“Mùa đông Bitcoin” – giai đoạn các loại tiền mã hóa lao dốc – sẽ đến vì thị trường không thể đi lên mãi nhưng cũng không kéo dài, theo bà Lynn Hoàng.
Khái niệm “mùa đông Bitcoin” thường được các nhà đầu tư ám chỉ khoảng thời gian dài Bitcoin và các loại tiền mã hóa lao dốc mạnh và không thể quay lại mức trước đó.
Như năm 2017, giá Bitcoin tăng gần 20 lần và lên gần 20.000 USD, nhưng sau đó lao dốc về còn một nửa và không thể quay lại mức đỉnh trong suốt vài năm.
Sau nhiều lần tăng nóng và liên tiếp tạo đỉnh lịch sử, giá Bitcoin từ mức kỷ lục 67.000 USD rơi về vùng giá 45.000-50.000 USD. Sáng nay, giá Bitcoin lại rớt thêm 6,5% về mức 43.000 USD sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản họp vào tháng 12, cho thấy sự bất an về lạm phát và khả năng nâng lãi suất từ tháng 3 năm nay. Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư lo ngại “mùa đông Bitcoin” có thể đang tới gần, lặp lại kịch bản của ba năm trước.
Chia sẻ với VnExpress, Lynn Hoàng – Giám đốc Binance khu vực Đông Nam Á (sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới) thừa nhận thị trường “vẫn đang ở giai đoạn hỗn loạn”. Nhưng theo bà, biến động giá Bitcoin sẽ bình ổn hơn trong giai đoạn 5-10 năm tới khi quy mô nhà đầu tư tham gia thị trường ngày càng lớn.
Nữ CEO cũng cho rằng, “mùa đông Bitcoin” chắc chắn sẽ xảy ra bởi thị trường không thể đi lên mãi. “Nhưng nó nếu có sẽ không biến động mạnh, kéo dài giống kỳ ngủ đông cách đây ba năm do yếu tố nội tại của thị trường đã thay đổi”, bà nói.
Giai đoạn 2017-2018, dòng vốn đổ vào thị trường chủ yếu từ các nhà đầu tư cá nhân và thiếu vắng sự ủng hộ của các tổ chức hay quỹ đầu tư uy tín. Tương tự những “bong bóng” tài sản khác, nhà đầu tư cá nhân đặt niềm tin vào tiền mã hóa dựa trên cảm xúc.
Còn hiện nay, thị trường tiền mã hóa đã không còn chỉ là cuộc chơi của cá nhân – thường tâm lý yếu và thiếu chiến lược đầu tư bài bản. Lynn Hoàng đánh giá, các quỹ đầu tư truyền thống thay vì có góc nhìn hoài nghi như trước thì nay đã rót hàng nghìn tỷ USD vào thị trường và tiếp tục tăng. Nhiều nhân vật trong giới tài chính, công nghệ và tỷ phú đã thay đổi góc nhìn và thể hiện sự ủng hộ cho crypto.
Đơn cử, quỹ đầu tư MicroStrategy đã chi hơn 1 tỷ USD để mua Bitcoin từ năm ngoái. PayPal hiện cho phép khách hàng mua, giữ và bán Bitcoin trực tiếp từ tài khoản của họ. “Tôi cho rằng, Bitcoin được tín nhiệm chính bởi niềm tin và sự độc đáo của công nghệ blockchain”, Lynn Hoàng nói.
Sự phát triển chóng mặt của cộng đồng đầu tư tiền mã hóa theo bà Lynn Hoàng cũng một phần có yếu tố may mắn, nhờ vào cú hích Covid-19. Chỉ trong vòng 4 tháng, lượng người dùng tiền mã hóa trên toàn thế giới đã tăng gấp đôi từ mức 100 triệu lên 221 triệu vào tháng 6 năm nay. Riêng tại Việt Nam, số tham gia tiền mã hóa vượt xa con số nửa triệu người.
