Bạn không thể thúc đẩy người khác làm việc khi bản thân họ còn không thể tự tạo động lực cho mình. Nếu nhân viên không có mục tiêu hay kế hoạch rõ ràng cho cuộc đời họ, bạn có thể làm gì?
Bill Parcells, cựu huấn luyện viên của đội bóng NY Football Giants nổi tiếng là có tài tạo động lực cho mọi người. Có lần, tại một buổi họp báo, khi được hỏi: “Điều gì khiến ông trở thành người tạo động lực giỏi như vậy?”, Parcellls đã trả lời: “Điều khiến tôi trở thành người tạo động lực giỏi là tôi chỉ giữ những cầu thủ có thể tự tạo động lực cho bản thân. Còn những ai không tự tạo được động lực cho mình, tôi sẽ cho họ nghỉ chơi.”
Bạn không thể tạo động lực cho người khác. Là một diễn giả có sức thuyết phục, tôi có thể đứng trước mặt khán giả và thắp lên ngọn lửa động lực cho họ thông qua bài nói chuyện của mình. Nhưng 24h sau đó, họ sẽ tỉnh dậy và có khi còn chẳng nhớ nổi tên tôi. Vì cái mà tôi mang đến cho họ chỉ là động lực từ bên ngoài – do vậy nó chỉ có thể tồn tại trong một thời gian rất ngắn.
Động lực dài hạn phải đến từ bên trong. Là một lãnh đạo, nếu muốn nhân viên của mình chủ động với công việc và đạt được kết quả cao, bạn phải cung cấp cho họ công cụ và phương pháp để họ có thể tự tạo động lực cho mình.
Dưới đây là 3 cách giúp bạn “cài đặt công tắc tự chủ làm việc” vào nhân viên của mình.
Đối xử với nhân viên như với khách hàng
Để mang đến chất lượng, dịch vụ, tiện ích và giá trị thực sự tốt tới khách hàng bên ngoài, trước nhất bạn phải phục vụ tốt “khách hàng bên trong”.
Lý do là gì? Nếu bạn đối xử với cấp dưới của mình theo cách mà bạn muốn họ đối xử với khách hàng, thì chất lượng dịch vụ sẽ tăng cao, và do đó công việc kinh doanh của bạn cũng tiến triển.
Thăm dò nhu cầu của “khách hàng nội bộ”
Chúng ta vẫn biết rằng nếu thăm dò mong muốn và nhu cầu của khách hàng, tìm hiểu xem họ cần gì rồi đáp ứng nhu cầu của họ trên một cơ sở nhất quán, chúng ta sẽ giữ được khách hàng lâu dài và trung thành. Tương tự với “khách hàng nội bộ”, chúng ta cũng sẽ có được đội ngũ nhân viên trung thành gắn bó.
Đa số mọi người không thể tự tạo động lực cho bản thân bởi họ không biết động cơ làm việc của chính mình. Không có mục tiêu hay kế hoạch rõ ràng cho cuộc đời và sự nghiệp của mình, họ chỉ làm việc để mang thành công đến cho công ty – chứ không phải cho bản thân họ. Và đó lại chính là nhân tố “hạ động lực”.
Các lãnh đạo doanh nghiệp thường hay nói với tôi: “Giá mà tôi tìm được đúng nút bật công tắc tự chủ của nhân viên này.” Vấn đề là bạn không thể tìm thấy nút bật ở những người vốn dĩ không có công tắc tự chủ nào.
“Đa số mọi người không thể tự tạo động lực cho bản thân bởi họ không biết động cơ làm việc của chính mình. Họ không có mục tiêu hay kế hoạch nào cho cuộc đời và sự nghiệp của mình.” Warren Greshes, tác giả cuốn “The Best Damn Management Book Ever” |
Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của người làm lãnh đạo là giúp nhân viên “tìm ra nút bật” của mình. Hãy ngồi nói chuyện với từng nhân viên một, giúp họ sắp xếp lại tất các mục tiêu, kế hoạch và làm rõ xem họ muốn đạt được điều gì trong cuộc đời và sự nghiệp của mình, giống như việc bạn vẫn thường làm với công ty hay khách hàng.
Sau đó hãy cho họ biết cách sử dụng công việc họ đang làm như một phương tiện để hướng tới mục tiêu đó. Họ sẽ làm việc chăm chỉ hơn, và đến công ty hàng ngày với thái độ tích cực hơn, bởi họ hiểu rằng mỗi ngày đến công ty và hoàn thành tốt công việc của mình, là mỗi ngày họ bước gần hơn tới mục tiêu của họ.
“Trả nhiều tiền hơn sẽ thúc đẩy nhân viên làm việc”
Bản thân tiền không phải là yếu tố thúc đẩy! Chẳng có ai thức dậy vào mỗi sáng và tự nói với mình “Ôi tôi háo hức muốn làm việc quá, vì công ty trả tôi rất hậu.” Tiền không phải là thứ khiến bạn yêu công việc của mình, nó chỉ có thể khiến bạn không ghét công việc đó mà thôi. Tiền là phương tiện cho phép bạn sống theo cách mà bạn muốn.
Điều bạn thực sự cần là giúp nhân viên tự trả lời câu hỏi: “Tôi muốn sống cuộc sống như thế nào?” Một khi họ đã có câu trả lời, họ có thể biết được mình cần bao nhiêu tiền cho cuộc sống đó. Và đến lượt bạn – trong vai trò lãnh đạo – nói cho họ biết họ cần phải làm gì để kiếm được số tiền đó. Lúc này, họ làm việc không phải vì tiền, mà vì cuộc sống mà số tiền đó sẽ mang lại, còn bạn thì đã có được một nhân viên năng động, tự chủ và có động lực làm việc.
Trên đây chỉ là 3 trong số nhiều bí quyết, ý tưởng và các bước đi mà bạn có thể tìm hiểu trong cuốn “The Best Damn Management Book Ever: 9 Keys To Creating Self-Motivated High Achievers.” Mục tiêu của tôi là giúp bạn có được đội ngũ nhân viên năng nổ, tự chủ đến mức bạn có thể thức dậy mỗi ngày và nói: “Tôi không hiểu vì sao mình lại phải đến công ty làm việc hàng ngày. Nhân viên của tôi làm việc quá hiệu quả bất kể tôi có ở đó hay không.”
Tác giả bài viết là diễn giả quốc tế chuyên nghiệp Warren Greshes, ông cũng là tác giả của cuốn sách “The Best Damn Sales Book Ever”. Được mệnh danh là “Diễn giả giúp cải thiện doanh nghiệp Mỹ”, ông thường chia sẻ các kỹ năng và các phương pháp thiết lập mục tiêu đã giúp ông thành công trong các vai trò nhà điều hành, chủ doanh nghiệp và diễn giả quốc tế. Khách hàng doanh nghiệp của ông gồm có các tập đoàn Bridgestone / Firestone, Hewlett-Packard, CNET và Coca-Cola. Thông tin về ông có thể được tìm hiểu tại website: www.Greshes.com
Thu Thủy