Từ ngày 1/7, chính sách cải cách tiền lương lần này có hiệu lực. Cùng với việc bỏ mức lương cơ sở công chức, viên chức sẽ được hưởng nhiều chính sách như: tăng lương 30%, nhận lương theo vị trí việc làm. Chuyên gia nhận định, lần cải cách này sẽ mang lại nhiều đổi mới trong cách tính lương công chức, viên chức.
Công chức, viên chức “ngóng chờ”
Chỉ còn gần 3 tuần, chính sách cải cách tiền lương có hiệu lực. Công chức, viên chức ngóng chờ thông tin với kỳ vọng được tăng lương, đáp ứng nhu cầu cuộc sống.
Chị Nguyễn Nhung – giáo viên trường trung học phổ thông tại Thanh Hóa có 6 năm giảng dạy theo chế độ hợp đồng lao động. Năm 2022, ngành giáo dục có chỉ tiêu tuyển viên chức, chị Nhung trúng tuyển, hưởng lương viên chức với mức lương cơ sở nhân hệ số 2,34.
“Hàng tháng, tiền lương hệ số trừ bảo hiểm, tôi còn khoảng 4 triệu đồng. Tôi ngóng chờ cải cách tiền lương vì nghe nói tiền lương tăng khoảng 30%. Lương tăng giúp giáo viên lo cuộc sống, yên tâm giảng dạy”, chị Nhung chia sẻ.
Cùng cảnh ngóng tăng lương, chị Lê Lan-công chức một cơ quan nhà nước tại Đống Đa (Hà Nội) cho biết, đã có thâm niên gần 10 năm làm việc. Hàng tháng, ngoài lương theo hệ số, chị Lan nhận thêm phụ cấp như ăn trưa, số tiền lương chị nhận được khoảng 9 triệu đồng/tháng.
“Chi phí sinh hoạt ở thành phố ngày càng tăng. Lương thực, thực phẩm ngoài chợ đến học phí, học thêm cho con đều tăng qua các năm. Trong khi đó, công việc hành chính của tôi chỉ trông chờ mức lương hệ số.
Sắp tới, cải cách tiền lương, tôi mong khoản lương nhận được tăng lên để bù vào mức trượt giá hàng hóa, đảm bảo cuộc sống”, chị Lan chia sẻ.
Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng 2,78 triệu cán bộ, công chức, viên chức (không bao gồm khối lực lượng vũ trang). Trong đó, khoảng 80% người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.
Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương chỉ ra bất cập của chính sách tiền lương. Tiêu biểu như chính sách tiền lương khu vực công phức tạp, thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo.
Chính sách tiền lương mang nặng tính bình quân, không bảo đảm được cuộc sống, chưa phát huy được nhân tài, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động.
Quy định mức lương cơ sở nhân với hệ số không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương. Có quá nhiều loại phụ cấp, nhiều khoản thu nhập ngoài lương do nhiều cơ quan, nhiều cấp quyết định bằng các văn bản quy định khác nhau làm phát sinh những bất hợp lý, không thể hiện rõ thứ bậc hành chính trong hoạt động công vụ.
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, hệ thống thang bảng lương mới đã được Bộ Nội vụ phối hợp với bộ, ngành liên quan xây dựng . Dự kiến, nửa cuối tháng 6/2024, bộ này sẽ công bố.
Từ thực tế này, cơ quan chức năng đề ra mục tiêu của chính sách cải cách tiền lương đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.
Dự kiến tổng kinh phí cải cách tiền lương giai đoạn 2024 – 2026 là hơn 499.000 tỷ đồng. Trong đó, chi cho cải cách tiền lương 470.000 tỷ đồng, điều chỉnh lương hưu 11.100 tỷ đồng và trợ cấp ưu đãi người có công 18.000 tỷ đồng.
Nhiều cải cách trong bảng lương mới
Từ trước tới nay, Việt Nam trải qua 4 lần cải cách tiền lương và lần gần nhất là năm 2003. Lần cải cách tiền lương thứ 5 (năm 2024) có một số điểm khác biệt.
Đối với khu vực công (gồm công chức, viên chức, lực lượng vũ trang), cơ cấu tiền lương gồm: lương cơ bản (khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương); Bổ sung quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm.
Hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành. Trong đó, cơ quan chức năng xây dựng 3 bảng lương gồm: bảng lương cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo; bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp và bảng lương lực lượng vũ trang. Chuyển lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, hệ thống thang bảng lương mới đã được Bộ Nội vụ phối hợp với bộ, ngành liên quan xây dựng. Dự kiến, nửa cuối tháng 6/2024, bộ này sẽ công bố.
Một trong những điểm mới của bảng lương mới là bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương . Cơ quan chức năng xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể. Trong đó, mức tiền lương thấp nhất của công chức, viên không thấp hơn mức tiền lương thấp nhất của lao động qua đào tạo trong khu vực doanh nghiệp.
Dự kiến tổng kinh phí cải cách tiền lương giai đoạn 2024 – 2026 là hơn 499.000 tỷ đồng. Các điểm mới của cải cách tiền lương từ ngày 1/7 như: bãi bỏ lương cơ sở, tăng lương khoảng 30%, trả lương theo vị trí việc làm.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, TS Nguyễn Thị Lan Hương – nguyên Viện trưởng Khoa học lao động và xã hội cho biết, hiện nay, lương khu vực công chức quá thấp.
Cải cách tiền lương từ ngày 1/7 có 3 điểm mới gồm: tăng khoảng 30% so với mức lương hiện nay và bỏ mức lương cơ sở để trả lương theo vị trí việc làm. Đây là bước cải cách lớn trong quản lý.
Theo bà Hương, trước tới nay, người làm việc khu vực công sử dụng lương cơ sở nhân hệ số lạc hậu. Mức lương chi trả không đánh giá được mức lương gắn với công việc, chế độ đãi ngộ. Mức lương cơ sở của công chức, viên chức tốt nghiệp đại học bằng mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng nhân hệ số 2,34, tương đương 4,2 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, mức lương này với người lao động khu vực tư nhân khoảng 7 triệu đồng/tháng. Khi có mức lương theo vị trí việc làm, sẽ có sự so sánh, tránh việc chênh lệch quá lớn giữa công chức, viên chức và khu vực tư nhân có cùng trình độ.
“Một yếu tố quan trọng của cải cách tiền lương là ban hành vị trí việc làm . Khi chuyển sang nhận lương theo vị trí việc làm sẽ thể hiện rõ, để làm công việc, có tiêu chuẩn công chức ra sao, đánh giá mức độ hoàn thành. Chính sách cải cách tiền lương hướng tới xử lý bất cập đang tồn tại”, bà Hương cho biết.