Vụ cháy kinh hoàng khiến 13 người tử vong do ngạt khói ở TP HCM đêm ngày 23/3 là hồi chuông cảnh báo cho tất cả mọi người về việc trang bị kỹ năng thoát hiểm khi sinh sống trong những khu chung cư cao tầng.
Trong các vụ hỏa hoạn, đa phần nạn nhân tử vong vì nghẹt thở do khói nhiều hơn là bỏng hay chết cháy. Thông thường, khi có hỏa hoạn, mọi người thường hoảng loạn và có rất ít thời gian để suy nghĩ. Chính tâm lý đó khiến nạn nhân không đủ tỉnh táo để quan sát tìm ra lối thoát hiểm. Do đó, trang bị các kỹ năng thoát hiểm cho mọi người dân là điều rất quan trọng và cần thiết.
Nguyên tắc đầu tiên là quan sát thật kỹ, tìm mọi cách di tản ra khỏi khu vực nhiễm khói càng nhanh càng tốt và thông báo để mọi người ứng cứu.
1. Tìm cách dập lửa
Ảnh: Internet.
Khi phát hiện có cháy, việc đầu tiên bạn phải làm là phải bình tĩnh đánh giá tình hình và nhanh chóng tìm ra giải pháp để dập lửa bằng bình bột, bình cứu hỏa, cát, nước… Nếu đám cháy quá lớn, không thể dập tắt thì phải nhanh chóng tìm cách thoát hiểm.
Ngay lúc phát hiện ra đám cháy nguy hiểm, bạn cần lập tức bấm chuông báo động tòa nhà để thông báo cho mọi người biết, gọi số 114 cho lực lượng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy.
2. Xác định đường thoát hiểm
Nếu đám cháy không xuất phát từ phòng, tầng của bạn, việc đầu tiên bạn cần làm là xác định vị trí của ngọn lửa, luồng khói để có lên kế hoạch thoát hiểm cho bản thân và gia đình.
Việc quan sát kỹ và nhớ các cách ra khỏi nhà là rất quan trọng. Ngay khi chuyển tới sinh sống tại nhà mới, bạn cần xem xét kỹ các lối thoát hiểm, làm thế nào để đi tới những lối thoát hiểm đó… Đó là những điều cần thiết giúp bạn nhanh chóng lên kế hoạch thoát hiểm cho cả gia đình khi hỏa hoạn xảy ra.
Ảnh: 24h.com.vn
Lời khuyên là hãy ra ngoài thật nhanh và an toàn. Nếu luồng khói từ trên cao và ngay trong tầng của bạn, hãy nhanh chóng di chuyển ra cửa thoát hiểm và chạy xuống các tầng dưới. Không sử dụng thang máy khi xảy ra hỏa hoạn.
Nếu cháy xuất phát từ tầng dưới, hãy tìm cách di chuyển ngược lên trên tầng thượng. Vì môi trường dày đặc khói có thể khiến bạn gục ngã trước khi ra ngoài. Tuy nhiên, nếu tòa nhà của bạn thường xuyên khóa cửa tầng thường thì không nên di chuyển lên trên bởi nếu lối thang bộ bị nhiễm khói thì đó là nơi tập trung nhiều khói nhất.
3. Những điều cần ghi nhớ khi thoát hiểm
– Trước khi thoát ra ngoài, bạn phải kiểm tra độ nóng của cửa bằng cách đặt mu bàn tay lên cửa, tay nắm cửa. Nếu thấy cửa không bị tác động nhiệt thì mở cửa từ từ và đè sát người vào cửa. Nếu thấy lửa và khói phía ngoài thì phải đóng lại ngay lập tức, đồng thời chèn kỹ cửa để ngăn khói lửa xâm nhập vào phòng. Sau đó tìm lối thoát hiểm khác.
– Trong các vụ hỏa hoạn, nguyên nhân gây tử vong chủ yếu là do ngạt khói. Vì thế, điều những người sinh sống trong khu dân cư cần lưu ý nhất là phải bình tĩnh thoát khỏi đám cháy, không cố thủ tại những không gian chật hẹp và các địa điểm có thể gây nổ như bình ga, tủ lạnh, điều hòa…
– Khi thoát hiểm luôn phải cúi thấp người, trườn, hoặc bò. Theo tự nhiên, khói sẽ bay lên cao, vì thế, bạn cần giữ vị trí cơ thể luôn dưới thấp, sát sàn nhà để hạn chế việc hít phải khói nhiều.
Ảnh: Internet.
– Sử dụng khăn tắm để bịt mũi, miệng, tránh hít phải khói gây ngạt. Dùng áo khoác hoặc tấm khăn ẩm phủ lên người khi thoát khỏi đám cháy để hạn chế bị thương do lửa, nhiệt độ cao…
– Khi quần áo của bạn bị cháy, đừng hoảng loạn và chạy vòng quanh vì điều đó sẽ khiến ngọn lửa bùng lên và cháy mạnh hơn. Hãy nằm xuống hoặc lăn vòng quanh để dập lửa. Dập lửa bằng cách bao trùm nó bằng vật liệu nặng như áo khoác, chăn (có thấm nước thì càng tốt) để phá vỡ nguồn cung cấp oxy cho ngọn lửa.
– Khi đã thoát ra ngoài được, đừng quay lại đám cháy. Bạn không nên cố đem của cải, thú cưng, đồ vật yêu thích khi tìm cách thoát khỏi đám cháy. Lúc hỏa hoạn, việc đảm bảo sự an toàn của con người là quan trọng nhất. Nếu ra ngoài được, bạn nên tìm nơi an toàn gần đó để đợi sự cứu hộ của đội cứu hỏa. Hãy kể với họ về những người bị mắc kẹt trong đám cháy để giúp công tác tìm kiếm, cứu nạn nhanh hơn.
Nếu cố quay lại đám cháy, bạn sẽ làm cho nỗ lực cứu người mất tích của lính cứu hỏa bị chậm lại, đồng thời tự đặt bản thân vào tình huống nguy hiểm.
– Tuyệt đối không nhảy từ cửa sổ, ban công trên cao xuống. Bạn chỉ cần xuống dưới tầng bị cháy rồi từ đó dùng thang bộ đi tới nơi an toàn. Việc nhắm mắt, nhảy từ trên cao xuống đất là phương án cực kỳ nguy hiểm.
4. Làm gì khi không thể thoát ra ngoài
Nếu bạn bị lửa bao vây và không thể thoát ra ngoài, hãy bình tĩnh xử lý:
– Chọn một phòng có cửa sổ nếu có thể, ngăn khói, lửa xâm nhập vào phòng bằng khăn, chăn, màn, băng dính…
– Hạ thấp cơ thể của bạn, trẻ em càng thấp càng tốt trước khi thoát hiểm.
– Dù có sợ hãi thế nào cũng không được nấp dưới gần giường hay tủ để đồ. Vì lực lượng cứu hỏa sẽ rất khó để tìm thấy bạn. Hãy lên tiếng, ra hiệu để gọi người tới giúp đỡ càng sớm càng tốt.
– Nếu bạn ở tầng trệt, hãy tìm cách ra ngoài bằng cửa sổ: Ném chăn gối, đệm qua cửa sổ để đỡ bạn, sau đó mới tìm cách ra ngoài. Đập vỡ góc dưới của cửa sổ kính để thoát thân, khi chạm vào các mép sắc, cần dùng vải để lót tay.