Câu hỏi hóc búa cho các kiến trúc sư: Đồng bộ hay Lộn xộn?

Công nghệ cho phép ta có ngôi nhà “vạn sự như ý”, song cũng khiến ngôi nhà mơ ước trở nên mơ hồ vì quá nhiều mong muốn chồng chéo. Kiến trúc sư sẽ giúp giải bài toán này.

Trong sự kiện ra mắt sách Có ngôi nhà ở trong ta (diễn ra hôm 24/11 tại Đường sách TP.HCM), kiến trúc sư Bùi Thúc Đạt chia sẻ về những điều nằm trong và nằm ngoài “quyền năng” của kiến trúc sư. Qua đó, ta thấy được ngôi nhà của mình vừa chịu tác động của tổng thể quy hoạch rộng lớn hơn, cũng vừa có thể uyển chuyển, đáp ứng được kỳ vọng của người sống bên trong đó.

kien truc anh 1

Kiến trúc sư Bùi Thúc Đạt (phải) và nhà văn Huỳnh Trọng Khang tại buổi giao lưu. Ảnh: P.B.

Đồng bộ hay lộn xộn?

Theo anh, sự đồng bộ của những ngôi nhà là phát minh của chủ nghĩa hiện đại, trong đó người quản lý đóng vai trò quan trọng. Dẫn lại câu chuyện nhà báo người Mỹ-Canada Jane Jacobs hàng thập kỷ đấu tranh phản đối các dự án thay thế các khu dân cư đông đúc bằng các tòa nhà cao tầng hoặc xa lộ, Bùi Thúc Đạt đưa ra nhận định về cách con người cảm nhận giữa đồng bộ và lộn xộn trong kiến trúc.

Theo anh, cảm nhận đó “phụ thuộc vào môi trường ta sống”: ở nơi lộn xộn thì ta mong muốn sự đồng bộ; nhưng khi đồng bộ thì lại muốn thoát khỏi những không gian “máy móc”. Kiến trúc sư khó đưa ra lời khuyên chủ nhà nên giữ kiến trúc đồng bộ của khu phố hay không, vì theo anh, điều này tùy thuộc vào người làm quy hoạch, quản lý đô thị.

Ngày nay, trong những không gian sống hiện đại như chung cư, nhà ở đô thị, nhiều người kỳ vọng ngôi nhà vẫn giữ được chức năng gắn kết tình cảm gia đình và thờ phượng tổ tiên. Trước thắc mắc này, kiến trúc sư Bùi Thúc Đạt chân tình chia sẻ rằng kiến trúc vốn không thể một mình đảm đương trọng trách trên, mà rất cần đến sự hỗ trợ của các ngành nhân văn, xã hội hoặc tâm lý…

Thời đại công nghệ ngày nay cho phép ta làm ngôi nhà như chúng ta mong muốn, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Nhưng theo anh, chính vì có quá nhiều hình ảnh mong muốn mà ngôi nhà mơ ước trong tâm trí ngày càng mơ hồ.

Kiến trúc sư là người có kinh nghiệm làm việc với vô vàn hình ảnh. Công việc của họ không phải là thêm thắt sự mơ hồ, mà là “biến cái mơ hồ đó thành cái cụ thể”, khiến ngôi nhà mơ ước hiện ra rõ nét trong tâm trí mỗi người.

kien truc anh 2

Sách Có ngôi nhà ở trong ta. Ảnh: P.B.

Có ngôi nhà ở trong ta

Có ngôi nhà ở trong ta là tập tản văn kiến trúc của tác giả Bùi Thúc Đạt – một kiến trúc sư trẻ đang sống tại TP.HCM, đã và đang tham gia nhiều dự án kiến trúc trong và ngoài nước. Bùi Thúc Đạt thừa nhận rằng viết lách vốn không phải sở trường, chuyên môn của anh. Tuy nhiên, do đòi hỏi của những môn học lý thuyết bên cạnh thực hành, và công việc cộng tác viên với các tờ báo, môi trường làm việc, anh đã trau dồi và mài giũa kỹ năng viết lách. Viết sách với anh cũng là một phần của công việc nghiên cứu, nghiền ngẫm để thực hành kiến trúc.

Sách dày 196 trang, gồm 2 phần: Nhà: trong, ngoài, trước, sauHình thái, Hình và thái với nhiều minh họa của chính tác giả. Với tác phẩm này, Bùi Thúc Đạt đặt người đọc vào trọng tâm của kiến trúc là ngôi nhà với những mối quan tâm muôn thuở.

Đi cùng các lược khảo văn hóa cô đọng và chính xác, tác giả cho thấy ngôi nhà từ lâu đã không còn dừng ở chức năng ở, một nơi trình bày quan niệm tiện nghi – mà mỗi chi tiết, cách cấu trúc nội thất, ngoại thất, ánh sáng, màu sắc… và xa hơn, cả sự hiện hữu của nó trong bối cảnh rộng của nơi chốn – còn là ký ức, sự chuyển dịch thẩm mỹ, di sản văn hóa phóng chiếu tâm thế sống của con người trong diễn trình lịch sử.

Với lợi thế của một người chịu đọc và tra cứu sâu về các xu hướng, trường phái kiến trúc thế giới, tác giả Bùi Thúc Đạt có nguồn dữ liệu và trường liên tưởng rộng để những luận điểm được củng cố một cách phong phú, những ý tưởng gợi mở độc sáng và thuyết phục.

Các bài báo khoa học, giải thưởng uy tín, những ý kiến, công trình của giới chuyên gia kiến trúc thế giới được tác giả đúc kết và đưa vào trang viết với mật độ cao nhưng khá tự nhiên, nhuần nhị và từ đó, hướng tới một “khoanh vùng” gần gũi, thiết thực: không gian sống, hình thái kiến trúc hay di sản văn hóa kiến trúc các vùng miền tại Việt Nam, đặc biệt là gợi mở cách ứng xử trách nhiệm với di sản văn hóa kiến trúc tại các đô thị trong cơn lốc san phẳng, đổi thay theo chiều hướng thực dụng.

Các câu chuyện thời sự kiến trúc và quy hoạch gây tranh cãi tại TP.HCM, Đà Lạt và một số địa phương khác được Bùi Thúc Đạt dẫn giải như là các điển cứu (case-study) từ trục nhìn riêng, có trang bị chuyên môn, với một lối viết lý tính, điềm tĩnh, nhiều thú vị và bất ngờ.

Anh được biết đến với vai trò hiệu đính sách kiến trúc, tác giả nhiều bài báo có giá trị về thực tế và xu hướng kiến trúc đăng tải trên tạp chí Nhà Đẹp. Kênh Giả thuyết kiến trúc trên nền tảng Spotify và YouTube của anh gồm những chương trình trò chuyện kiến trúc được giới trẻ quan tâm.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức – Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức – Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin