Thay đổi công việc 6 lần, mức lương của Mandi Woodruff-Santos tăng gần 194.000 USD mỗi năm nhờ các mẹo trong quá trình thương lượng.
Bài viết dưới đây của Mandi Woodruff-Santos – 34 tuổi, hiện là cố vấn tài chính cá nhân chuyên nghiệp tại Mỹ. Cô đã “nhảy việc” 6 lần và có kinh nghiệm để thương lượng mức lương công việc sau luôn cao hơn công việc trước.
Tôi bắt đầu làm việc toàn thời gian vào năm 2010, ở tuổi 22. Kể từ đó, tôi đã “nhảy việc” 6 lần với mức tăng lương gần 194.000 USD (tăng trung bình 39% mỗi lần tìm cơ hội mới).
Theo đó, từ chỗ kiếm được 31.200 USD mỗi năm lúc mới đi làm, tôi đã kiếm đến 225.000 USD một năm vào năm ngoái. Đó chỉ là mức lương cơ bản, chưa tính đến khoản tiền thưởng mà tôi đã thương lượng, ước khoảng 160.000 USD mỗi năm trong khoảng thời gian 10 năm đó. Tôi đang trên đà đạt được tài sản một triệu USD vào sinh nhật lần thứ 40 của mình.
Dưới đây là các lời khuyên trong công việc cũng như quá trình lương thượng lương bổng được đúc kết từ kinh nghiệm của tôi.
Đừng bỏ việc chỉ vì một khoản lương lớn
Mặc dù “nhảy việc” với tốc độ nhanh hơn bình thường đã giúp tăng thu nhập của tôi, nhưng thật lòng tôi muốn khuyên các bạn không nên rời bỏ công việc hiện tại trừ khi nó có ý nghĩa đối với sự phát triển của bản thân. Một khoản tiền lương lớn hơn và thăng chức là rất tốt, nhưng bạn cũng nên xem xét điều kiện và tình trạng của chính mình.
Tôi luôn rất chăm chỉ tìm kiếm những cơ hội việc làm thích hợp, giúp mở rộng kỹ năng và kinh nghiệm. Trên thực tế, một trong những lần chuyển đổi công việc của tôi là một bước chuyển đổi cho phép tôi tiếp cận với nhiều cơ hội học hỏi và được trau dồi bản thân hơn.
Đừng bao giờ là người đầu tiên đưa ra số lương
Ngay từ đầu trong quá trình thương lượng, nhà tuyển dụng có thể hỏi bạn mong muốn mức lương nào, một phần để xem liệu mức lương đó có nằm trong ngân sách của họ hay không. Nhưng nếu bạn nêu rõ một con số trước khi hiểu đầy đủ về công việc cũng như công ty, bạn có thể đang “bán rẻ” mình.
Đây là những gì tôi đã đáp lại khi một nhà tuyển dụng hỏi về lương: “Tôi muốn biết thêm về vai trò của tôi và kỳ vọng của công ty trước khi thảo luận về mức lương. Chúng ta có thể quay lại chủ đề này sau khi tôi có cơ hội nói chuyện với đội ngũ và xác định xem tôi có phù hợp hay không”.
Nhà tuyển dụng cũng có thể hỏi mức lương trong công việc cũ của bạn. Nếu bạn đang phỏng vấn cho một vị trí có nhiều trách nhiệm hơn, tôi khuyên bạn không nên trả lời. Nhưng nếu họ vẫn hỏi, đây là những gì tôi thường nói: “Tôi không muốn tiết lộ vấn đề đó vào thời điểm này. Vì tôi muốn có một cuộc trò chuyện toàn diện hơn về mức lương dựa trên kỹ năng của tôi và những gì tôi có thể mang lại cho công ty”.
Thực hành kỹ năng thương lượng
Yêu cầu một mức lương cao hơn có thể là một kỹ năng không dễ làm quen. Đó là lý do tại sao bạn nên thực hành sớm và thường xuyên, đặc biệt là ở những trường hợp tương tự với số tiền thấp hơn.
