Tương lai của một đứa trẻ thế nào được quyết định bởi cha mẹ của chúng.
Cha mẹ là người thầy đầu tiên của con trẻ, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của con nhỏ.
Mỗi đứa trẻ sinh ra đều như một trang giấy trắng, và cha mẹ sẽ là người vẽ lên trang giấy đó.
Trang giấy trắng đó trở nên như thế nào, phụ thuộc vào quyết định của cha mẹ.
Từng lời nói, hành động của cha mẹ đều ẩn chứa hình dáng tương lai của con trẻ.
CHA MẸ CÓ TÍNH KHÍ NÓNG NẢY SẼ KHÔNG THỂ NUÔI DẠY CON HẠNH PHÚC.
Có một nhà giáo dục từng nói:
“Trên đời này có một thứ lợi bất cập hại, đó chính là nổi nóng.”
Nóng giận là kẻ thù lớn nhất của giáo dục. Cha mẹ càng nóng nảy bao nhiêu, kết quả giáo dục của con cái càng tồi tệ bấy nhiêu.
Trong quá trình phát triển của con trẻ, có rất nhiều bậc cha mẹ luôn nỗ lực làm việc để có thể cho con một cuộc sống vật chất tốt nhất.
Nhưng khi con trẻ không nghe lời, họ lại rất dễ mất bình tĩnh và quát mắng các con.
Chúng ta coi trọng việc cung cấp cho con trẻ những điều kiện tốt về vật chất, nhưng lại thường bỏ quên việc bảo vệ và nuôi dưỡng tâm hồn cho chúng.
Sống trong một gia đình có cha mẹ không biết tiết chế cảm xúc của bản thân, hay nổi cáu thì con cái phải chịu những tai họa sau đây:
Một là, những đứa trẻ phải sống trong nỗi ám ảnh sợ hãi, muốn thoát khỏi nó nhưng lại không thể thoát ra được.
Hai là, tính cách của con trẻ bị đè nén lâu ngày dẫn đến méo mó về nhận thức, gây tổn hại lớn đến nhân cách của trẻ.
Ba là, con trẻ không có cảm giác an toàn, không muốn về nhà mà chỉ muốn đi thật xa càng xa càng tốt.
Tôi từng đọc qua bài báo có nội dung như thế này:
Một cô gái hơn 20 tuổi kể rằng cha mẹ của cô rất hay nổi nóng và thường xuyên la mắng cô.
Từ khi hiểu chuyện đến giờ, cô ấy luôn phải sống trong môi trường như vậy và chưa một ngày nào cảm thấy hạnh phúc.
Cô dần trở nên ngang bướng và khó gần trong mắt người khác. Chẳng có người bạn nào muốn làm bạn với cô cả.
Sau khi thi hết cấp 3, cô ấy đã bật khóc rất to. Cô khóc vì hạnh phúc, khóc vì cảm thấy cuối cùng mình cũng có thể thoát khỏi cha mẹ rồi.
Nhưng có một câu nói của cô gái khiến tôi nhớ mãi:
“Người ta thường nói con gái là chiếc áo bông của cha mẹ. Nhưng hình như tôi là chiếc áo bông size S, còn ba mẹ tôi lại mặc size L, nên ba mẹ mặc lên không những không thoải mái mà còn thấy khó chịu.”
Rất nhiều đứa trẻ sau khi lớn lên, nỗi đau sâu sắc nhất lại đến từ chính cha mẹ của chúng.
Có rất nhiều bậc cha mẹ luôn kìm nén, không dễ dàng bộc lộ cảm xúc khi ở bên ngoài.
Nhưng khi vừa về nhà, họ lại thể hiện bộ mặt u ám, nhìn gì cũng thấy không vừa mắt, dễ dàng nổi giận đùng đùng khi không vừa ý.
Bầu không khí trong nhà luôn ngột ngạt, trẻ con sợ hãi khép nép không dám nô đùa. Thử hỏi, con cái có thể hạnh phúc không khi sống trong một gia đình như vậy?
Tôi tha thiết mong những bậc cha mẹ có tính cách nóng nảy hãy biết cách tiết chế lại cảm xúc của mình để tránh vô tình làm tổn thương con trẻ.
CHA MẸ VIỆC GÌ CŨNG LÀM GIÚP CON SẼ KHÔNG THỂ NUÔI DẠY CON TRƯỞNG THÀNH
Có một chủ đề rất hot trên mạng xã hội: Kiểu gia đình nào có khả năng gây hại cho con trẻ nhất?
Một người dẫn chương trình nổi tiếng đã trả lời: Làm tất cả mọi thứ cho con và không để con đụng tay vào bất cứ thứ gì.
