Cảnh giác chiêu lừa lấy lại tiền, bán thuốc giả trên MXH

Bằng cách chạy quảng cáo trên mạng xã hội, kẻ xấu dễ dàng tiếp cận nạn nhân với các hình thức như hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa, bán thuốc chất lượng kém.

01103082024

Một số hội nhóm hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa trên Facebook. Ảnh: Cục ATTT.

Trong bản tin tuần vừa qua, Cục An toàn thông tin (ATTT) – Bộ Thông tin & Truyền thông, tiếp tục cảnh báo một số hình thức lừa đảo trực tuyến đáng chú ý.

Trước các thủ đoạn lừa đảo ngày càng phức tạp, người dùng cần thường xuyên cảnh giác, bảo vệ bản thân trên không gian mạng để tránh bị lừa chiếm đoạt tài sản.

Cảnh giác dịch vụ “lấy lại tiền bị lừa” trên mạng xã hội

Tuần qua, một người phụ nữ tại Thanh Hóa sau khi bị lừa do tham gia làm cộng tác viên chốt đơn cho một nhãn hàng, đã nghe theo hướng dẫn của đối tượng cung cấp dịch vụ “lấy lại tiền bị lừa” trên mạng xã hội.

Nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân, chuyển khoản “phí dịch vụ” cho đối tượng và bị chiếm đoạt tiền một lần nữa.

Trước tình trạng nhiều người sập bẫy bởi hình thức “lấy lại tiền bị lừa” đang tràn lan trên mạng xã hội, người dân cần đặc biệt lưu ý, tìm hiểu những dấu hiệu để nhận biết và phòng tránh kịp thời.

Cụ thể, các đối tượng sẽ tạo tài khoản ảo, không cung cấp rõ ràng về công ty, địa chỉ hoặc thông tin liên hệ. Chúng chạy quảng cáo với nội dung “hỗ trợ lấy lại tiền”, “cam kết lấy lại được tiền bị lừa”, bên dưới là bình luận cảm ơn đã lấy lại tiền bằng những tài khoản ảo khác.

Lay lai tien bi lua anh 1

Cảnh giác trước dịch vụ “lấy lại tiền bị lừa” trên mạng xã hội. Ảnh: Cục ATTT.

Khi có người liên hệ, các đối tượng sẽ nhiệt tình tư vấn, liên tục hứa hẹn, cam kết lấy lại 100% số tiền đã mất. Tiếp đó, chúng yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, số tiền bị lừa và chuyển khoản “phí dịch vụ”.

Ngay sau đó, nhân viên thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi và không cho rút tiền. Khi nạn nhân thắc mắc, đối tượng sẽ chặn toàn bộ liên lạc.

Trước tình trạng trên, Cục ATTT khuyến cáo người dân tuyệt đối không tin vào hình thức “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo” trên mạng xã hội.

Cần tìm hiểu về công ty hoặc cá nhân cung cấp dịch vụ, xác minh địa chỉ văn phòng, số điện thoại và trang web chính thức. Không tin tưởng dịch vụ yêu cầu thanh toán trước các khoản phí.

Ngoài ra, không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm dưới mọi hình thức. Nếu nghi ngờ hay đã trở thành nạn nhân của lừa đảo trường hợp trên, hãy báo cáo ngay cho cơ quan chức năng hoặc cơ quan điều tra để được hỗ trợ và xử lý theo pháp luật.

Lừa bán thuốc đặc trị trên mạng xã hội

Mới đây, một nạn nhân phản ánh việc bị lừa mua thuốc trị bệnh xương khớp bằng Đông y, từ một đối tượng giả mạo bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện Quân đội. Do tin tưởng, nạn nhân đặt mua và sử dụng thuốc, sau đó xuất hiện các triệu chứng bệnh bất thường.

Đối với hình thức trên, thủ đoạn phổ biến của đối tượng lừa đảo là hoạt động theo hội nhóm, tạo lập các tài khoản mạng xã hội ảo, đăng bài quảng cáo về loại thuốc “thần dược” giá cao. Nhiều fanpage không có địa chỉ liên hệ, chỉ cung cấp số điện thoại tư vấn.

Bên cạnh người tự xưng “nhân viên tư vấn”, sẽ xuất hiện đối tượng khác, có nhiệm vụ giả danh bác sĩ tại các bệnh viện Trung ương để chẩn đoán và cấp thuốc.

Những loại thuốc được quảng cáo có giá từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu đồng, với các công dụng khác nhau như phòng chống bệnh ung thư, giảm tác dụng hóa trị, xạ trị ung thư, thuốc cho người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Thực chất, chúng là các loại thuốc giá rẻ với thành phần không rõ nguồn gốc.

Lay lai tien bi lua anh 2

Cảnh báo chiêu trò lừa bán thuốc đặc trị trên mạng xã hội. Ảnh: Cục ATTT.

Tinh vi hơn, các nhóm đối tượng còn thực hiện chiêu trò “giảm giá” cho người già, người nghèo, người bệnh nặng, đánh vào tâm lý thích khuyến mãi của một số người dùng.

Trước thông tin trên, Cục ATTT khuyến cáo người dân tuyệt đối không mua bán trên mạng xã hội, đặc biệt với các loại thuốc đặc trị không rõ nguồn gốc.

Khi có bệnh, người dân cần đến bệnh viện để trực tiếp thăm khám và mua thuốc dưới sự tư vấn và chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối cảnh giác với quảng cáo thuốc hứa hẹn chữa trị nhanh các bệnh nghiêm trọng, hoặc cho kết quả thần kỳ mà không có bằng chứng rõ ràng.

Ngoài ra, cần tìm hiểu về nhà sản xuất và thông tin thuốc qua các nguồn đáng tin cậy như trang web của cơ quan quản lý dược phẩm hoặc các tổ chức y tế.

Trong trường hợp gặp phải đối tượng lừa đảo hình thức trên, người dân cần báo cáo hành vi lừa đảo, bán thuốc giả cho cơ quan chức năng hoặc các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng. Đồng thời, chia sẻ thông tin về sản phẩm nghi ngờ với cộng đồng để cảnh báo và giúp người khác tránh bị lừa.

Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội

Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.

Ra mắt phần mềm phát hiện số điện thoại, tài khoản ngân hàng lừa đảo

Ứng dụng nTrust do Hiệp hội an ninh mạng quốc gia phát triển có thể cảnh báo số điện thoại, địa chỉ website, tài khoản ngân hàng và mã QR mang dấu hiệu lừa đảo.

Cảnh giác giả mạo văn bản cập nhật VssID 4.0

Kẻ lừa đảo phát văn bản giả mạo cập nhật VssID 4.0 để đánh cắp thông tin lẫn tài khoản cá nhân, gây thiệt hại cho người dân và ảnh hưởng uy tín BHXH.

Mất 5,6 tỷ vì ham làm giàu qua game

Một người phụ nữ tại Thanh Hóa nghe lời đối tượng tự xưng “nhân viên IT” dụ chơi game có thưởng, bị lừa 5,6 tỷ đồng.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin