Theo ông Phạm Hồng Hải, tỷ lệ an toàn vốn trung bình trong ngành ngân hàng đã giảm dần trong các năm qua khi tài sản ngân hàng gia tăng nhanh không đi cùng với khả năng ngân hàng tăng vốn cấp 1. Vấn đề này thậm chí còn lớn hơn ở những ngân hàng quốc doanh – vốn chiếm khoảng 50% tổng dư nợ của nền kinh tế.
Năm 2018 đang dần khép lại với nhiều dấu ấn quan trọng. Nhiều sự kiện lớn có ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam như hiệp định CPTPP được ký kết vào tháng Ba và phê chuẩn vào tháng 11, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa có hồi kết, Fed vẫn tiếp tục đà tăng lãi suất mặc dù thị trường chứng khoán thế giới chao đảo, xe Vinfast được giới thiệu tại triển lãm xe hơi tại Paris cho thấy xu hướng mới của một số doanh nghiệp Việt phát triển sang lĩnh vực công nghiệp. Dẫu vậy với năm 2019, nhiều chuyên gia cho rằng sẽ có vô vàn những khó khăn với nền kinh tế, tài chính Việt Nam. Xoay quanh câu chuyện về kinh tế vĩ mô 2018 và triển vọng 2019, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam đã có những chia sẻ với báo giới.
PV: Thưa ông, ông có thể khái quát vài nét chính về nền kinh tế 2018?
Ông Phạm Hồng Hải: Bức tranh kinh tế thế giới năm 2018 thay đổi rất nhanh khi hầu hết các khu vực đều cho thấy đà tăng trưởng mạnh mẽ vào đầu năm và mọi người bắt đầu nói về sự kiện các đầu tàu kinh tế của thế giới (châu Á, châu Âu và Mỹ) cùng khởi sắc lần đầu tiên sau mười năm khủng hoảng tài chính thế giới.
“Việt Nam tiếp tục là câu chuyện tăng trưởng của châu Á trong năm 2018” – ông Phạm Hồng Hải
Tuy nhiên, ngay sau đó thị trường gặp rất nhiều biến động khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung phát sinh vào đầu tháng 4/2018 khi Mỹ tuyên bố áp dụng 25% thuế suất với giá trị khoảng 50 tỷ USD hàng xuất khẩu của Trung Quốc và Trung Quốc ngay sau đó đáp trả với thuế suất 25% cũng cho 50 tỷ USD hàng xuất khẩu của Mỹ. Căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang và chúng ta vẫn chưa thấy một giải pháp khả thi nào cho vấn đề này. Ngoài ra, Fed vẫn duy trì đà tăng lãi suất với bốn lần tăng lãi suất trong năm 2018 và nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc độ tăng trưởng. Các sự kiện này dẫn đến sự chao đảo của thị trường chứng khoán thế giới và một số đồng tiền của thị trường mới nổi đã mất giá mạnh so với USD.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam tiếp tục là câu chuyện tăng trưởng của châu Á trong năm 2018, thậm chí Việt Nam được cho là đã có một năm hoạt động tốt hơn các nước trong khu vực. Đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp và xây dựng phát triển mạnh, dẫn đầu đóng góp vào tăng trưởng kinh tế cả nước. Ngành sản xuất, đầu tàu cho xuất khẩu của Việt Nam, hoạt động ổn định trong bối cảnh xuất khẩu hàng điện tử từ phần lớn các nước châu Á giảm. Ngành dịch vụ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và đang dần trở thành xương sống đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Doanh số bán lẻ, giao thông, dịch vụ nhà cửa tiếp tục tăng trưởng mạnh do lương tăng và số khách du lịch gia tăng. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục khi thu nhập còn tăng do chuyển đổi lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang các khu vực năng suất cao khác và khi đất nước tự do hóa ngành du lịch.
Việt Nam được đánh giá là một trong những nước sẽ hưởng lợi, thậm chí là hưởng lợi nhất, từ căng thẳng thương mại leo thang trên thế giới, đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc, và nếu những căng thẳng này không dẫn tới suy giảm khối lượng thương mại toàn cầu. Trong tháng 10/2018, đơn hàng xuất khẩu mới và việc làm tăng hơn hẳn những tháng trước đó và theo công ty Markit, lượng đơn hàng xuất khẩu mới gia tăng với tốc độ cao nhất trong vòng ba tháng khi các công ty hưởng lợi từ việc mở rộng sang thị trường mới và lượng khách hàng cao hơn. Đây có thể là những tín hiệu đầu tiên từ ảnh hưởng của việc dòng thương mại chuyển hướng mà Việt Nam được lợi. Trong khi đó, dòng FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam, chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất và các dấu hiệu cho thấy xu hướng này sẽ còn tiếp tục và gia tăng trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục.
Ngoài ra, hiệp định CPTPP sẽ bắt đầu có hiệu lực từ cuối năm 2018 cộng với hiệp định thương mại EU – Việt Nam được kỳ vọng sẽ sớm được phê chuẩn vào đầu 2019 sẽ tạo động lực rất lớn cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trong bối cảnh một số nền kinh tế lớn đang chọn chính sách bảo hộ để bảo vệ quyền lợi quốc gia, Việt Nam chọn tiếp tục con đường hội nhập với kinh tế thế giới. Chính sách này sẽ không chỉ giúp Việt Nam tiếp tục thu hút được dòng vốn FDI, thúc đẩy tăng trưởng thương mại hai chiều mà còn tạo áp lực để Việt Nam tiếp tục cải cách nền kinh tế nhằm tuân thủ các tiêu chuẩn rất cao của các hiệp định thương mại thế hệ mới. Những cải cách này sẽ tạo nền tảng phát triển bền vững cho Việt Nam trong tương lai.
PV: Có nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù đã có những nền tảng tốt như vậy song nền kinh tế sẽ đối mặt với không ít các khó khăn trong thời gian tới, đặc biệt là do tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, còn ông đánh giá thế nào?
Ông Phạm Hồng Hải: Đúng là bên cạnh các cơ hội, Việt Nam cũng đang và sẽ đối mặt với các thách thức cả về ngắn hạn, trung và dài hạn.
Thách thức ngắn hạn chủ yếu đến từ các bất ổn bên ngoài, từ nền kinh tế thế giới. Trong trường hợp căng thẳng thương mại Mỹ Trung tiếp tục leo thang làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư và giảm tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu, Việt Nam chắc chắn sẽ chịu tác động lớn do độ mở của nền kinh tế rất lớn với thế giới. Ngoài ra, nếu kinh tế Trung Quốc giảm tốc đột ngột cũng sẽ gây tác động lớn đến kinh tế Việt Nam và khu vực.
Thách thức trung và dài hạn chủ yếu đến từ các yếu tố nội tại bao gồm thách thức về nhân khẩu học. Tỷ trọng dân số lớn tuổi trong tổng dân số đang gia tăng đều trong vòng ba thập kỷ vừa qua (năm 1990 là 5,7% và cho tới 2017 là 7,1%) trong khi tỷ lệ sinh (trong 1.000 người) đã giảm (năm 1990 là 29,5 và 2017 là 15,5). Dự báo trong dài hạn cho thấy dân số của Việt Nam, vốn đã tăng từ 60 triệu năm 1986 lên 95 triệu năm 2017, sẽ có khả năng đạt đỉnh 120 triệu trước khi giảm vào năm 2050 (báo cáo của World Bank ra ngày 5/10/2018).
“Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng và đang đứng trước cơ hội của công nghiệp 4.0. Tôi hy vọng, chúng ta có thể quyết liệt cải cách nền kinh tế để kịp giàu trước khi già.”
Cũng theo dự báo của UN và HSBC, Việt Nam sẽ có tỷ lệ dân số trên 65 tuổi nhiều hơn nhiều nước trong khu vực và thậm chí còn cao hơn cả Mỹ. Điều này làm dấy lên mối lo ngại về áp lực lên hệ thống chăm sóc sức khỏe, phúc lợi xã hội và hưu trí của Việt Nam trong tương lai. Đa phần các nước đã phát triển đều tận dụng thời kỳ dân số vàng để cải cách nền kinh tế, công nghiệp hóa và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng để chuyển từ nền kinh tế có thu nhập trung bình sang nền kinh tế có thu nhập cao trước khi dân số già. Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng và đang đứng trước cơ hội của công nghiệp 4.0. Tôi hy vọng, chúng ta có thể quyết liệt cải cách nền kinh tế để kịp giàu trước khi già.
Thách thức thứ hai là năng suất lao động. Năng suất lao động của Việt Nam thuộc vào hàng thấp tại châu Á (bằng 1/18 của Singapore, 1/16 của Malaysia và 1/3 của Thái Lan và Trung Quốc), trong khi sự chuyển đổi từ nông nghiệp sang sản xuất có thể chưa đem lại hiệu suất cao nhất mong muốn do bản chất kém năng suất của các ngành đầu tư nội địa. Nâng cao năng suất lao động thông qua cải thiện chất lượng giáo dục và đào tạo cần trở thành ưu tiên trước khi chúng ta có thể hưởng lợi nhiều hơn từ thương mại. Môi trường và cơ sở pháp lý hỗ trợ cho khởi nghiệp, sáng tạo cần được xây dựng hoàn chỉnh nhằm giúp cho các start-up có thể thử nghiệm ý tưởng trên thị trường và có một hệ sinh thái để phát triển. Cơ chế cũng cần được cởi trói để người tài được trao quyền và được sử dụng đúng vị trí.
