Nhiều người băn khoăn không biết nên chuẩn bị gì, đầu tư như thế nào cho hiệu quả với số vốn 2 tỷ đồng nhàn rỗi?
Trả lời câu hỏi này, ông Trần Mạnh Hoàng Việt, chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân Công ty CP tư vấn đầu tư và quản lý tài sản FIDT, tư vấn: để xác định nên đầu tư bao nhiêu trong số vốn 2 tỷ đồng, trước hết cần xem xét lại toàn bộ bức tranh tài chính cá nhân, bao gồm tình hình thu nhập, chi tiêu, quản lý chi phí, những khoản nợ nần…
Ngoài ra, cũng cần xác định mình đã có quỹ dự phòng hay chưa. Điều này rất quan trọng vì đây sẽ là nguồn tiền dự phòng cho những biến động về công việc, hỗ trợ người thân, biến cố cuộc sống. Quỹ dự phòng thông thường là khoản tiền đủ cho bạn sinh sống mà không cần phải kiếm tiền trong vòng 3-6 tháng.
“ Nếu chưa có quỹ, hãy trích ngay trong khoản 2 tỷ đồng ra để lập quỹ. Bước tiếp theo là cần phải dự phòng cho những rủi ro lớn hơn như sinh mệnh, bệnh hiểm nghèo. Do đó, bạn nên có bảo hiểm nhân thọ, các loại bảo hiểm an sinh của nhà nước trước khi mang tiền đi đầu tư ”, ông Việt tư vấn.
Khâu chuẩn bị cuối cùng, theo ông Việt là lập quỹ hưu trí dài hạn. ” Nên tách thành 2 khoản là đầu tư dài hạn và quỹ hưu trí. Đây là hai khoản mà nhà đầu tư sẽ không cần dùng đến trong một khoảng thời gian dài “, ông nói.
Trong trường hợp nhà đầu tư đang có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, đồng thời đã thành lập các quỹ dự phòng thì có thể dùng hoàn toàn 2 tỷ đồng nhàn rỗi để làm giàu. Lúc này, việc đầu tiên cần làm là đánh giá khẩu vị rủi ro và năng lực chịu đựng.
“ Ví dụ một người không thể chịu được lỗ mà lại đầu tư vào chứng khoán thì dễ rơi vào cảnh ngày đêm mất ngủ vì lo lắng, không thể làm các công việc khác. Do đó, phải đánh giá khẩu vị rủi ro để chọn ra kênh đầu tư phù hợp nhất với bản thân “, ông dẫn chứng.
Tiếp theo, danh mục đầu tư cần phải đảm bảo nguyên tắc “đa dạng hóa”. Có nghĩa là nhà đầu tư sẽ phải cân bằng được các loại tài sản có tính tăng trưởng và các loại tài sản có tính chất phòng thủ. Đối với tài sản tăng trưởng, có thể cân nhắc giữa bất động sản và chứng khoán. Đối với tài sản phòng thủ, có thể cân nhắc lựa chọn tiền gửi và vàng.
Nên đầu tư vào đâu?
Phân tích cụ thể hơn về các kênh đầu tư, chuyên gia Trần Mạnh Hoàng Việt tư vấn:
Về mặt hiệu suất dài hạn đã được đo lường, chứng khoán là kênh đầu tư có hiệu suất tốt nhất. Tuy nhiên chứng khoán có những biến động, rủi ro trong ngắn hạn và đòi hỏi kiến thức đầu tư cao. Nếu chưa có nhiều kiến thức thì nên lựa chọn đầu tư chứng khoán theo hình thức chứng chỉ quỹ, ETF (quỹ đầu tư) để tích sản dài hạn.
Trong trường hợp đã có kiến thức, bạn có thể trực tiếp đầu tư chứng khoán với tỷ trọng hợp lý là 20-40% tài sản.
“Tiếp theo, bạn có thể dùng 50% hoặc hơn để đầu tư vào bất động sản. Tuy nhiên, với khoảng 1 – 1,2 tỷ đồng, bạn chỉ có thể sở hữu bất động sản ở vùng ven, ở xa trung tâm, thường sẽ là những bất động sản đất thổ cư xen với đất trồng cây lâu năm. Loại bất động sản này mang đến tiềm năng tăng trưởng cao, từ 10-30% nhưng cần phải nắm giữ trong dài hạn. Đồng thời, bạn cần kiểm tra kỹ lưỡng các yếu tố pháp lý trước khi đầu tư vào loại tài sản này” , chuyên gia nói.
Phần còn lại, khoảng 10-15% nên được giữ bằng tiền mặt để duy trì thanh khoản, đồng thời có thể trích ra một phần để mua vàng. “ Vàng là tài sản mang tính chất phòng thủ. Nếu nền kinh tế phát triển thì bất động sản, chứng khoán sẽ tăng, vàng chững. Nhưng nếu kinh tế bất ổn, bất động sản, chứng khoán đi xuống thì vàng sẽ tăng “, ông Việt nêu ý kiến.
Theo chuyên gia FIDT, việc xây dựng danh mục đầu tư như trên vừa đảm bảo sự đa dạng, vừa có tài sản tăng trưởng và tài sản phòng thủ. Tuy nhiên, để có thể xây dựng danh mục đầu tư kỹ lưỡng hơn, phù hợp với từng trường hợp cụ thể, nhà đầu tư nên tìm sự trợ giúp của các chuyên gia tài chính cá nhân hoặc những người đã có bề dày kinh nghiệm thực tế để tham khảo trước khi xuống tiền.