Thời tiết đang chuyển mùa khiến người bị viêm khớp dạng thấp ở chân nói riêng và bệnh khớp nói chung liên tục bị sưng đau, khó chịu, ảnh hưởng tới sinh hoạt.
Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng tới nhiều bộ phận trên cơ thể bạn, bao gồm cả da và các cơ quan nội tạng như tim. Viêm khớp dạng thấp gây viêm dẫn tới các triệu chứng như đau và sưng khớp, thậm chí tổn thương nặng gây cứng khớp và biến dạng.
1. Các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp ở bàn chân
Theo thống kê trên Medical News Today, khoảng 90% người bị viêm khớp dạng thấp có các triệu chứng ở mắt cá chân và bàn chân. Cũng theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 10/2022 trên tạp chí Rheumatology International, các vấn đề về chân phổ biến nhất mà bệnh nhân mắc bệnh thấp khớp tự báo cáo là: đau (73%), khô lòng bàn chân (68%), móng chân dày lên (58%) và bàn chân lạnh (57%).
– Mắt cá chân
Dấu hiệu ban đầu của tổn thương mắt cá chân là khó đi lại trên cầu thang hoặc đường dốc. Sau đó, bạn sẽ bị đau hơn khi đi lại và đứng tại chỗ.
– Gót chân
Dấu hiệu ban đầu của viêm khớp dạng thấp tại gót chân là khó đi lại trên mặt đất không bằng phẳng. Theo thời gian thì sự liên kết của xương có thể bị thay đổi và gây biến dạng bàn chân bẹt kèm đau, khó chịu.
– Ngón chân và ụ ngón chân (ball of foot)
Các dấu hiệu bao gồm biến dạng khớp ngón chân cái (Bunion) và đau dưới lòng bàn chân. Với biến dạng khớp ngón chân cái có thể là đau ở vị trí lồi ra của khớp khi mang giày chặt chân, sau đó là đau và sưng đỏ. Các vết sưng theo thời gian sẽ phát triển và biến thành vết chai.
Với hạn chế vận động hoặc mất vận động ngón chân cái sẽ có sự hạn chế vận động thụ động, đau khi ấn vào ở mặt mu của khớp và đau tăng khi gấp về phía mu của xương ngón khác.
– Lòng bàn chân
Các dây chằng yếu đi có thể gây sụp vòm. Khi điều này xảy ra sẽ có tổn thương sụn, đau khi đi giày và ngay cả khi không mang giày.
Ngoài các vấn đề trên thì theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cureus vào tháng 1/2023, cơn đau dây thần kinh ngoại biên ở bàn chân có thể gây bỏng rát hoặc ngứa ran, có thể bắt đầu dần dần và di chuyển từ bàn chân này sang chân khác. Áp lực liên tục lên bàn chân có thể dẫn đến chèn ép dây thần kinh (chèn ép) hoặc hội chứng đường hầm cổ chân (hội chứng ống cổ chân – Tarsal Tunnel Syndrome).
Nhìn chung thì tùy theo tần suất mà bạn sử dụng bàn chân mỗi ngày mà cơn đau và sưng tấy ở các khớp này có thể làm gián đoạn các hoạt động hàng ngày của bạn, khiến bạn khó thực hiện các sinh hoạt cơ bản như đi bộ.
2. Phương pháp điều trị và giảm đau viêm khớp dạng thấp ở chân
Theo Everyday Health thì tùy thuộc vào vấn đề cụ thể tại bàn chân do viêm khớp dạng thấp gây ra là gì mà các phương pháp điều trị riêng lẻ hoặc kết hợp sẽ được chỉ định, chẳng hạn như liệu pháp chỉnh hình, tập thể dục, phẫu thuật,…
– Thuốc chống thấp viêm khớp bao gồm thuốc giúp ngăn chặn hệ miễn dịch tấn công các khớp
– Chườm đá lên vùng bàn chân bị đau trong 20 phút từ 3 – 4 lần mỗi ngày, lưu ý khi chườm đá cần dùng một chiếc khăn mỏng hoặc dụng cụ chườm đá chuyên dụng tránh gây bỏng lạnh.
– Nghỉ ngơi: Dừng hoặc hàn chấn những hoạt động có thể khiến cơn đau trở nên trầm trọng hơn. Tuy nhiên, trừ khi cơn viêm khớp bùng phát thì người bệnh vẫn nên tập luyện các bài tập vừa sức để rèn luyện dẻo dai và nâng cao thể chất. Nói cách khác, tập thể dục để giữ cho khớp của bạn linh hoạt. Chọn các bài tập như bơi lội không gây thêm áp lực lên bàn chân có thể giúp tránh bị đau chân thêm.
– Thuốc chống viêm không steroid: Các loại thuốc như naproxen và ibuprofen giúp giảm đau và viêm, tuy nhiên bạn cần chỉ định của bác sĩ trước khi có ý định sử dụng bất kì loại thuốc nào
– Tiêm steroid: Tiêm cortisone vào khớp bị viêm có thể giúp ích trong giai đoạn đầu nhưng mặc dù việc này có thể giúp giảm tình trạng viêm tạm thời nhưng lại không ngăn chặn được sự tiến triển của tình trạng bệnh.
– Dụng cụ chỉnh hình loại mềm như đế giày có thể giúp giảm áp lực và đau đớn khi di chuyển.
– Nẹp mắt cá chân được sử dụng cho các tình trạng đau từ nhẹ tới trung bình nhằm giảm đau cho bàn chân và mắt cá chân. Những người bị tổn thương loại biến dạng bàn chân bẹt nghiêm trọng cũng có thể hưởng lợi ích từ các loại nẹp phù hợp.
– Lựa chọn nhiều loại giày hỗ trợ khác nhau cho các mục đích sử dụng khác nhau, vừa vặn, mềm và nâng đỡ chân hiệu quả.
– Tránh đứng cả ngày, luân phiên thực hiện các hoạt động để bạn có thời gian ngồi nghỉ ngơi và giảm tải áp lực cho bàn chân cũng như khớp chân. Các loại giày dép hở mũi có thể giúp ngón chân và bàn chân ít bị “chật chội” hơn.
– Giảm cân nếu cân nặng quá mức có thể khiến tình trạng viêm khớp trầm trọng hơn.
– Massage với dầu (chẳng hạn như dầu dừa) cho bàn chân hoặc ngâm nước nóng khi cần thiết cũng giúp giảm đau khớp bàn chân hiệu quả.
– Giảm căng thẳng do căng thẳng có thể kích hoạt tình trạng viêm – tăng nguy cơ bùng phát cơn thấp khớp.
– Phẫu thuật để loại bỏ các mảnh vụn hoặc mô bị viêm có trong khớp, loại bỏ sụn bị hư hỏng và hợp nhất hai xương với nhau hoặc thay thế hoàn toàn một khớp nếu các phương pháp điều trị bảo tồn không đem lại hiệu quả hay tình trạng nghiêm trọng theo chỉ định của bác sĩ.
Ngoài các biện pháp trên thì người bị viêm khớp dạng thấp bàn chân nói riêng và viêm khớp dạng thấp nói chung nên có một chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế thức ăn có thể tăng tình trạng viêm trong cơ thể như dầu mỡ, đồ chiên rán; tăng cường các thực phẩm giàu omega-3, trái cây và rau củ. Đồng thời bỏ hút thuốc hay các chất kích thích khiến triệu chứng viêm khớp dạng thấp khởi phát hoặc tăng nặng.
Theo Healthline, nếu tình trạng viêm khớp dạng thấp ở bàn chân xuất hiện các biểu hiện sau, cần nhanh chóng tới gặp bác sĩ:
– Triệu chứng sưng đau, cứng khớp, sưng khớp tăng nặng ngay cả khi áp dụng các biện pháp giảm nhẹ tại nhà và kéo dài từ 3 ngày trở lên.
– Các đợt viêm khớp bùng phát vài lần trong vòng một tháng.
– Xuất hiện vết loét tại bàn chân hoặc mắt cá chân.
– Các cơn đau cản trở việc sinh hoạt hay bất kì hoạt động nào bằng bàn chân.
– Sốt, giảm cân bất thường, kiệt sức đột ngột hoặc ngứa ran, tê dai dẳng bàn chân.