Thách thức thứ ba là cơ sở hạ tầng bao gồm hạ tầng cứng như đường xá, cầu, cảng, sân bay và hạ tầng mềm như quy định pháp luật, hệ thống tài chính v.v… Với tốc độ phát triển nhanh của Việt Nam hiện nay, nếu chúng ta không xây dựng được hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh, chúng ta sẽ gặp phải thách thức về các điểm nghẽn tăng trưởng như hệ thống giao thông tắc nghẽn, quy định pháp luật chằng chịt và được diễn giải theo nhiều cách khác nhau sẽ hạn chế hiệu quả của nền kinh tế.
PV: Như ông vừa đề cập, năm 2018 Việt Nam tiếp tục là câu chuyện tăng trưởng của châu Á, vậy còn trong năm 2019 thì sao?
Ông Phạm Hồng Hải: Trong năm 2019, Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất của châu Á nhưng sẽ phải đổi mặt với những sóng gió từ sự suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc, châu Âu và Mỹ, ba trong số các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, do bảo hộ thương mại khiến bất ổn tăng trưởng toàn cầu gia tăng.
Một số những rủi ro nội tại được kiềm chế tốt so với những năm trước. Tỷ lệ nợ công trong GDP giảm xuống và chúng ta kỳ vọng những cải thiện nhẹ trong năm 2019. Tăng trưởng tín dụng đã chậm lại mặc dù tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng vẫn là một yếu tố đáng quan ngại.
Thêm vào đó, rủi ro về lạm phát thấp do giá dầu giảm nhanh và chính sách thắt chặt tín dụng của NHNN trong nửa sau năm 2018. Với triển vọng lạm phát được thu hẹp hơn, chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ giữ lãi suất chính sách, cho phép họ tập trung hơn vào tăng trưởng năm 2019 trong bối cảnh những rủi ro bên ngoài đang đe dọa gia tăng.
PV: Riêng với lĩnh vực tài chính ngân hàng, ông nhận xét thế nào?
Ông Phạm Hồng Hải: Đối với ngành tài chính ngân hàng, khả năng sinh lời và chất lượng tài sản đã được cải thiện rất nhiều nhưng an toàn vốn vẫn là một vấn đề quan ngại.
Tỷ lệ nợ xấu giảm qua hàng năm kể từ đỉnh năm 2012. Một phần lớn sự suy giảm này là do việc chuyển nợ qua công ty quản lý tài sản Việt Nam VAMC, quá trình này được hỗ trợ thông qua những cải cách mà Chính phủ thi hành bao gồm những biện pháp tạo thuận lợi cho cả ngân hàng và VAMC để thu giữ tài sản thế chấp khi người đi vay phá sản. Điều này làm gia tăng khả năng thu hồi tài sản từ nợ xấu. Chất lượng tài sản đã được cải thiện trong những năm gần đây, đặc biệt khi chính phủ và NHNN đã ban hành các biện pháp đảm bảo về vĩ mô để giảm cho vay trong những lĩnh vực ít năng suất hay có tính chất đầu cơ như bất động sản.
Một vài biện pháp vĩ mô này phải kể đến Thông tư 06 gia tăng tỷ trọng rủi ro của các khoản vay bất động sản từ 150% tới 200% của bảng cân đối tài sản bắt đầu từ năm 2017. NHNN cũng hạ tỷ lệ vốn ngắn hạn ngân hàng có thể sử dụng để tài trợ cho các dự án trung dài hạn từ 60% của năm 2016 tới 40% năm 2018. Những cải cách này đã góp phần gia tăng chất lượng tài sản của ngân hàng trong khi đảm bảo các bong bóng không được hình thành trong nền kinh tế. Ngoài ra, thị trường bất động sản ấm lên trong vài năm gần đây cũng giúp các ngân hàng xử lý các tài sản thế chấp bằng bất động sản.
