ChatGPT – Con thú dũng mãnh cần được thuần hóa

Trong vòng chưa đầy một năm, ChatGPT đã chứng minh AI có thể khiến các nhà văn trở nên dư thừa. Các cây bút bày tỏ quan ngại về cách AI tham gia sáng tạo.

ChatGPT anh 1

ChatGPT đã phát triển nhanh chóng trong vòng một năm qua. Ảnh: Pexels.

Nhà xuất bản từ điển Collins (Anh) đã chọn AI – chữ viết tắt của artificial intelligence (trí tuệ nhân tạo) là từ khóa của năm 2023.

Sự phát triển bùng nổ của ChatGPT cùng sự ra đời của nhiều tác phẩm nghệ thuật từ hội họa, âm nhạc đến văn chương từ các công cụ AI đã đặt ra nhiều quan ngại, bao gồm những chất vấn về khả năng sáng tạo của các công cụ này, lẫn những vấn đề về pháp lý và bảo vệ bản quyền.

AI đang tạo ra những bản sao vụng về của văn chương

Bernardine Evaristo – tiểu thuyết gia da màu đầu tiên đoạt giải Man Booker vào năm 2019 với tác phẩm Girl, Woman, Other đánh giá khả năng hiện tại về mặt văn học của ChatGPT “còn yếu – thường sáo rỗng và nhìn chung là thiếu thuyết phục”. Cô dùng những từ ngữ mạnh mẽ như “bộ não quái vật”, “thô lậu”, “vô liêm sỉ” để nói về việc các công cụ AI xào nấu, cắt ghép lại những văn bản đã có từ trước để tạo ra “sự bắt chước làm ra vẻ văn bản gốc”.

YZ Chin – tác giả của Edge Case (Ecco) và là cựu kỹ sư phần mềm – cho rằng giá trị của công việc AI đang làm – tóm tắt tổng quan ngắn gọn, cô đọng về cách người ta suy nghĩ thông qua ngôn ngữ – “nằm ngoài lĩnh vực hư cấu”. Cô quan niệm rằng tiểu thuyết hay sẽ làm lung lay những giới hạn quen thuộc, chứ không phải củng cố những quan điểm sẵn có. Và AI không thể làm được điều này vì “nó chỉ dò dẫm những cung đường đã biết. Không chấp nhận chút rủi ro phá cách nào cả.”

Jo Callaghan có tiểu thuyết tội phạm đầu tay In the Blink of an Eye kể về việc điều khiển một thám tử AI. Cô thừa nhận sự thật rằng có thị trường cho tiểu thuyết công thức ở mọi thể loại và phương tiện, từ tiểu thuyết tội phạm đến lãng mạn hay hành động. Nhưng cô cũng nhấn mạnh việc người sáng tác mang kinh nghiệm cá nhân vào tác phẩm của mình và tin rằng ta đọc tiểu thuyết chính là “để phát hiện ra rằng ai đó cũng đã trải qua những gì mình đang cảm nhận: để biết rằng cuối cùng thì chúng ta không đơn độc”.

Bên cạnh những chỉ trích dành cho công việc sáng tạo của AI, vẫn có luồng ý kiến trông đợi vào những tiềm năng khả thể của những cỗ máy sáng tác này. Stephen Marche đã kết hợp với AI cho ra đời tiểu thuyết Death of an Author (Cái chết của một Tác giả) dưới bút danh Aidan Marchine. Anh cho biết đã sử dụng ba hệ thống khác nhau để xây dựng Death of an Author.

Steven nhận định rằng những đức tính sáng tạo truyền thống (thấu hiểu văn phong, nhận biết câu cú và đoạn văn hay) sẽ cần thiết cho sự sáng tạo của AI trong tương lai. Ngoài ra anh cũng cho rằng nỗi sợ hãi trí tuệ nhân tạo đến từ các bộ phim và từ tính chất bấp bênh vốn có của công việc sáng tạo đang khiến nhiều người không nhìn thấy được những khả năng to lớn.

Stephen Marche có cái nhìn khác với đa số giới sáng tạo nghệ thuật: “Thời đại huy hoàng của tiểu thuyết đã qua. Có thể nói điều tương tự về điện ảnh”. Anh dẫn chứng thêm rằng 10 phim có doanh thu cao nhất năm ngoái đều là phần tiếp theo hoặc phim làm lại, và đưa ví dụ rằng The Mill on the Floss (George Eliot) phiên bản AI chưa được viết và Phù thủy xứ Oz phiên bản AI chưa được quay.

Anh nhận xét, chúng ta chỉ đang ở giai đoạn khởi thủy của nghệ thuật AI, rằng những công thức bóp nghẹt sự sáng tạo vẫn chưa tồn tại: “Khu vườn vẫn chưa được xây dựng. Những cái nhìn thoáng qua ta thấy về khả năng của nó chỉ là những cái nhìn thoáng qua”.

Một tương lai AI có thể lấy đi công việc của nhà văn

Từ ngày 2/5 đến ngày 27/9 năm vừa qua, Hiệp hội Biên kịch Mỹ (WGA) – đại diện cho 11.500 nhà biên kịch – đã đình công vì tranh chấp lao động với Liên minh các Nhà Sản xuất Điện ảnh và Truyền hình (AMPTP).

Bên cạnh các tranh chấp về mặt nguồn thu lợi nhuận, các biên kịch cũng yêu cầu trí tuệ nhân tạo, chẳng hạn ChatGPT, chỉ được sử dụng làm công cụ hỗ trợ nghiên cứu hoặc phát triển ý tưởng kịch bản chứ không phải là công cụ thay thế hoàn toàn.

Gần đây nhất, thàng 9 vừa qua các nhà văn bom tấn như George R.R. Martin, Jodi Picoult, Jonathan Franzen và George Saunders đã ký vào đơn kiện OpenAI của Hiệp hội Biên kịch thay mặt cho các nhà văn, bổ sung vào danh sách ngày càng nhiều các vụ kiện bản quyền chống lại OpenAI và các công ty AI khác.

Đơn kiện cáo buộc OpenAI đã sao chép tác phẩm của các tác giả “với số lượng lớn, mà không hề xin phép hoặc trả công” và sử dụng nó để đào tạo các LLM – các thuật toán khổng lồ hỗ trợ các công cụ như ChatGPT. Đơn kiện gọi đây là “hành vi trộm cắp có hệ thống trên quy mô lớn”. Các tác giả yêu cầu bồi thường thiệt hại vì “mất cơ hội về bản quyền với các tác phẩm của mình” và xin lệnh cấm OpenAI tiếp tục sử dụng tác phẩm của họ trong dữ liệu đào tạo của mình.

Các mô hình ngôn ngữ lớn thường được đào tạo trên hàng tỷ câu văn bản được lấy từ Internet, bao gồm các mục tin tức, Wikipedia và bình luận trên các trang truyền thông xã hội. OpenAI và các công ty AI khác như Google và Microsoft không tiết lộ cụ thể họ sử dụng dữ liệu gì, nhưng các nhà phê bình AI từ lâu đã nghi ngờ rằng trong đó bao gồm các bộ sưu tập sách lậu nổi tiếng đã lưu hành trực tuyến trong nhiều năm.

Bernardine Evaristo nhận thấy AI đang đe dọa nhiều ngành nghề sáng tạo khi trong vòng chưa đầy một năm, nó đã chứng minh rằng nó có thể khiến các nhà văn trở nên dư thừa. Cô nghĩ cần có giải pháp cho những quan ngại này: “Một con thú dũng mãnh, nhưng cần được thuần hóa. Chúng ta không thể ngó lơ nó”.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin