Cần có đánh giá toàn diện về tác động của tỷ giá lên nền kinh tế

Bắt đầu biến động cách đây hơn nửa tháng, dù có lúc tăng lúc giảm, nhưng đồ thị tăng của đồng USD trên thị trường tài chính Việt Nam được hình thành rất rõ nét, thậm chí có những phiên, đồng USD tăng lên hơn 100 đồng. Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố sẽ không điều chỉnh tỷ giá trong thời điểm này, và giữ ổn định trong biên độ đề ra từ đầu năm, nhưng thị trường không vì thế mà hạ nhiệt.

Doanh nghiệp (DN) kêu khó, các chuyên gia kinh tế người yêu cầu tăng, người đề xuất giữ nguyên, trên cơ sở phân tích các mặt lợi hại. Vậy thực tế tỷ giá biến động tác động như thế nào đến hoạt động của DN, đặc biệt là DN xuất nhập khẩu?

Chuyên mục Trò chuyện Chủ nhật đã có cuộc trao đổi với chuyên gia ngân hàng, TS Cấn Văn Lực – cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT BIDV, hàm Phó Tổng Giám đốc, kiêm Giám đốc Trường đào tạo cán bộ BIDV về vấn đề này.

Chênh lệch giá vàng góp phần “kéo căng” tỷ giá

PV: Thưa TS Cấn Văn Lực, hơn nửa tháng rồi, nhưng câu chuyện tăng giá USD vẫn nguyên tính thời sự. Dường như thị trường rất căng thẳng?

TS Cấn Văn Lực: Tôi cho rằng tỷ giá tăng trong thời gian qua là phản ứng của thị trường khi đồng USD mạnh lên, chứ không xuất phát từ nhu cầu thị trường.

PV: Nhưng thưa ông, sau công bố của NHNN, đúng là tỷ giá có hạ nhiệt thật, nhưng ngày 26/3 là phiên giật lùi tỷ giá hiếm hoi và duy nhất; còn sau đó, USD tăng 7 phiên liên tiếp và neo ở mức 21.610 đồng đổi 1 USD, tức là chỉ còn cách trần 21.673 mà NHNN đề ra 53 đồng nữa, và cũng là mức cao nhất từ trước đến nay. Nhiều người lo ngại nếu cứ đà này, có thể sang tuần sau, tỷ giá USD/VND sẽ chính thức “kịch trần”. Từ “kịch trần”, có thể sẽ xuất hiện những yếu tố “lách trần”, “chọc trần”, thị trường ngoại hối cũng có thể phát sinh xung chấn?

TS Cấn Văn Lực: Tôi đã nói rồi, hiện tượng leo dốc của tỷ giá USD/VND những ngày qua tiếp tục chịu sự chi phối lớn từ yếu tố tâm lý và kỳ vọng phá giá VND của một bộ phận thị trường trước làn sóng nới lỏng chính sách tiền tệ, ghìm giá nội tệ mà hàng loạt NH trung ương khác đã và đang tiến hành thực hiện. Cộng hưởng vào đó là chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới tăng cao.

Còn thực tế, đây là thời điểm khá tĩnh lặng của thị trường tiền tệ, do nhu cầu vốn và ngoại tệ không nhiều. Lượng kiều hối hiện tại rất cao và việc này giúp cân bằng lại những tác động ngắn hạn của thị trường thế giới. Thời điểm này chưa cho thấy sự tăng lên về nhu cầu ngoại tệ của thị trường, DN. Hơn nữa, NHNN vừa mới điều chỉnh tỷ giá hơn 2 tháng nên không có lý do gì để điều chỉnh nốt 1% trong thời điểm này.

Bởi vậy, dù tỷ giá USD/VND bán ra ở một số ngân hàng đâu đó đang tiến đến sát trần thì tôi vẫn cho rằng diễn biến thị trường ngoại hối vẫn là tương đối ổn định. Dự trữ ngoại hối vẫn được duy trì và củng cố ở mức cao, và từ đầu năm, NHNN vẫn chưa phải bán can thiệp ngoại tệ. Cùng với đó, giải ngân FDI và nguồn thu ngoại tệ từ du lịch… cũng khá tốt, do vậy, cung ngoại tệ về cơ bản vẫn chưa gặp quá nhiều vấn đề.

