đầu năm 2023, hiện còn nhiều thách thức đặt ra cho các startup. Bởi theo các chuyên gia dự báo, nguồn vốn rót cho các nhà khởi nghiệp Việt Nam trong năm 2023 sẽ khó có thể vượt qua giai đoạn phục hồi 2021. Trước tình thế này, đòi hỏi các startup phải liên tục điều chỉnh chiến lược hoạt động theo sự thay đổi của môi trường kinh tế và hướng đi bền vững thay vì chạy theo mục tiêu ngắn hạn.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin