Phình động mạch não là tình trạng phình ra ở vùng động mạch não bị suy yếu. Khi có các yếu tố thuận lợi thì sẽ có một lượng máu lớn dồn về chỗ phình và nhiều khả năng gây vỡ mạch máu, gây ra tình trạng xuất huyết (chảy máu) trong não và đe dọa tính mạng người bệnh.
Thời gian gần đây đã ghi nhận nhiều trường hợp xuất huyết dưới nhện do vỡ phình động mạch não ở người trẻ và trung niên. Bệnh cảnh thường xảy ra đột ngột, người bệnh đột ngột xuất hiện một cơn đau đầu dữ dội, sau đó rơi vào mất ý thức.
Hình ảnh một số trường hợp vỡ phình động mạch não gần đây:
Vỡ phình động mạch não có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường gặp nhất là từ 40 – 60 tuổi và có xu hướng tăng lên ở người trẻ tuổi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân thường gặp gây đột quỵ xuất huyết ở người trẻ. Căn bệnh nguy hiểm này gây ra khoảng 10 – 15% trường hợp bệnh nhân tử vong trước khi đến viện và khoảng 50% tử vong trong tháng đầu tiên sau khi bị vỡ phình mạch.
Bệnh diễn biến âm thầm trong nhiều năm, biểu hiện của bệnh tùy thuộc vào tình trạng của túi phình mạch (hình dạng, kích thước, cổ túi phình…)
Hầu hết người bệnh đều không có triệu chứng khi phình mạch chưa bị vỡ. Một số triệu chứng xuất hiện do túi phình chèn ép lên các dây thần kinh và mạch máu não quanh đó, có thể kể đến gồm:
Nhức đầu thường xuyên, kéo dài mà không rõ nguyên nhân, thường xảy ra ở một bên đầu, dùng thuốc giảm đau thông thường đỡ ít hoặc không đỡ kèm theo chóng mặt, buồn nôn, thậm chí khiến người bệnh mất ngủ kéo dài
Nhìn đôi hoặc mất thị lực một bên mắt hoặc mi mắt một bên bị sụp.
Tê hoặc yếu một bên mặt hoặc một bên cơ thể.
Trường hợp phình mạch bị vỡ sẽ gây ra xuất huyết dưới nhện (máu ở khu vực giữa màng não và não) hoặc xuất huyết trong nhu mô não. Lúc này, người bệnh có các biểu hiện như đau đầu dữ dội, được mô tả như “cơn đau đầu sét đánh” – cơn đau đầu xảy ra đột ngột như cú đấm mạnh vào đầu, khiến người bệnh choáng váng, xây xẩm kèm theo cứng cổ, nôn mửa, nhìn mờ hoặc nhìn đôi. Một số trường hợp xuất hiện co giật, mất ý thức thậm chí tử vong nếu xuất huyết nặng, chèn ép vào vùng thân não.
Nguyên nhân được biết đến là do có các yếu tố di truyền, ví dụ như có người thân là cha/mẹ/anh/chị em ruột có tiền sử phình mạch não, bị bệnh thận đa nang, loạn sản sợi cơ… Ngoài ra, có các yếu tố góp phần làm suy yếu thành mạch máu bao gồm: Hút thuốc lá nhiều năm, tăng huyết áp không kiểm soát, thường sử dụng các chất gây nghiện như cocain, sử dụng rượu quá mức hoặc do tập luyện thể thao quá mức; do chấn thương hoặc các bệnh lý nhiễm trùng thần kinh gây ra….
Hoàn cảnh khiến phình mạch não vỡ thường liên quan đến việc làm huyết áp tăng cao trong một số trường hợp như:
Căng thẳng liên tục hoặc có các cơn tức giận bùng phát đột ngột hoặc cảm xúc mạnh mẽ.
Làm việc qua sức (gồng sức) để nâng, mang hoặc đẩy vật nặng như tạ hoặc đồ vật.
Có tiền sử tăng huyết áp nhưng không điều trị, đặc biệt khi thời tiết chuyển lạnh sẽ gây ra co mạch máu ngoại vi, làm huyết áp tăng cao và dễ dẫn đến vỡ các phình mạch não.
Điều trị và tiên lượng khả năng vỡ của các túi phình động mạch não, các bác sĩ sẽ dựa vào kích thước, hình dạng, vị trí, mức độ phát triển theo thời gian và tuổi tác của người bệnh.
Khi chưa có dấu hiệu vỡ, các phình mạch thường được phát hiện tình cờ khi người bệnh đi khám sức khỏe hoặc đến viện với bệnh lý có liên quan đến việc kiểm tra hình ảnh não bộ như chụp cắt lớp vi tính sọ não hoặc chụp cộng hưởng từ sọ não.
Do vậy, để chủ động phát hiện sớm bệnh lý, nên đi khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là những người có yếu tố nguy cơ cao như có người thân đã bị đột quỵ do vỡ mạch não… Khi đã phát hiện ra có phình mạch não, cần tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của bác sĩ và thăm khám theo hẹn. Khi có các dấu hiệu bất thường như trên, cần nhập viện càng sớm càng tốt để được thăm khám và điều trị.
Mặt khác, để chủ động phòng tránh căn bệnh này, bạn nên xây dựng một số thói quen lành mạnh như không hút thuốc lá, không sử dụng các chất kích thích hoặc rượu bia, giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống và công việc,…