PV: Như vậy, phải chăng các DN cũng như thị trường không mấy tin tưởng vào khả năng “neo” giá của NHNN như tuyên bố?

TS Cấn Văn Lực:  Không hẳn là không tin, nhưng rõ ràng đồng USD trên thị trường thế giới vẫn có đà tăng nên người ta vẫn cứ kỳ vọng giá USD trong nước cũng sẽ có sự thay đổi.

PV: Như ông vừa nói, việc giá USD tăng một phần là do chênh lệch giá vàng nội ngoại?

TS Cấn Văn Lực: Thực tế, tiền và vàng luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau. Khi giá trị anh này tăng, giá trị của anh kia cũng theo đó đi lên. Chênh lệch giá vàng lớn sẽ khuyến khích đầu cơ, mua vàng để găm giữ. Muốn mua vàng nhập khẩu thì phải mua ngoại tệ để thanh toán. Điều này sẽ gây áp lực lên tỷ giá.

Tỷ giá không phải “tội đồ” chính làm giảm cạnh tranh xuất khẩu

PV: Về tác động của việc tỷ giá dâng cao, trong khi trần của NHNN không thay đổi, hiện nay rất nhiều DN cho rằng họ gặp khó và sụt giảm doanh thu vì điều này?

TS Cấn Văn Lực: Theo tôi, dù bất kỳ môi trường kinh doanh nào, việc tỷ giá ổn định là một yếu tố rất quan trọng cho DN, đặc biệt là DN xuất nhập khẩu. Vì vậy, khi NHNN giữ ổn định tỷ giá, mà DN kêu khó là không hẳn đúng. Hơn nữa, khi giá USD dâng cao, DN xuất khẩu là người được hưởng lợi, vì họ bán hàng lấy USD, còn với DN nhập khẩu, sẽ có những khó khăn, nhưng theo tôi, trong giai đoạn này, khó khăn này không lớn như DN kêu ca. Bởi vậy, tôi cho rằng việc kêu chỉ là kiếm cớ của DN, chứ “tội đồ” làm giảm sức cạnh tranh, hao hụt đơn hàng không nằm nhiều ở tỷ giá.

Ngoài ra, nói đến cạnh tranh của hàng xuất khẩu, thực tế, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nhiều khi duy trì giá bán thấp hơn so với mức giá của các nước khác, nhưng sức cạnh tranh vẫn hạn chế, bởi nhiều yếu tố như mẫu mã, chủng loại, thị hiếu, giá trị sử dụng chưa vượt trội, mức độ thỏa mãn của người tiêu dùng chưa cao…

PV: Năm 2015, NHNN cam kết chỉ điều chỉnh tỷ giá trong biên độ 2%, tức là chỉ còn 1% nữa. Với tình hình này, theo ông, liệu NHNN có duy trì được cam kết?

TS. Cấn Văn Lực: Mỗi một chính sách đều có hai mặt. Khi tỷ giá ổn định và NHNN định hướng thị trường trong một biên độ như vậy sẽ giúp DN lập dự toán, kế hoạch kinh doanh, tài chính chủ động. Ngoài ra, rủi ro tỷ giá đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế không quá lớn. Nhưng rõ ràng chúng ta không thể bỏ qua được thực tế Việt Nam là nền kinh tế mở, trong đó lệ thuộc rất nhiều vào xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài và nhiều nguồn ngoại tệ khác như ODA, kiều hối… nên điều hành chính sách không thể quá cứng nhắc.

Tôi nghĩ, NHNN vẫn có thể thực hiện được mục tiêu đề ra. Nhưng đây cũng là một thách thức lớn đối với cơ quan quản lý. Tôi cho rằng, NHNN sẽ điều hành tỷ giá theo quan điểm linh hoạt. Tuy vậy, NHNN cũng cần nêu rõ với thị trường rằng, biên độ cam kết được đưa ra chỉ là bài toán định hướng. Còn thực tiễn, có thể linh hoạt điều chỉnh vì điều hành chính sách tỷ giá còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề thị trường, chứ không phải lúc nào cũng như mong muốn của mình được. Theo tôi, NHNN không nhất thiết bám giữ biên độ tỷ giá như cam kết bằng mọi giá.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Lệ Thúy

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin