Dưới đây là các bước giúp bạn trả lời câu hỏi quen thuộc hàng đầu này.
Khi chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn xin việc, bạn có thể sẽ xem qua sơ yếu lý lịch của mình để đảm bảo rằng bạn có điểm nổi bật để nói, xem xét các tiêu chí về vai trò để bạn biết nhà tuyển dụng đang tìm kiếm điều gì và nghiên cứu một chút về công ty để bạn đến có ý thức về văn hóa của nó.
Bên cạnh những điều đó, bạn có thể cũng sẽ muốn chuẩn bị cho bất kỳ câu hỏi nào mà người phỏng vấn có thể hỏi bạn. “‘Thế mạnh của bạn là gì?’ chắc chắn là một trong những câu hỏi phỏng vấn hàng đầu được hỏi”, Vicki Salemi, chuyên gia nghề nghiệp tại Monster chia sẻ, và vì vậy bạn cũng sẽ muốn chuẩn bị cho mình một câu trả lời thật hoàn hảo đề phòng chúng xuất hiện.
Trước tiên, tìm kiếm và xác định điểm mạnh
Khi xem xét những điểm mạnh nào cần tập trung trong một cuộc phỏng vấn, hãy nhìn xem vị trí mà bạn đang ứng tuyển tập trung vào điều gì, Angelina Darrisaw, một huấn luyện viên nghề nghiệp, đồng thời là người sáng lập và Giám đốc điều hành của C-Suite Coach cho biết.
Trước cuộc phỏng vấn, “hãy copy và paste mô tả công việc” vào tài liệu Google, ứng dụng Ghi chú trên điện thoại hoặc bất kỳ ứng dụng nào đó mà bạn hay dùng để chắc chắn rằng bạn đã tham khảo và hiểu rất rõ về vị trí mình ứng tuyển trước khi phỏng vấn.
Chọn “một trong ba gạch đầu dòng quan trọng nhất trong phần mô tả công việc”, rồi “nêu bật điểm mạnh của bạn để phù hợp với điểm đó”, cô ấy nói. Hãy trung thực và chọn một gạch đầu dòng thực sự có liên quan đến điểm mạnh thực sự của bạn. Cho thấy sự phù hợp trong khả năng của bạn với những gì công ty mong muốn nhất có thể giúp chứng tỏ rằng bạn phù hợp với vai trò này.
Thứ hai, “khẳng định nó bằng một số ví dụ cụ thể”
Khi nói về những điểm mạnh của mình, hãy đưa ra những ví dụ cụ thể minh họa rằng bạn đã thực sự tạo ra được thành tích nào đó.
Amanda Augustine, chuyên gia nghề nghiệp tại TopResume cho biết: “Bạn có thể nói rằng bạn giỏi bất cứ thứ gì, nhưng nếu không có một số ví dụ cụ thể, một số nghiên cứu điển hình hay một số câu chuyện thực tế trong quá trình làm việc trước đó của bạn, sẽ chẳng có ai quá tin tưởng vào nó!”
Để chứng minh điểm mạnh của mình, hãy xem xét sử dụng phương pháp trả lời phỏng vấn STAR, viết tắt của tình huống (situation), nhiệm vụ (task), hành động (action), kết quả (results). Nó giúp phác thảo “những câu chuyện ngắn gọn mà bạn có thể kể để thể hiện những năng lực nhất định,” Augustine nói.
Ví dụ: giả sử rằng bạn đang cố gắng chứng minh năng lực vượt trội của mình trong lĩnh vực sales – bán hàng. Nếu “tình huống” là công ty của bạn có mục tiêu đạt được 20 doanh số bán hàng trong một tháng nhất định, thì “nhiệm vụ” sẽ là mục tiêu hàng tháng của cá nhân bạn trong nhóm là gì, “hành động” sẽ là bất cứ điều gì bạn làm để đảm bảo bạn đã thực hiện hạn ngạch cá nhân của mình và “kết quả” sẽ là bạn đã đạt được mục tiêu của mình và giúp nhóm thành công.
Nếu điểm mạnh của bạn nằm ở các kỹ năng mềm, thì “hãy phát huy điều đó”
Kỹ năng giao tiếp luôn là một điểm cộng quan trọng mà các nhà tuyển dụng tìm kiếm từ ứng viên của mình.
“Kỹ năng mềm không phải là thứ mà ai cũng có, vì vậy nếu đó là thế mạnh của bạn, hãy phát huy điều đó và cho thấy những ví dụ thực tế về cách kỹ năng mềm giúp bạn đóng góp tốt hơn cho vai trò của mình”, Darrisaw chia sẻ.
Tìm “cơ hội để lồng điểm mạnh của bạn vào câu trả lời cho một câu hỏi khác” ngay cả khi họ không yêu cầu
Đôi khi, những câu hỏi về điểm mạnh sẽ không được đưa ra trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp.
Augustine chia sẻ: “Nếu họ không hỏi bạn điểm mạnh của bạn là gì, họ sẽ hỏi bạn:
Tại sao chúng tôi nên thuê bạn?
Tại sao bạn nghĩ mình phù hợp với vai trò này?
Vì sao bạn lại quan tâm tới vị trí này? …”
Tất cả những loại câu hỏi đó trên thực tế cũng chỉ là một cách hỏi khác đi về điểm mạnh của bạn, và khi ấy, hãy khéo léo “lồng những điểm mạnh của mình” vào câu trả lời của bạn.
Ngay cả khi họ không hỏi thẳng, “bạn nên luôn chuẩn bị để sẵn sàng nói về thế mạnh của mình cho bất kỳ cuộc phỏng vấn nào”.