Dậy sớm chạy bộ là một thói quen tốt, có lợi cho sức khỏe ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, ở mỗi lứa tuổi cần có những điều lưu ý nhất định để đảm bảo hiệu quả nhiều nhất, hạn chế chấn thương tốt nhất.
Chạy bộ là hoạt động rèn luyện sức khỏe tốt cho mọi lứa tuổi
Trong thời gian gần đây, các cuộc thi chạy sôi động liên tiếp được tổ chức với nhiều hình thức và quy mô. Phong trào chạy bộ đa thu hút rất nhiều người tham gia, từ thanh niên cho đến trung niên. Khi đời sống vật chất ngày càng được nâng cao thì chạy bộ không chỉ tốt cho sức khỏe thể chất mà còn là “liều thuốc” tinh thần tích cực khi trở thành phong trào, lối sống mạnh mẽ.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách chạy bộ để đạt hiệu quả cao nhất, hạn chế những tổn thương không đáng có. Trong một cuộc trò chuyện với Trí thức trẻ, TS BS Trần Hoàng Tùng, Phó trưởng khoa phẫu thuật chi dưới, bệnh viện Việt Đức đã đưa ra những lời khuyên rất thiết thực đối với mọi người.
Bác sĩ Tùng cho biết: “Chạy bộ là hoạt động thể thao duy trì sức khỏe rất nhiều người yêu thích. Về cơ bản nó rất tốt cho sức khỏe, nhưng không phải là “trăm hoa đua nở, nghìn người ra đường chạy bộ” là tốt, mà điều quan trọng là phải vận động tùy theo thể lực, chất lượng xương khớp của mỗi người. Từ đó, mỗi người cần lực chọn một một phương pháp rèn luyện cụ thể”.
“Hoạt động chạy bộ tốt cho mọi lứa tuổi từ thanh thiếu niên đến trung niên, nhưng quan trọng nhất là cần có thời gian thích nghi, cường độ tăng dần để cơ thể làm quen, phù hợp với nhu cầu của cơ thể. Nếu bạn tập chạy bộ từ nhỏ, sức bền đã được tích lũy thì có thể duy trì chạy bộ với cường độ cao và thời gian dài. Nhưng những người đến 30, 40 tuổi mới bắt đầu chạy thì cần phải lắng nghe cơ thể để điều chỉnh cường độ luyện tập tăng dần, phù hợp với cơ thể xem ngưỡng chịu đựng của cơ thể là bao nhiêu”, bác sĩ Tùng nhấn mạnh.
Theo bác sĩ, dậy sớm chạy bộ là thói quen tốt. Vì không khí buổi sáng tốt cho sức khỏe. Sau một giấc ngủ dài, thường có hiện tượng cứng khớp, việc vận động buổi sáng là tốt. Khớp ở người trung niên, người già bao giờ cũng có một sức chịu lực nhất định, nhất là đối với những người có bệnh lý về dây thần kinh, cơ xương khớp từ trước. Nếu chạy quá ngưỡng chịu đựng, có thể ảnh hưởng đến cơ xương khớp.
Lắng nghe cơ thể, không bỏ qua ngay cả những chấn thương nhỏ nhất
Là một bác sĩ chuyên khoa về chấn thương chỉnh hình và y học thể thao, bác sĩ Tùng từng gặp rất nhiều trường hợp người bệnh bị chấn thương khi tập thể thao, rèn luyện sức khỏe. Theo bác sĩ Tùng, hoạt động chạy bộ rất tốt cho sức khỏe ở mọi đối tượng. Tuy nhiên. Mọi người cần có sự lựa chọn thông minh như thời gian chạy, địa điểm chạy cho phù hợp với độ tuổi và lứa tuổi của từng cá nhân.
Người ở độ tuổi từ 50 trở lên:
Nếu trước đó cường độ vận động ít, không thường xuyên tập thể dục. Đến độ tuổi này mới bắt đầu tham gia chạy bộ, tập thể dục thì cần bắt đầu với cường độ luyện tập nhẹ nhàng và tăng dần. Ban đầu bạn có thể tập chạy 30 phút nhẹ nhàng. Sau đó, tăng dần tốc độ và thời gian chạy lên 1 tiếng, 2 tiếng.
Các chuyên gia khuyến cáo rằng, thời gian phù hợp nhất để chạy bộ hoặc tập thể dục mỗi ngày là 1 giờ, để cơ thể quen dần. Nếu đột ngột chạy bộ với cường độ cao, kéo dài, sức khỏe có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nếu đã có thói quen vận động tích cực trong quá khứ, thì nên tiếp tục duy trì, tăng dần cường độ. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn cần lắng nghe cơ thể.
Nếu thông thường, bạn chạy bộ trong 1 giờ đồng hồ, nhưng cơ thể cảm thấy mệt, đau, nhức thì nên điều chỉnh giảm dần thời gian để xem xét sự thích ứng của cơ thể.
Điều rất quan trọng khi chạy bộ mà bác sĩ Tùng nhất mạnh là: “Hãy lắng nghe hệ cơ xương khớp của bạn. Bởi ở người trung niên, và kể cả người trẻ, rất thường gặp những tổn thương, sang chấn tích tụ lâu ngày (trong chuyên môn gọi là vi chấn thương). Người chạy bộ nếu thấy đau nhẹ, vẫn nên đến thăm khám bác sĩ”.
Bác sĩ Tùng chỉ ra, nhiều trường hợp nghĩ rằng bị chấn thương nhẹ khi chạy bộ nhưng khi đau không chịu được nữa, tới gặp bác sĩ khám thì phát hiện ra đã bị đứt bán phần dây chằng khớp gối, bong sụn khớp, rách sụn trên mức độ nhẹ… Nếu không luyện tập đúng cách, các tổn thương này có thể nghiêm trọng hơn, tăng mức độ lão hóa, thoái hóa các khớp, cần phải phẫu thuật…
Những người có vấn đề về xương khớp cần rất thận trọng khi vận động mạnh, chạy bộ. Bác sĩ Tùng chia sẻ, nhiều trường hợp bệnh nhân tới khám kể rằng, họ đã bị đau khớp gối mấy năm rồi, nhưng “chưa chữa trị gì mà chỉ đi bộ, chạy bộ, tập thể dục” để hy vọng sức khỏe cải thiện.
Bác sĩ Tùng phân tích, tại thời điểm bắt đầu có dấu hiệu đau, đáng lẽ bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ để điều trị, lấy thuốc, thay đổi thói quen tập luyện để hạn chế tổn thương rộng hơn và có thể hồi phục lại. Bệnh nhân cần được bác sĩ tư vấn rõ, với tổn thương cụ thể thì nên vận động như thế nào cho đúng cách, không làm vấn đề nghiêm trọng hơn.
Người ở tuổi thanh niên:
Những người ở tuổi thanh niên, cũng có thể gặp các chấn thương. Nhưng thanh niên có lợi thế sức bền sức trẻ nên rất cần luyện tập tích cực.
Từ xưa tới nay, việc tập luyện thể dục thể thao, chạy bộ là rất tốt, nhưng việc lựa chọn phương thức luyện tập cho phù hợp là điều rất quan trọng.
Nếu cảm thấy bất thường hay có bất kỳ chấn thương nào khi luyện tập đều cần dừng lại và kiểm tra sức khỏe. Bác sĩ Tùng khuyên bạn, chỉ nên luyện tập trở lại sau theo hướng dẫn của bác sĩ sau khi đã điều trị xong chấn thương.
Trẻ con, người cao tuổi:
Đây là các đối tượng có sức khỏe còn hạn chế, sức đề kháng kém hơn. Bác sĩ Tùng khuyên rằng. Trẻ em và người cao tuổi nên luyện tập, chạy bộ với máy tập chạy trong phòng hoặc tại nơi có mái che.
Tuy nhiên, dù ở lứa tuổi nào, người luyện tập chạy bộ cũng rất nên quan sát và lắng nghe cơ thể, không nên tập quá gắng sức để tránh dẫn đến các biến chứng, tổn thương. Trong quá trình luyện tập, nếu gặp vấn đề gì, dù chỉ ở mức độ nhẹ thì cũng nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị sớm và phù hợp, bác sĩ Tùng nhấn mạnh.