Những bậc cha mẹ thích lo toan mọi việc thay con, đều luôn tự viện lý do bao biện cổ súy cho con cái, để rồi cuối cùng sự yêu thương ấy hủy hoại cả cuộc đời của con.
Sự bao bọc của cha mẹ, chỉ khiến cho con cái họ sau khi trưởng thành trở nên vô dụng. Chúng giống một đứa trẻ khổng lồ không thể tự chăm sóc bản thân.
Chúng sẽ không bao giờ cảm thấy biết ơn đối với cha mẹ dù chỉ một chút mà sẽ mặc nhiên coi sự cống hiến đó là lẽ đương nhiên.
Đã quen với việc hưởng thụ và ỷ lại vào cha mẹ, khi gặp chuyện không vừa ý, chúng sẽ ngay lập tức đổ lỗi cho cha mẹ.
Thời sự từng đưa tin, có một người đàn ông 48 tuổi sống bằng tiền nghỉ hưu của người mẹ 82 tuổi.
Khi người mẹ bắt anh đi làm và kiện anh ra tòa, người đàn ông đã nói một câu:
“Con như ngày hôm nay tất cả đều do mẹ. Khi con còn bé, việc gì mẹ cũng giành làm hết, không cho con động tay vào bất cứ việc gì, khiến cho con quá ỷ lại vào mẹ. Chính tình yêu của mẹ hủy hoại một đời của con.”
Trên đời này chẳng có cha mẹ nào lại không yêu thương con cái, nhưng chúng ta cần phải biết như thế nào mới là tốt cho con.
Yêu con là dạy con tự lập, dạy con những kĩ năng trong cuộc sống.
Một nền giáo dục tốt không phải là cha mẹ giúp con làm bao nhiêu việc, mà là hướng dẫn con tự mình hoàn thành việc của chúng.
NHỮNG BẬC CHA MẸ CÓ GIÁO DỤC MỚI CÓ THỂ NUÔI DẠY CON CÁI CÓ GIÁO DỤC
“Giáo dục” là hai từ luôn được người ta nhắc đến.
Thông qua những vấn đề trong chương trình nuôi dạy con, chúng ta có thể thấy được phần nào sự thiếu sót trong giáo dục con trẻ.
Đằng sau những đứa trẻ không được giáo dục thường là những bậc cha mẹ không có giáo dục.
Trẻ nhỏ bắt chước từng cử chỉ hành động của cha mẹ để có được cảm giác kết nối an toàn với cha mẹ của chúng.
Theo thời gian, sự bắt chước này sẽ dần dần hình thành tính cách của con trẻ.
Nếu cha mẹ thể hiện ra những hành vi thiếu giáo dục, trẻ nhỏ sẽ thông qua bắt chước những hành vi này và dần dần trở nên thiếu giáo dục.
Giáo dục là yếu tố cơ bản quyết định thành công của một người. Nếu một đứa trẻ ngay cả giáo dục cũng không có thì chắc hẳn nó cũng chẳng thể nào có được một tương lai tốt đẹp.
Một số người nói rằng giáo dục là đắt giá nhất. Cho tiền cho bạc không bằng cho con giáo dục.
Muốn con trở thành người có giáo dục thì trước hết cha mẹ phải là người có giáo dục.
Trên toa tàu điện ngầm, cặp cha mẹ đầu tiên mang theo con nhỏ. Con nằm bò ra ghế trong khi những hành khách khác đang phải đứng, cha mẹ cũng không nhắc nhở.
Cặp bố mẹ thứ hai đặt con ngồi trên đùi mình rồi trêu đùa cùng con. Khi đứa trẻ khoái chí cười lớn liền nhẹ nhàng nhắc nhở con trong xe cần phải giữ trật tự, không được lớn tiếng. Đứa bé suốt chặng đường đều nhỏ giọng thì thào nói chuyện với bố mẹ.
Lại trên chuyến tàu điện ngầm đông đúc khác, một bé trai luôn nói rằng mình mệt, muốn được ngồi.
Bà mẹ liền ngồi xổm xuống, để con trai ngồi trên đùi mình.
Và nói nhỏ vào tai con: “Mấy cô chú đi làm cả ngày rất mệt rồi, con đã 6 tuổi rồi có thể tự đứng được, không cần nhường ghế nữa”.
Cha mẹ là những thầy cô giáo tốt nhất của con. Vừa giảng dạy vừa đi kèm với hành động thực tế là cách giáo dục tốt nhất.
Con cái là tấm gương phản chiếu chân thật nhất của cha mẹ.
Muốn con cái là người có giáo dục, trước tiên cha mẹ phải cẩn trọng trong từng lời nói và cử chỉ, làm tấm gương sáng cho con cái noi theo.
Tương lai của một đứa trẻ thế nào được quyết định bởi cha mẹ của chúng.
Bạn của hiện tại, chính là con bạn của tương lai!