Bà cũng dẫn số liệu từ PitchBook cho biết, giới quỹ đầu tư mạo hiểm đã rót kỷ lục 30 tỷ USD vào các dự án tiền mã hóa trong năm 2021, gấp 4 lần năm 2018, nhiều hơn con số của các năm trước cộng lại.
Cách đây ba năm, hệ sinh thái các dự án xây dựng trên nền tảng Blockchain cũng không sôi động như bây giờ. Ngày nay, các công ty truyền thống nhảy vào làm dự án NFT và Gamefi.
Tuy nhiên, quan điểm về “mùa đông Bitcoin” vẫn ghi nhận luồng ý kiến ngược chiều, đặc biệt từ phe nghi hoặc tiền mã hóa. Một số chuyên gia cảnh báo về khả năng lặp lại lịch sử năm 2018.
Carol Alexander, Giáo sư tài chính tại Đại học Sussex, thậm chí dự đoán trên CNBC rằng, Bitcoin có thể xuống mức thấp nhất 10.000 USD trong năm 2022. Chuyên gia cho rằng tiền số này sẽ giảm vì “không có giá trị cơ bản” và đóng vai trò như một “món đồ chơi” hơn là khoản đầu tư. “Nếu là một nhà đầu tư, tôi sẽ nghĩ đến việc thoát khỏi Bitcoin vì giá của nó có thể giảm vào năm tới”, bà nói.
Thậm chí, Warren Buffett và phó tướng của ông cũng thường xuyên phủ nhận Bitcoin. Tỷ phú Warren Buffet cũng từng gọi Bitcoin “là một công cụ đánh bạc, liên quan đến rất nhiều trò lừa đảo”. Với ông, Bitcoin chỉ như vỏ sò hoặc thứ gì đó tương tự, mà không phải là một khoản đầu tư.
Theo ước tính của Lynn Hoàng, Việt Nam hiện nằm trong top 15 nước đầu tư nhiều nhất vào tiền mã hoá. Nhiều người Việt đã “ngầm” tham gia thị trường từ năm 2013 và xuất hiện cộng đồng FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) từ 2017. Người Việt có góc nhìn cởi mở chấp nhận xu hướng mới nên Việt Nam có xuất phát điểm sớm hơn so với nhiều nước khác.
Tuy nhiên, vị thế của Việt Nam trong bản đồ đầu tư crypto thời gian tới có thể thay đổi, do người dân của các nước giàu như Mỹ, châu Âu ngày một để mắt nhiều hơn. Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan cũng có thể sớm vượt qua Việt Nam, một phần do khung pháp lý rõ ràng hơn.
Ngoài việc tham gia đầu tư crypto, một thay đổi lớn là Việt Nam đang đóng góp vào mảng công nghệ, dẫn đầu xu hướng về game Blockchain. Tại Việt Nam, bà Lynn Hoàng ước tính có hơn 100 công ty đang nghiên cứu hoặc ứng dụng blockchain vào mô hình kinh doanh. Riêng trong hai tháng gần đây, đội ngũ Việt Nam gia nhập thị trường game tăng mạnh. Việc gọi vốn triệu USD thông qua thị trường này cũng dễ dàng và đơn giản hơn so với thị trường truyền thống.
Trước đây, Việt Nam là nước đứng đầu về gia công game cho các thị trường nước ngoài. Giờ người Việt tự phát triển game thay vì làm thuê. Số lượng dự án game NFT và GameFi của đội ngũ Việt Nam phát triển phải chiếm ít nhất 10% lượng game hiện nay, Giám đốc Binance khu vực Đông Nam Á nhận định.
Thế nhưng, theo quan sát của Lynn Hoàng, số lượng dự án Việt Nam đang lấn át chất lượng. “Có rất nhiều dự án dở. Đội ngũ Việt Nam đang ào ạt phát triển về mặt số lượng nhưng chất lượng không đồng đều”, Lynn Hoàng nói. Bà hy vọng, qua sàng lọc của thị trường, Việt Nam sẽ có vài trăm dự án xuất sắc và tìm ra được một vài “kỳ lân”.
Quỳnh Trang