CEO AlphaTrue: ‘Bitcoin là tài sản tăng trưởng hiếm trên thế giới’

Bitcoin là lớp tài sản hiếm có trên thế giới đạt mức tăng trưởng “khủng”, sở hữu vốn hóa hơn 1.000 tỷ USD, theo ông Trần Dinh, CEO AlphaTrue.

Phát biểu được ông Trần Dinh, CEO AlphaTrue kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Ứng dụng Fintech, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) đưa ra trong sự kiện Blockchain & AI – Cuộc cách mạng tương lai do VBA tổ chức hôm 24/4 tại Hà Nội. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh bitcoin đạt tỷ lệ tăng trưởng 12.464% trong 10 năm qua, bỏ xa các “gã khổng lồ” công nghệ như Tesla (3.335%), Amazon (1.063%), Alphabet (525%).

Đại diện VBA nhận định, sự kiện Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) chấp thuận Bitcoin Spot ETF hồi tháng 1 là bước ngoặt lịch sử, củng cố giá trị bền vững qua thời gian của Bitcoin, đồng thời mở đường cho các nhà đầu tư tổ chức tiếp cận Bitcoin dễ dàng và an toàn hơn. Đây là sự kiện quan trọng với sự tham gia của 11 quỹ đầu tư lớn, bao gồm những tên tuổi hàng đầu trong ngành tài chính thế giới như BlackRock hay Fidelity.

Việc xuất hiện của Bitcoin ETF Spot tạo ra làn sóng đầu tư mạnh mẽ, khối lượng giao dịch hàng ngày đạt đến gần 10 tỷ USD vào ngày 5/3 trên thị trường chứng khoán Mỹ, theo số liệu từ The Block. Tính đến hiện tại, tổng giao dịch lũy kế đạt hơn 250 tỷ USD.

Ông Dinh nhận định bitcoin là tài sản mã hoá có mức tăng trưởng mạnh. Ảnh: VBA

Ông Dinh nhận định bitcoin là tài sản mã hóa có mức tăng trưởng mạnh. Ảnh: VBA

Mặt khác, ông Dinh cho rằng Halving Bitcoin lần thứ tư diễn ra ngày 19/4 sẽ tăng cường tính bảo mật cho mạng lưới, đồng thời tiếp tục thúc đẩy giá trị bitcoin và thu hút nhiều nhà đầu tư mới hơn. Tác động của Halving không chỉ dừng lại ở khía cạnh kỹ thuật, còn thể hiện qua sự trưởng thành và phát triển của hệ sinh thái, cũng như sự chấp nhận rộng rãi trong hệ thống tài chính.

Dẫn chứng cho sự tăng trưởng bền vững, ông Dinh chỉ ra phần thưởng khối của Bitcoin đã giảm một nửa sau mỗi lần Halving, giúp đồng tiền số này ngày càng khan hiếm tương tự vàng, đồng thời có thể tạo ra áp lực tăng giá khi nhu cầu nắm giữ ngày càng tăng.

Dù thận trọng với các rủi ro về quy định và bảo mật, các tổ chức vẫn tin tưởng vào tiềm năng sinh lời và đa dạng hóa danh mục đầu tư đối với tài sản mã hóa. Các công ty lớn như MicroStrategy đã bỏ hơn 4 tỷ USD vào Bitcoin, trong khi Tesla cũng nắm giữ lượng Bitcoin trị giá hơn 1 tỷ USD. Đặc biệt, JP Morgan và Wells Fargo là những ngân hàng toàn cầu lớn mới nhất công bố đầu tư vào Bitcoin thông qua các quỹ ETF Bitcoin Spot.

Ngoài ra, báo cáo của công ty kiểm toán Big4 EY-Parthenon năm 2023 cho thấy 35% tổ chức phân bổ 1-5% danh mục đầu tư cho tài sản mã hóa, trong khi 69% dự định tăng cường đầu tư trong vòng 2-3 năm tới. Đáng chú ý, 45% tổ chức có tài sản quản lý trên 500 tỷ USD đã đầu tư hơn 1% vào tài sản số. Các tổ chức có tài sản quản lý nhỏ hơn mang xu hướng phân bổ tỷ lệ lớn hơn trong danh mục đầu tư của họ. Hiện tại, Bitcoin (BTC) và Ethereum (ETH) là hai loại tài sản mã hoá được ưa chuộng nhất. Những con số này cho thấy dòng vốn lớn từ các nhà đầu tư tổ chức truyền thống đang đổ vào thị trường.