Mặt khác, khả năng sinh lời cao hơn không nhất thiết dẫn tới khả năng bảo toàn vốn tốt hơn, đối với nhiều ngân hàng. Tỷ lệ an toàn vốn trung bình trong ngành ngân hàng đã giảm dần trong các năm qua khi tài sản ngân hàng gia tăng nhanh không đi cùng với khả năng ngân hàng tăng vốn cấp 1. Vấn đề này thậm chí còn lớn hơn ở những ngân hàng quốc doanh lớn nhất vốn nắm khoảng 50% tổng dư nợ của nền kinh tế và là nơi CAR có thể giảm xuống dưới mức tối thiểu 8% khi Basel II được áp dụng vào năm 2020 (cho tới tháng 5 năm 2018, CAR trung bình của các ngân hàng quốc doanh là 9,4%).
Vốn hóa các ngân hàng quốc doanh do đó là một ưu tiên và có thể trở thành một rủi ro hiện hữu khi chúng ta tiến gần tới mốc 2020 này. Nếu các ngân hàng không thể nâng đủ vốn vào thời điểm đó, Chính phủ có thể phải bơm vốn. Theo tính toán của IMF, việc gia tăng vốn này có thể làm giảm 1-1,5% GDP.
Thiếu vốn là một rủi ro gia tăng của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh chiến lược tăng trưởng của chính phủ do tín dụng dẫn dắt. Thu hút thêm đầu tư vốn, đặc biệt là từ những nhà đầu tư chiến lược nước ngoài do đó có vai trò quan trọng trong việc gia tăng vốn cho các ngân hàng quốc doanh. Tuy nhiên, điều này sẽ đặt ra yêu cầu cấp thiết về cải cách, như cải thiện chất lượng và sự minh bạch của sổ sách cũng như những biện pháp đảm bảo vĩ mô để tiếp tục giảm nợ xấu và giải tỏa các tài sản thế chấp.
PV: Câu chuyện điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được đề cập nhiều trong năm qua khi dù đã nỗ lực kiềm chế song vẫn tăng gần 3% so với năm 2017, ông có nhận xét và dự báo thế nào về đường đi của tiền đồng trong năm 2019?
Ông Phạm Hồng Hải: Năm 2018 đồng USD trở nên mạnh hơn và các đồng tiền chủ chốt khác đã yếu hơn so với đồng USD và đồng VND không phải ngoại lệ. Điểm khác biệt cơ bản đối với đồng VND là trong khi các đồng tiền châu Á khác đã giảm giá trung bình 5-7% trong năm 2018, như đồng won của Hàn Quốc giảm 5,07%, đồng peso của Philippines giảm 4,99%, rupi của Indonesia giảm 6,62% và rupi của Ấn Độ giảm 9,58% hay đồng nhân dân tệ của Trung Quốc giảm 6,43% thì đồng Việt Nam chỉ giảm 2,7% (tỷ giá thị trường) và 1,48% (tỷ giá trung ương). Điều này có nghĩa là đồng Việt Nam thực tế đã tăng giá so với một số đồng tiền khác, ví dụ tăng 4% do với nhân dân tệ hay 3% so với Euro.
Mặc dù có xu hướng giảm giá từ quý III, tiền VND tiếp tục ổn định so với các đồng tiền khác trong khu vực do các yếu tố nội tại của nền kinh tế vẫn tốt với tăng trưởng GDP dự kiến 6,7% cho năm 2018 và mức lạm phát hợp lý (3,6% cho tới tháng Mười). Trong khi đó, Việt Nam tiếp tục có thặng dư thương mại đạt 7,2 tỷ USD trong mười tháng đầu năm. Ngoài Trung Quốc, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong vùng nhận nguồn vốn đầu tư thuần đạt 1,9 tỷ USD tính tới tháng Mười.
Với tính chất mùa vụ vào cuối năm, khi cầu với đô la Mỹ để thanh toán thường tăng, có khả năng xu hướng giảm giá của đồng Việt Nam sẽ tiếp tục cho tới cuối năm. Tuy nhiên, NHNN đã tích cực chủ động sử dụng một số công cụ và chính sách để ổn định thị trường ngoại hối nhằm ổn định môi trường kinh tế vĩ mô. Do đó, khó có khả năng sẽ có những biến động lớn về tiền đồng cho tới cuối năm.
Do Fed nhiều khả năng sẽ ngưng chu kỳ tăng lãi suất sau khi tăng hai lần nữa trong năm 2019, đồng USD nhiều khả năng sẽ không còn duy trì được xu hướng tăng giá so với các đồng tiền khác trong năm 2019. Do đó, áp lực lên tỷ giá USD/VND cũng sẽ giảm và dự kiến VND sẽ quay trở về biên độ điều chỉnh tỷ giá hẹp trong năm 2019 trừ trường hợp đồng nhân dân tệ mất giá mạnh.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!