Một số quy định về cách tính lương hưu hiện hành chưa hợp lý, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHXH
Bà Lê Thị Tú (tỉnh Vĩnh Phúc) vừa gửi đơn đến BHXH Việt Nam, kiến nghị xem xét về mức lương hưu thấp nhất.
Nghị định cao hơn luật?
Theo bà Tú, cuối tháng 1-2018, bà nhận quyết định hưởng chế độ hưu trí. Khi đó, bà có tổng thời gian đóng BHXH bắt buộc là 20 năm, hưởng tỉ lệ lương hưu 55% – tương ứng mức lương hưu 748.266 đồng/tháng. Do mức lương hưu bà nhận được thời điểm đó thấp hơn mức lương tối thiểu quy định nên được bù thêm cho bằng lương cơ sở (LCS) là 1,3 triệu đồng/tháng.
Qua quá trình tăng LCS, vào tháng 6-2024, bà Tú được hưởng lương hưu bằng mức LCS (thời điểm trước tháng 7-2024) là 1,8 triệu đồng/tháng. Đến tháng 7-2024, sau khi được điều chỉnh tăng thêm 15% theo Nghị định 75/2024/NĐ-CP, mức lương hưu của bà là 2.070.000 đồng/tháng, thấp hơn mức LCS hiện tại (2.340.000 đồng/tháng).
Bà Tú cho rằng việc thực hiện Nghị định 75/2024/NĐ-CP dẫn đến lương hưu của bà thấp hơn mức LCS là trái với quy định tại điều 54 và điều 55 Luật BHXH năm 2014. Cụ thể, mức lương hưu hằng tháng thấp nhất của người lao động (NLĐ) tham gia BHXH bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định bằng mức LCS, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 điều 2 và khoản 3 điều 54. Hơn nữa, theo nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật thì trường hợp này phải áp dụng Luật BHXH để điều chỉnh lương hưu cho NLĐ vì nó có giá trị pháp lý cao hơn Nghị định 75/2024/NĐ-CP.
Phản hồi kiến nghị của bà Tú, BHXH Việt Nam cho hay điểm a, khoản 1, điều 1 Nghị định 75/2024/NĐ-CP quy định đối tượng điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng gồm: Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và NLĐ (kể cả người có thời gian tham gia BHXH tự nguyện, người nghỉ hưu từ quỹ BHXH nông dân Nghệ An chuyển sang theo Quyết định 41/2009/QĐ-TTg); quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng.
Bên cạnh đó, khoản 1, điều 2 Nghị định 75/2024/NĐ-CP quy định: Từ ngày 1-7-2024, điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng của tháng 6-2024 đối với các đối tượng quy định tại khoản 1 điều 1 nghị định này.
Đối chiếu các quy định trên, bà Tú đã được BHXH tỉnh Vĩnh Phúc giải quyết hưởng chế độ hưu trí hằng tháng từ tháng 1-2018 với mức 1.300.000 đồng/tháng, gồm: lương hưu hằng tháng (748.266 đồng), khoản điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn 2018 – 2021 theo Nghị định 153/2018/NĐ-CP (54.399 đồng, tương ứng 7,27%) và khoản bù thêm cho bằng LCS là 497.335 đồng. Qua các lần điều chỉnh của Chính phủ, mức lương hưu 2.070.000 đồng/tháng của bà từ ngày 1-7-2024 là đúng quy định của nhà nước.
“Quy định việc tính mức hưởng chế độ hưu trí hằng tháng được bù bằng mức LCS chỉ áp dụng tại thời điểm bà Tú bắt đầu hưởng chế độ hưu trí tháng 1-2018; không quy định tính đối với các lần điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng” – BHXH Việt Nam khẳng định.
Người lao động thiệt thòi
Cho rằng cách tính lương hưu tại khoản 3, điều 20 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH chưa hợp lý, gây thiệt thòi cho NLĐ, mới đây, ông Lê Văn Nghĩa (ngụ Tây Ninh) cũng đã gửi kiến nghị đến Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị xem xét, điều chỉnh.
Theo ông Nghĩa, giai đoạn trước ngày 31-12-2024, lương của NLĐ làm việc trong khu vực nhà nước được trả theo hệ số, khá thấp. Vì vậy, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để hưởng lương hưu đối với người có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do nhà nước quy định được tính bình quân tiền lương tháng của 5-20 năm cuối đóng BHXH (tùy thời điểm NLĐ bắt đầu tham gia BHXH).
Tuy nhiên, theo khoản 3, điều 20 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, mức bình quân tiền lương của NLĐ vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng BHXH theo mức lương do người sử dụng lao động (NSDLĐ) quyết định lại được tính theo công thức: Lấy tổng số tiền lương tháng đóng BHXH của cả 2 chế độ tiền lương (nhà nước và NSDLĐ quy định) chia cho tổng số tháng đóng BHXH.
Việc phải chia cho toàn bộ quá trình đóng – bao gồm toàn bộ thời gian tham gia BHXH trong khu vực nhà nước, chứ không chỉ lấy 5-20 năm đóng cuối – làm giảm mức bình quân tiền lương để tính lương hưu, kéo theo lương hưu NLĐ cũng giảm.
Ông Nghĩa dẫn chứng một trường hợp cụ thể ở đơn vị mình là bà Nguyễn Thị Quỳ (SN 1966), nhân viên phục vụ, có tổng thời gian đóng BHXH bắt buộc là 20 năm 11 tháng. Trong đó, từ tháng 4-2003 đến 6-2020, bà đóng BHXH theo chế độ tiền lương do nhà nước quy định (hệ số lương 8 năm cuối từ 1,72- 2,44). Từ tháng 7-2020 đến 2-2024, bà đóng BHXH theo chế độ tiền lương do NSDLĐ quyết định (từ 4.764.785 – 5.493.000 đồng/tháng).
Áp dụng công thức tính tại khoản 3, điều 20, Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, bà Quỳ được hưởng lương hưu là 2.345.512 đồng/tháng (tỉ lệ hưởng hưu 57%). Tuy nhiên, nếu chỉ tính trên tổng mức đóng, thời gian đóng BHXH ở khu vực nhà nước trong 8 năm cuối (do tham gia BHXH từ ngày 1-1-2001 đến 31-12- 2006) thì mức lương hưu của bà sẽ là 2.541.915 đồng.
“Hầu hết cả quá trình NLĐ đóng BHXH là theo chế độ tiền lương do nhà nước quy định. Thế nhưng, chỉ cần một vài tháng họ tham gia BHXH theo mức lương do NSDLĐ quyết định thì sẽ phải chịu cách tính theo khoản 3, điều 20, Thông tư 59 và bị thiệt thòi. Việc này cần được xem xét điều chỉnh” – ông Nghĩa đề xuất.
Chưa đồng tình
Bà Lê Thị Tú cho hay chưa đồng tình với phản hồi của BHXH Việt Nam. Bởi lẽ, Luật BHXH năm 2014 còn hiệu lực chỉ quy định mức lương hưu hằng tháng thấp nhất của NLĐ tham gia BHXH bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu là bằng mức LCS. Luật không quy định thời điểm áp dụng tính mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức LCS là tại thời điểm NLĐ bắt đầu hưởng chế độ hưu trí.
“Việc điều chỉnh lương theo Nghị định 75/2024/NĐ-CP không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của tôi mà còn của nhiều người khác đang nhận mức lương hưu thấp tương tự” – bà Tú nhận xét.