Theo ông Dinh, công nghệ blockchain – nền tảng của Bitcoin cũng đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Số liệu từ khảo sát của CasperLabs với hơn 600 lãnh đạo doanh nghiệp tại Mỹ, Anh và Trung Quốc vào năm 2023 chỉ ra sự lạc quan về ứng dụng công nghệ này. Theo đó, gần 90% doanh nghiệp triển khai blockchain ở một mức độ nào đó, 87% dự định đầu tư vào công nghệ này trong năm nay. Các ngân hàng lớn như JPMorgan và Goldman Sachs cũng đang phát triển các dịch vụ liên quan đến tiền mã hóa.

Dù còn những rủi ro tiềm ẩn như biến động giá, quy định, bảo mật và thao túng thị trường. Tuy nhiên những thách thức này đang dần được giải quyết, đặc biệt là khi nhiều quốc gia đang dần thiết lập khung pháp lý cho tiền mã hóa.

“Bitcoin sẽ giống nơi lưu trữ giá trị và theo thời gian, các nhà đầu tư sẽ chỉ đưa lên mạng blockchain Bitcoin những loại tài sản giá trị”, ông Dinh dự báo.

Ra đời năm 2009 với whitepaper của Satoshi Nakamoto, Bitcoin ban đầu chỉ được biết đến trong cộng đồng những người đam mê công nghệ và mật mã. Một trong những cột mốc đáng nhớ nhất là giao dịch đầu tiên sử dụng Bitcoin vào năm 2009, khi 10.000 BTC được trao đổi lấy hai chiếc pizza – sự kiện sau này được gọi là “Bitcoin Pizza Day”. Thời điểm đó, giá trị của Bitcoin gần như bằng không, việc sử dụng nó như một phương tiện trao đổi còn rất hạn chế.

Bitcoin từng trải qua giai đoạn đen tối khi bị lợi dụng cho các hoạt động phi pháp, điển hình là sự kiện FBI đóng cửa chợ đen Silk Road năm 2013 và vụ tấn công sàn giao dịch Mt.Gox năm 2014. Tuy nhiên, những sự kiện này vô tình thúc đẩy cộng đồng Bitcoin cải thiện hệ thống, tăng cường bảo mật và nâng cao nhận thức về an ninh mạng.

Sự ra đời của Ethereum vào năm 2015, được cải tiến so với Bitcoin bằng công nghệ hợp đồng thông minh (smart contract) mở ra nhiều ứng dụng mới cho lĩnh vực blockchain, thu hút sự quan tâm nhiều hơn từ các doanh nghiệp và tổ chức tài chính. Cùng năm, sàn giao dịch tiền mã hóa CoinBase ra đời đã đánh dấu bước tiến quan trọng tiếp theo trong việc đưa Bitcoin vào thị trường tài chính truyền thống.

Qua những năm tháng biến động liên tục, năm 2021, thị trường DeFi (tài chính phi tập trung) bùng nổ với tổng giá trị bị hóa (TVL) đạt gần 200 tỷ USD, tạo ra làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào các tài sản mã hóa, đẩy vốn hóa thị trường lên mức kỷ lục hơn 3.000 tỷ USD vào cuối năm.

Tuy nhiên, việc tăng trưởng nóng và thiếu kiểm soát khiến thị trường chao đảo chưa đầy 1 năm sau đó, trước khi bắt đầu thời kỳ ổn định trong thời gian gần đây. Điển hình là vụ sụp đổ của hệ sinh thái stablecoin thuật toán UST-LUNA vào tháng 5/2022, hay sàn giao dịch tiền mã hóa top 2 thời điểm đó là FTX bị phá sản, gây thiệt hại gần 10 tỷ USD với hàng triệu nạn nhân. Ngoài ra còn hàng loạt vụ phá sản khác gây tác động tiêu cực lên cả hệ thống ngân hàng Mỹ.

Thanh Thư

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin