Bác sĩ Khánh chia sẻ thông tin hết sức cơ bản về những khối u ác tính ở trẻ em và mong mọi người luôn luôn chú ý đến con em mình, cảnh giác với những dấu hiệu khác thường mà trẻ gặp phải vì rất có thể đó là dấu hiệu cảnh báo bệnh không nhẹ ở trẻ.
Bất kì ai bị ung thư đều đáng thương, nếu là trẻ em bị ung thư thì còn đáng thương hơn gấp bội lần.Tấm thân nhỏ bé phải gồng mình chống lại những những cơn đau do bệnh tật hành hạ hay những đợt hóa trị, xạ trị khiến không chỉ cha mẹ, người thân của bé mà bất kì ai trông thấy cũng không khỏi xót xa.
(FatCamera/Getty Images)
Theo số liệu của tổ chức Ung thư Trẻ em Mỹ, trên toàn cầu có hơn 300.000 trẻ em được chẩn đoán mắc bệnh ung thư mỗi năm. Cứ sau 3 phút, một nơi nào đó trên thế giới lại có một gia đình nghe thấy những lời tàn khốc rằng con họ đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Mặc dù tỉ lệ sống sót đối với nhiều loại ung thư ở trẻ em đã được cải thiện, nhưng với nhiều trẻ em, ung thư sẽ rút ngắn cuộc sống của chúng quá sớm.
Nhưng hãy nghĩ bệnh ung thư cũng như các bệnh thông thường khác, nếu được chẩn đoán kịp thời và kết hợp những phương pháp điều trị phù hợp sẽ cải thiện tỉ lệ sống của trẻ mắc bệnh.
Trong một chia sẻ của mình, “bác sĩ quốc dân” Trần Quốc Khánh (bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức) đã đề cập đến vấn đề là khối u ở trẻ nhỏ. Qua đây, bác sĩ Khánh chia sẻ thông tin hết sức cơ bản về những khối u ác tính ở trẻ em và mong mọi người luôn luôn chú ý đến con em mình, cảnh giác với những dấu hiệu khác thường mà trẻ gặp phải vì rất có thể đó là dấu hiệu cảnh báo bệnh không nhẹ ở trẻ.
“Bác sĩ quốc dân” Trần Quốc Khánh (bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức) đã đề cập đến vấn đề là khối u ở trẻ nhỏ.
Chỉ có duy nhất triệu chứng khi đi đầu nghiêng sang một bên, bé 2 tuổi bị hôn mê vì khối u não chèn ép
Theo lời kể của bác sĩ Khánh: Một người quen đã nhờ bác sĩ xem giúp trường hợp cháu ruột của anh ấy mới gần 2 tuổi đang phải nằm ở phòng cấp cứu Việt Đức, hôn mê sâu thở máy và tiên lượng rất nặng, khối u não rất to chèn ép làm cháu hôn mê vì có dấu hiệu chảy máu bên trong trên phim chụp cắt lớp, phù não rất nhiều. Biết cháu tiên lượng khó khăn nhưng bác sĩ vẫn cùng Cùng với những chuyên gia về thần kinh sọ não trực tham vấn ra thăm khám thêm cho cháu, vừa để làm công tác tinh thần và cũng là mong muốn tìm kiếm một phép màu. Nhưng rồi, phép màu đã không xảy đến, ngày hôm sau gia đình xin cho cháu về trong lặng lẽ.
Người quen nhắn tin báo và cũng để nói lời từ biệt mà lòng bác sĩ thắt lại, bởi cháu bé mới 2 tuổi. Sau đó, bác sĩ được gia đình cho biết, từ ngày sinh ra cháu chỉ có duy nhất một dấu hiệu khác thường đó là hễ khi cháu đứng, đi thì đầu của cháu cứ nghiêng sang một bên, chỉ duy nhất triệu chứng như vậy. Những ngày gần đây thì thấy cháu nôn nhiều hơn, có vào viện vài lần nhưng truyền dịch cháu ổn nên gia đình lại cho về, ít ai nghĩ đến tổn thương u trong não ở lứa tuổi này.
(Christian K. Lee/AP/File)
Một câu chuyện khác, gái 6 tuổi hay kêu đau vùng cổ gáy do có khối u trong não bộ
Một ca trẻ bị khối u não khác được bác sĩ Khánh chia sẻ là trường hợp bé gái 6 tuổi hay kêu đau vùng cổ gáy và muốn nhờ bác sĩ khám: Qua thăm khám sơ bộ, bác sĩ chưa phát hiện triệu chứng gì đặc biệt, cháu vẫn chạy nhảy và ăn uống bình thường, thi thoảng cháu kêu đau vùng cổ cao gần gáy. Cẩn thận, bác sĩ cho cháu đi chụp phim cộng hưởng từ khảo sát vùng đầu cổ.
Cột sống cổ cháu không có vấn đề gì, tuy nhiên khi máy quét lên vùng đầu đã phát hiện khối u não vô cùng lớn, đó chính là nguyên nhân làm cháu kêu đau mấy hôm nay.
Bác sĩ ngồi giải thích cho bà nội cháu bé về bệnh tình của cháu, cháu sẽ phải phẫu thuật, một ca mổ lớn và chưa thể nói trước được điều gì. Ngay ngày hôm sau cháu được dẫn lưu tạm thời để giảm áp lực nội sọ. Sau 4 ngày cháu được phẫu thuật lấy khối u triệt để. May mắn nhân lên khi người nhà báo sau phẫu thuật, em bé đã tỉnh và bác sĩ phẫu thuật cho biết nhiều khả năng khối u của bé là lành tính. Bác sĩ Khánh cảm thấy dâng trào niềm vui bất tận trong lòng.
Hai câu chuyện với 2 cảm xúc trái ngược nhưng cũng đã khiến một người làm công việc cứu người như bác sĩ Khánh phải suy nghĩ về sức khỏe trẻ em: “Ở trẻ em, có mấy ai đưa trẻ đi khảo sát sức khoẻ định kỳ đâu khi triệu chứng hầu như rất ít hoặc không có, phải không anh chị?”. Qua đây, bác sĩ Khánh cũng đưa ra những chia sẻ về những khối u ở trẻ em, để mong mọi người lưu tâm và bảo vệ sức khỏe của con cháu mình tốt hơn.
3 nhóm khối u hay gặp ở trẻ em
Ở trẻ em, có 3 nhóm khối u hay gặp bao gồm:
– Nhóm bệnh lý của tế bào máu (ung thư bạch cầu);
– Các khối u thận- u xương;
– Các khối u não.
Nguyên nhân ung thư ở trẻ
Về nguyên nhân, ung thư ở trẻ bắt nguồn chủ yếu từ:
– Gene
– Lối sống và yếu tố gia đình từ cha mẹ đóng vai trò không nhỏ (Ví dụ: Tiền sử cha mẹ hút thuốc lá, lạm dụng các loại thuốc tây, tiếp xúc hoá chất, không kiểm soát vấn đề ăn uống, nhiễm virus… sẽ ảnh hưởng đến con).
Tỉ lệ điều trị ung thư ở trẻ
Ung thư ở trẻ em thường có tỷ lệ điều trị thành công tương đối cao, trên dưới 70%. Có những thể ung thư tỷ lệ điều trị khỏi lên đến 90% nếu phát hiện sớm.
Với bất kỳ loại ung thư nào thì việc phát hiện sớm luôn đóng vai trò then chốt. Ở đó, cha mẹ để ý sớm những dấu hiệu bất thường của trẻ là yếu tố vô cùng quan trọng vì ở trẻ nhỏ ít ai chủ động đưa các cháu đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ.
Những lựa chọn như siêu âm ổ bụng đánh giá tổng thể là điều cần thiết vì siêu âm không độc hại, rẻ tiền, nhiều cơ sở làm được. Ngoài góp phần giúp phát hiện các khối u cục, siêu âm còn giúp chúng ta khảo sát cơ bản các cơ quan trong bụng trẻ xem có bất thường hay dị tật gì không (một thận duy nhất, đảo ngược phủ tạng, bất thường hệ tiết niệu…). Còn việc chụp xquang các xương dài, chụp cắt lớp/cộng hưởng từ sọ não, xét nghiệm huyết tuỷ đồ… là vấn đề vô cùng “nhạy cảm”, chúng ta không thể lạm dụng khảo sát tràn lan.
Làm gì khi trẻ có dấu hiệu bất thường?
Bác sĩ Khánh khuyên, cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa nhi sâu (Huyết học, thần kinh..) khi cần thiết hoặc khi trẻ có dấu hiệu gì bất thường.
Khi trẻ có một trong những dấu hiệu dưới đây, cần cho trẻ đi khám sớm:
– Giảm cân nhanh trong thời gian ngắn, có dấu hiệu xanh xao, thiếu máu.
– Dễ bầm tím, chảy máu khó cầm mỗi lúc tai nạn, va chạm.
– Trẻ sốt kéo dài không rõ nguyên nhân.
– Sưng đau các hạch.
– Đau nhức ở một đầu xương nào đó khi về đêm gần sáng hoặc lúc vận động nhiều.
– Có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào của vùng đầu như trẻ hay kêu đau đầu, trẻ hay trớ, trẻ có thói quen nghiêng đầu sang 1 bên, trẻ đi-chạy với dáng điệu khác thường…
– Trẻ đái nước tiểu có màu đỏ, hồng hoặc trẻ hay kêu đau bụng.