“Cái chết của bầy ong” là tập truyện ngắn về cuộc sống đời thường của đồng bào dân tộc miền núi, về sự giằng co giữa phong tục truyền thống và cái hiện đại từ phố thị.
13 truyện ngắn trong Cái chết của bầy ong không có nhiều kịch tính, mà đều là những lát cắt bình dị: những cặp trai gái gặp gỡ ở hội làng, đến với nhau, lạc mất nhau; những người cha người mẹ miền ngược nhớ nhung những đứa con bôn ba tới miền xuôi lập nghiệp; những người trẻ cứ mải miết tìm kiếm một điều vô định, những ông bà già nhớ quê cũ nhà xưa…
Sách Cái chết của bầy ong. Ảnh: NXB Trẻ. |
Tác giả chọn góc độ kể chuyện riêng tư, gần gũi và độc đáo, khiến những sự việc thường tình này trở nên vừa quen vừa lạ. Lời văn giản dị, thong thả, không bi lụy hay lên gân, không phán xét hay cố gắng nhấn mạnh một thông điệp.
Chất người miền núi trong ngòi bút Hữu Vi thể hiện qua cách ví von con người với cây, với trái, qua những từ láy gợi thanh âm của thiên nhiên, qua giọng kể mộc mạc, qua tính cách con người và qua bối cảnh bản làng.
Trong lời giới thiệu sách, nhà văn Hồ Anh Thái nhận xét văn của Hữu Vi “trong trẻo, nhẹ nhàng, tạo ấn tượng núi non đủ độ, không cố tình uốn giọng ngọng nghịu cho ra vẻ ‘miền núi'”.
Qua tập truyện của Hữu Vi, bạn đọc bắt gặp và được tìm hiểu thêm về các phong tục của người miền núi: nghi thức cưới hỏi hay tang ma, những bài đồng dao, tục ném pao bắt vợ, địa vị của thầy mo, tục cúng ma, tục mổ trâu, lễ cúng họ, lễ phạt vạ, sự quan trọng của cây cột cái giữa nhà, lễ gọi vía, lễ cúng giàng…
“Những quả pao đỏ, xanh và xanh nhạt cứ thế bay từ tay người nọ sang người kia. Trò chơi tưởng như nhàm chán lại khiến lũ trai gái đứng thành hai hàng đối diện mải miết suốt ngày trời. Hội chơi bắt đầu từ mồng một mồng hai kéo dài đến hết những ngày nghỉ tết. Rồi lũ trai gái sẽ trở lại trường học hoặc đến các khu công nghiệp. Nhưng giờ thì hãy chơi vui đã. Chẳng ai muốn nghĩ đến ngày mai”. (Trích tập truyện Cái chết của bầy ong).
Xuyên suốt những truyện ngắn này, các nhân vật, thường là người trẻ, luôn cảm nhận được tiếng gọi và sức hút của miền xuôi, phố thị, để kiếm sống, để tìm một bạn đời, để vươn ra một không gian rộng lớn hơn, để đổi mới. Những người già, gia đình, phong tục cố gắng níu giữ họ, là nơi họ cảm thấy an toàn và thân thuộc, nhưng tiếng gọi vẫn tồn tại ngoài kia.
Một tập hợp truyện ngắn ở đây chạm đến các vấn đề phong tục và thời cuộc, giữa nếp cũ và những đổi thay hiện đại, giữa miền ngược và miền xuôi, giữa cảnh bình yên và sự xáo trộn khi núi non cũng chịu ảnh hưởng của đại dịch…
Nhà văn Hồ Anh Thái
Vấn đề thời sự và muôn thuở – mâu thuẫn giữa cái mới và cái cũ, giữa miền ngược và miền xuôi – không có câu trả lời rõ ràng và dứt khoát, không có đúng hay sai.
Thế nhưng Hữu Vi khiến độc giả suy nghĩ, để thận trọng cân nhắc xem trong một thời đại đang đổi thay chóng mặt, khi các giá trị cũ liên tục bị thách thức, lung lay, ta nên giữ lại điều gì. Ngoài ra, vấn đề về bảo tồn phong tục của các dân tộc thiểu số cũng là điều còn cần được thảo luận nghiêm túc.
Hữu Vi có tên khai sinh Vi Văn Chôồng, là người Thái, sinh ra ở huyện Con Cuông, nhưng hiện tại sống ở Quỳ Châu, cũng là một huyện miền núi của tỉnh Nghệ An. Từ năm 2005 đến 2009, ông học khoa Sáng tác – Lý luận – Phê bình của Đại học Văn hóa (Hà Nội). Ông từng cộng tác với một số tờ báo, đơn vị xuất bản,… Một số tác phẩm đã xuất bản của ông gồm Những giấc mơ rừng (Nhà xuất bản Kim Đồng 2022) và tập thơ Triền non xanh dắt tôi đi mãi (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn 2022)…
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức – Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức – Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.