Vietnam Airlines thực hiện loạt biện pháp tự thân và đẩy mạnh chuyển đổi số, nỗ lực giảm phát thải… để thực hiện vai trò chủ lực của một doanh nghiệp nhà nước.
Trong một hội thảo khoa học mới đây về ngành hàng không, ông Đặng Ngọc Hòa – Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines khẳng định, trong kỷ nguyên mới, sau 40 năm đổi mới đất nước, ngành hàng không Việt Nam càng mở ra nhiều tiềm năng và rất nhiều dư địa phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, tuy nhiên lượng hành khách chưa tương xứng. Hiện, tổng thị trường khách nội địa Việt Nam đạt khoảng trên 40 triệu lượt khách mỗi năm, tương đương tỷ lệ trung bình 10 người dân Việt Nam mới có bốn người bay một lần trong năm. Trong khi tỷ lệ này ở các nước có thị trường hàng không phát triển là 1:1 hoặc cao hơn.
Đối với thị trường khách quốc tế, năm 2023, Việt Nam đón 12,6 triệu lượt khách, đứng thứ tư trong khu vực Đông Nam Á, xếp sau Malaysia (29 triệu), Thái Lan (28 triệu), Singapore (13,6 triệu). Với rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch, Việt Nam vẫn chỉ đón lượng khách quốc tế chưa bằng một nửa so với hai nước dẫn đầu trong khu vực.
Thị trường hàng không Việt Nam cũng được các tổ chức dự báo quy mô tổng thị trường tới năm 2040 sẽ tăng 2,5 – 3 lần so với quy mô hiện tại, đạt xấp xỉ 200 triệu lượt khách quốc tế, nội địa mỗi năm.
Trước tiềm năng này và bài học từ các quốc gia phát triển, ông Đặng Ngọc Hòa và các chuyên gia nhận định, ngành hàng không Việt Nam có thể tăng trưởng đột phá về mọi mặt khi đẩy mạnh đầu tư mảng dân dụng. Trong đó, Vietnam Airlines là Hãng hàng không Quốc gia, lực lượng vận tải chủ lực của Việt Nam, giữ vai trò then chốt đối với sự phát triển ngành, kết nối Việt Nam với thế giới.
Trong bối cảnh ngành hàng không cạnh tranh khốc liệt, hãng liên tục thực hiện nhiều bước chuyển mình, đẩy mạnh chuyển đổi số, đảm bảo an toàn bay, nâng cao chất lượng dịch vụ…
Trong đó, khi Covid-19 ảnh hưởng lớn đến các hãng hàng không trên thế giới, dẫn tới phá sản hoặc xin bảo hộ phá sản, Vietnam Airlines đã thực hiện các trụ cột giải pháp tự thân, gồm: tái cơ cấu lại tài sản – nguồn vốn – nhân lực, nâng cao an toàn hàng không và chất lượng dịch vụ.
“Trong hơn ba năm qua, Vietnam Airlines còn tái cơ cấu lại tổ chức, triển khai các giải pháp về quản trị dòng tiền, tiết kiệm chi phí, đàm phán với đối tác, từ đó, tiết kiệm chi phí hơn 44.500 tỷ đồng. Năm nay, hãng đã cân đối được thu chi và có lãi”, ông nhấn mạnh.
Với vai trò doanh nghiệp nhà nước chủ lực, Vietnam Airlines tích cực góp phần vào mục tiêu chuyển đổi quốc gia. Hãng hội nhập quốc tế và khai thác các dòng máy bay hiện đại như Boeing 787, Airbus A350, từ đó, tạo nền tảng vững chắc cho việc ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Bên cạnh đó, đơn vị tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh bằng cách xây dựng hệ sinh thái kỹ thuật số toàn diện, bao phủ nhiều lĩnh vực khác nhau. Vietnam Airlines cũng nâng cấp Phần mềm quản lý bảo dưỡng và sửa chữa máy bay, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế cho đội tàu bay hiện đại, song song, đầu từ vào các công nghệ tiên tiến như Dữ liệu lớn, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây.
Hãng xác định chuyển đổi số là ưu tiên hàng đầu, với chiến lược toàn diện giai đoạn 2022-2026 nhằm hình thành doanh nghiệp số và trở thành hãng hàng không số hàng đầu ASEAN vào năm 2025.
Về chất lượng trải nghiệm cho khách hàng, Vietnam Airlines triển khai chương trình Nâng tầm dịch vụ, được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá 5 sao. Đơn vị nhận nhiều giải thưởng uy tín như chứng chỉ Hãng hàng không 4 sao” của Skytrax từ 2016 đến nay; “Hãng hàng không 5 sao về trải nghiệm dịch vụ” do APEX bình chọn; “Thương hiệu hàng không hàng đầu châu Á” của World Travel Awards.
Vietnam Airlines nằm trong top 20 hãng bay tốt nhất thế giới theo công bố của trang web đánh giá hàng không toàn cầu Airline Ratings.
Ngoài ra, Vietnam Airlines nỗ lực cùng ngành thực hiện các giải pháp nhằm giảm phát thải, hướng tới cam kết Net Zero vào năm 2050. Cuối tháng 5, Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam thực hiện thành công chuyến bay chở khách thương mại đầu tiên sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF). Sự kiện ghi nhận dấu mốc mới của ngành hàng không Việt Nam trong lộ trình hướng tới mục tiêu trên.
Vietnam Airlines thực hiện nhiều giải pháp xanh hóa để xây dựng hình ảnh “hãng hàng không xanh”. Năm 2023, hãng tham gia “thử thách chuyến bay bền vững” với ý tưởng tặng hành khách túi tái chế từ áo phao cũ, phục vụ suất ăn từ thực phẩm bền vững và kêu gọi mang đồ dùng cá nhân thay vì sử dụng các vật phẩm dùng một lần trên chuyến bay như cốc giấy, bàn chải đánh răng, chăn, áo ấm.
Đồng thời, hãng thu hồi và tái cấp các sản phẩm thực phẩm khô đảm bảo chất lượng sau chuyến bay và quyên góp cho tổ chức giải cứu thực phẩm VietHarvest.
Tại hội thảo “Nâng cao vai trò của thành phần kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam – Thực tiễn Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines”, các chuyên gia cũng chỉ ra hiện còn nhiều “điểm nghẽn” đối với quản lý doanh nghiệp nhà nước, trong đó nhà nước vừa thực hiện tốt vai trò kiến tạo nhưng cũng cần thực hiện vai trò chủ sở hữu đối với những đơn vị gặp khó khăn như Tổng công ty hàng không Việt Nam.
Nhật Lệ