Ví dụ, thử yêu cầu chủ nhà giảm 100 USD trong giá thuê trước khi gia hạn hợp đồng. Nếu đang ăn tối và người phục vụ mang ra món ăn sai yêu cầu, hãy thử trả lại họ và bảo nhân viên không được tính tiền món đó vào hóa đơn. Đưa ra những yêu cầu nhỏ này đã giúp tôi tự tin và thoát khỏi “xu hướng làm hài lòng mọi người”.
Bạn cũng có thể thực hành tại nơi làm việc. Vài tháng sau kỳ thực tập không lương đầu tiên, tôi được yêu cầu đảm nhận nhiều công việc hơn. Tôi nghĩ bản thân nên được trả tiền cho công việc làm thêm nên quyết định trình bày với cấp trên.
Sau khi nói chuyện với sếp, ông ấy đồng ý trả 100 USD một tuần. Nó không nhiều, nhưng qua đó tôi biết rằng bản thân không làm gì sai khi đòi hỏi về số tiền đáng ra phải được nhận. Thêm vào đó, thành công trong cuộc đàm phán đầu tiên giúp tôi có thêm tự tin và kinh nghiệm.
Đàm phán qua điện thoại thay vì email
Dù rất khó xử, tôi thích nói về lương bổng qua điện thoại hơn. Nếu bạn thẳng thắn, chuyên nghiệp và lịch sự, điều đó cho thấy bạn có thể xử lý những cuộc thương lượng khó khăn trong công việc và không ngại đấu tranh cho những gì bạn muốn.
Chỉ với một cuộc điện thoại, tôi đã có thể tăng gấp đôi tiền lương khi ký hợp đồng với nhà tuyển dụng. Đây là cách tôi bắt đầu cuộc trò chuyện: “Cảm ơn vì lời đề nghị của bạn! Tôi rất vui mừng về cơ hội này. Thật không may, tôi nghĩ khoản lương như trên chưa phản ánh đúng giá trị của những gì tôi có thể mang lại. Dựa trên kỹ năng của tôi và trách nhiệm của vị trí này, tôi cảm thấy abc USD có ý nghĩa hơn”.
Đừng chỉ bận tâm vào lương cơ bản
Khi mới vào nghề, một nhà tuyển dụng đã ngần ngại khi tôi yêu cầu mức lương cao hơn. Tôi cũng vô cùng lo lắng. Nhưng sau đó họ miễn cưỡng nói rằng sẽ xem xét yêu cầu của tôi. Sau một tuần, họ thông báo sẽ không thay đổi mức lương cơ bản nhưng sẽ tăng tiền thưởng để đáp ứng con số mà tôi mong muốn.
Tổng thu nhập của bạn bao gồm nhiều khoản, không chỉ là mức lương cơ bản. Bạn có thể thương lượng các thành tố khác, chẳng hạn như tiền thưởng theo KPI, tiền thưởng hàng năm, các quyền lợi như bảo hiểm sức khỏe, ngày nghỉ phép, giờ làm việc linh hoạt hoặc thậm chí là quyền mua cổ phiếu ESOP.
Hỏi ý những người có kinh nghiệm
Tôi đã tìm đến ít nhất hai người cố vấn để xin lời khuyên mỗi khi nhận được lời mời làm việc mới. Tôi hỏi họ những câu như nên yêu cầu mức lương thế nào, nên đòi hỏi những đặc quyền và lợi ích nào, với mức lương này cùng khối lượng công việc trên có hợp lý hay không…
Mối quan hệ vô cùng quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Tìm đến những người đáng tin cậy trong cùng ngành nghề, những người có nhiều kinh nghiệm hơn và luôn giữ liên lạc với họ là mẹo để tôi có thể khảo sát đúng mặt bằng lương mỗi khi “nhảy việc”.
Tất Đạt (theo CNBC)