Cẩn trọng khi tỷ giá tiếp tục tăng

Suốt 1 tuần qua, thị trường ngoại tệ đang chứng kiến sự biến động mạnh của đồng USD theo chiều hướng liên tục “phi mã” và có những thời điểm, giá đồng bạc xanh đã “cán mốc” 23.000đ/USD.

Ngày 26-6, thị trường tiếp tục chứng kiến sự “dâng sóng” của cả tỷ giá trung tâm và tỷ giá mua bán đồng USD tại các ngân hàng, với mức tăng phổ biến từ 10 – 20 đồng. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 22.625 đồng, tăng 10 đồng so với phiên trước đó. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng là 23.303 đồng/USD và tỷ giá sàn là 21.947 đồng/USD.

Sở Giao dịch NHNN cũng niêm yết giá mua vào ở mức 22.700 đồng/USD, trong khi giá bán ra được niêm yết thấp hơn giá trần 20 đồng, ở mức 23.284 đồng/USD.

Giá USD đã cán mốc 23.000 đồng.

Tương tự, tại 10 ngân hàng có giao dịch ngoại tệ lớn, giá mua – bán đồng bạc xanh tăng mạnh sau phiên ổn định cuối tuần. Hiện giá mua thấp nhất đang ở mức 22.845 đồng/USD, giá mua cao nhất đang ở mức 22.880 đồng/USD. Trong khi đó, ở chiều bán ra, giá cao nhất đang ở mức 22.970 đồng/USD, giá bán thấp nhất đang ở mức 22.940 đồng/USD.

Nguyên nhân đẩy giá USD tăng cao, được cho là do quyết định tăng lãi suất đồng USD lần thứ hai trong năm 2018 vào giữa tháng 6 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và cơ quan này dự kiến sẽ còn tăng thêm 2 lần nữa trong năm nay. Điều này có tác động lớn, khiến đồng USD tăng giá mạnh so với các đồng tiền khác, trong đó có VND.

Thống kê cho thấy chỉ sau 9 phiên kể từ hôm có quyết định của FED, tỷ giá trung tâm liên tiếp được điều chỉnh tăng tổng cộng tới 42 đồng, tương đương 0,19%, giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng tăng khoảng 50 đồng, tương đương 0,22%; và trên thị trường tự do, USD chính thức vượt ngưỡng 23.000 đồng.

Giá USD liên tục tăng cao là tín hiệu không mấy khả quan, nhất là vào nửa cuối năm, nhu cầu sử dụng USD tăng cao. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất – kinh doanh, nhất là việc xuất nhập khẩu hàng hóa, bởi giá USD tăng sẽ gây ảnh hưởng đến giá xăng dầu, chi phí logistics; giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cũng tăng theo trong khi phần lớn doanh nghiệp đang phải nhập khẩu mặt hàng này. Ngoài ra, các doanh nghiệp vay vốn bằng ngoại tệ càng chịu ảnh hưởng khi phải tăng chi phí kinh doanh…

Tuy nhiên, công bằng mà nói, dù tỷ giá biến động mạnh, nhưng nếu so sánh với các đồng tiền khác trong khu vực, thì tỷ giá USD/VNĐ được đánh giá là khá ổn định. Cụ thể, trong khi biên độ 2% của tỷ giá USD/VNĐ vẫn được kỳ vọng giữ vững cho cả năm, thì đồng Rupiah của Indonesia đã giảm 4,7% từ đầu năm và giảm 6,25% so với cùng kỳ; đồng rupia của Ấn Độ giảm 6,35% từ đầu năm và giảm 5,3% so với cùng kỳ;  đồng peso của Philippines giảm 6,64% từ đầu năm và giảm 6,32% so với cùng kỳ; đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ giảm 19,37% từ đầu năm và giảm 25,21% so với cùng kỳ; đồng peso của Argentina giảm 32,57% từ đầu năm và giảm 41,54% so với cùng kỳ…

Để giữ được sự ổn định này, nguyên nhân được cho là thanh khoản USD dồi dào, dự trữ ngoại hối đã lên tới hơn 63 tỷ USD. Bên cạnh đó, có nhiều chính sách, căn cứ hỗ trợ để VND chỉ mất từ 1,5-2% trong năm nay để giúp ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định lãi suất, lạm phát đạt được mục tiêu đề ra là 4%. Ngoài ra, năm nay một loạt các doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa sẽ giúp thu về khoản tiền hàng chục tỷ USD, ngoài ra, còn có dòng vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán, bất động sản…

Trên những căn cứ này, một số chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng năm 2018, tỷ giá sẽ chỉ tăng 1,5-2% như dự báo. Tất nhiên, cũng không loại trừ những biến động quá sốc như lãi suất đồng USD tăng mạnh hơn so với dự báo, như thay vì tăng 4 lần FED sẽ tăng 5, 6 lần, hay mỗi lần thay vì tăng 0,25 điểm %, FED sẽ tăng 0,5 điểm %, 0,75 điểm% thì tỷ giá có thể vượt mức 2%.

Cũng có nhiều quan ngại về việc tỷ giá liên tục tăng, trong một báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC) đề cập đến tác động của việc nâng lãi suất từ FED đến thị trường chứng khoán Việt Nam, HSC cho rằng tỷ giá USD/VND tăng ít hơn 2% sẽ chưa cần phải lo ngại. Chỉ khi tỷ giá tăng hơn 2% trong 1 năm nhất định, dòng vốn nước ngoài chảy vào thị trường sẽ bắt đầu bị ảnh hưởng.

Song, HSC cũng cho rằng cần theo dõi sát, vì  FED có khả năng sẽ nâng lãi suất nhiều lần hơn (dự kiến 4 lần trong năm nay thay vì 3 lần như trước đây). Mặc dù vậy, HSC giữ nguyên dự báo tiền đồng giảm giá 2% so với USD trong năm 2018.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin