Ven sông hay biển thường có những bãi đất tự nhiên nổi lên, cày cấy ngay được, không mất công khai hoang, lại thu hoạch rất cao.
Sau đây là bản liệt kê các nguồn gốc của công điền công thổ, không sắp xếp theo một thứ tự hoặc ưu tiên nào:
a) “Những đất dân cư, chỗ nào là đất hoang và gò đống trong sổ không ghi người nào trước đã nộp thuế thì liệt làm hạng đất dân cư, miễn thuế: nếu có chủ khai nhận, thì cho dân đánh giá, nộp thuế theo hạng công thổ” (1).
b) “Trong sổ trước là thực trưng, nay khám ra còn một hai chỗ hoang vu thì căn cứ vào ruộng thực canh đã đạc thành mẫu sào mà trước bạ, còn thì liệt vào hạng lưu hoang, đều do quan địa phương sức dân khai khẩn cày cấy thành ruộng, cho làm hạng công điền, bắt nạp thuế” (2). Một hai chỗ hoang vu này gần các ruộng đã thực canh và có lẽ dễ khai khẩn, nên phải liệt “làm hạng công điền” chứ không thành tư điền như đối với nơi cửu kinh hoang nhàn tốn nhiều công sức chặt cây vỡ đất.
c) “Ruộng đất thực canh, ở trong sổ khai là cả thôn ấy cùng cày cấy (bổn thôn đồng canh, viết tắt BTĐC) thì cho là công điền công thổ, hoặc có những chủ ruộng trốn đi hoặc chết mà không có con cái, thì giao cho dân sở tại cày cấy, nộp thuế theo hạng công điền công thổ” (3). Riêng điều c này có thể chia làm ba nguồn gốc khác nhau: ruộng cả thôn cùng cày cấy; ruộng của chủ đi trốn; ruộng của chủ đất chết không con cái.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Báo Quân đội nhân dân. |
d) Những đất thừa gần thành quách cũ (như Gia Định có 400 mẫu, Định Tường có 40 mẫu) đều để “cho dân phụ cận lập sổ địa bạ, nộp thuế theo hạng công thổ” hoặc “cho dân sở tại cày cấy, nộp thuế theo hạng công điền” (4).
đ) Ruộng của lính khai hoang thành công điền: “Ở Gia Định có 3 thửa ruộng bỏ hoang, trước cấp cho đội An Lương khai khẩn cày cấy đã thành ruộng, nay đạc được 14 mẫu linh, cho dân nhận lãnh canh, nộp thuế theo hạng công điền” (5).
e) Quan điền đổi thành công điền: “Ở Định Tường trước kia Tôn Thất Chương để lại 2 thửa ruộng thảo điền, từ trước vẫn cho người tá canh, nửa vời, các điền hộ chuyển tay nhau bán đi; nay khám ra là 50 thửa mà dấu tích tá canh hãy còn rõ ràng, thì có 6 thửa đạc được 398 mẫu linh, vẫn giao cho chủ trước. Còn 44 thửa, đạc thành 359 mẫu linh, thì cho nhân dân lãnh nộp thuế, liệt vào hạng công điền” (6). Ta nên lưu ý: quan điền để cho người tá canh, tô thuế cao, còn công điền thì để quân cấp với tô thuế như tư điền.
g) Khuyên nhà giàu hiến cho làng 3/10 ruộng đất tư làm công điền. Đây là chỉ dụ chỉ được áp dụng cho riêng Nam kỳ Lục tỉnh vào năm 1840 (7).
h) Dinh điền, đồn điền chuyển thành công điền: “Phàm các đồn điền… đều giao cho dân sở tại cày cấy nộp thuế và làm công điền” (8). Còn dinh điền thì trở thành công điền một cách lẻ tẻ, không nhất loạt được chuyển đổi đúng vào ngày tháng nào. Tuy vậy, số lượng dinh điền được trao cho dân sở tại làm công điền không phải ít.
i) Ruộng của phạm nhân bị tịch thu giao cho làng làm công điền. Thí dụ: “Nguyên Mai Văn Ngọc điền, cai danh sở can tùng ngụy án tịch ký giao bổn thôn tương vi công điền” (9).
k) Đất tân bồi phù sa thành công điền. Ven sông hay biển thường có những bãi đất tự nhiên nổi lên, cày cấy ngay được, không mất công khai hoang, lại thu hoạch rất cao. Những bãi đất mới này đều thành công điền để quân cấp cho đồng dân, như “Nhứt sở điền thập nhị mẫu, cửu cao. Nguyên tân bồi phù sa châu thổ, Minh Mạng thập cửu niên (1838) bổn thôn đơn trưng vi công điền” (10).
l) Tự ý hiến tư điền thành công điền. Thí dụ: “Nhứt sở điền tứ mẫu. Nguyên Nguyễn Văn Chí điền, Minh Mạng nhị niên (1821) cai danh đơn bẩm nhượng vi công điền” (11).
m) Đất dân cư làm phố chợ chung phải là công thổ. Thí dụ: “Công thổ ngũ mẫu tứ cao. Nguyên Lâm Văn Ngữ thổ, Minh Mạng thập thất niên (1836) đạc điền triết tương vi dân cư thị thổ, Minh Mạng thập bát niên bổn thôn tuân nghị chiếu giá cấp tiền hứa nguyên chủ, đơn bẩm vi công” (12). Trường hợp này có lẽ để áp dụng nguyên tắc ghi ở điểm a trên đây.
Những đồn điền lập từ năm 1853 do Nguyễn Tri Phương đôn đốc sau khi đã thành ruộng thuần thục và dân sự hóa hoàn toàn, không hiểu tỷ lệ và cách thức trở thành công điền công thổ thế nào vì chưa có quy định rõ ràng.
Chúng tôi phỏng đoán việc này đã tiến hành tùy từng địa phương và có lẽ một phần rất lớn đã bị chấp chiếm trong lúc giặc Pháp làm xáo trộn xã hội ta về mọi mặt. (Ngoài ra, chúng tôi không còn thấy trường hợp thành công điền công thổ nào khác để mở rộng thêm bản lược kê nguồn gốc công điền công thổ trên đây cho thật đầy đủ. Hy vọng các nhà nghiên cứu phát hiện thêm sẽ đóng góp cho.)
—————
(1). Điều 3 trong 14 điều khoản kết toán của kinh lý năm 1836.
(2). Điều 4 trong 14 điều khoản kết toán của kinh lý năm 1836.
(3). Điều 6 trong 14 điều khoản kết toán của kinh lý năm 1836.
(4). Điều 7 và 8 trong 14 điều khoản kết toán của kinh lý năm 1836.
(5). Điều 9 trong 14 điều khoản kết toán của kinh lý năm 1836.
(6). Điều 11 trong 14 điều khoản kết toán của kinh lý năm 1836.
(7). Minh Mạng chánh yếu, sđd, tr.94.
(8). QT, sđd, tr.245.
(9). Trích trong Đại tu điền bộ, Cours d’administration annamite, sđd.
(10). Trích trong Đại tu điền bộ, Cours d’administration annamite, sđd.
(11). Trong tư liệu như trên – Trước năm 1836. Như vậy là bổn thôn điền (hay đã thành công điền, tuy còn là hình thức lẻ tẻ?).
(12). Trong tư liệu như trên.