Những câu hỏi này thể hiện rằng người có EQ biết cách tập trung vào câu chuyện hay vấn đề của người khác, không lấn át cuộc trò chuyện bằng các ý kiến cá nhân.
Trong hàng nghìn hay hàng triệu người, điều gì làm cho ai đó trở nên nổi bật và được yêu mến hơn? Đó có thể là trí thông minh, sự hiểu biết và tầm nhìn của họ. Nhưng điều làm nên sự khác biệt rõ ràng nhất của các nhà lãnh đạo thành công nhất trên thế giới là trí tuệ cảm xúc (EI) – khả năng xác định và giám sát cảm xúc của chính bản thân và người khác.
Phần lớn, người có chỉ số cảm xúc (EQ) cao được coi là những người lôi cuốn và dễ gần. Họ có tỷ lệ thành công cao trong công việc và xây dựng các mối quan hệ thân thiết, được nhiều người tin tưởng.
Đặc biệt, nhà báo Bill Murphy Jr. cho rằng những người này còn có thể trở nên cuốn hút hơn khi biết cách sử dụng 3 câu hỏi này vào đúng tình huống. Họ biết nắm bắt cơ hội để giúp mọi người suy nghĩ thấu đáo các vấn đề và đưa ra lời khuyên thực sự hữu ích.
“Bạn nghĩ bạn nên làm gì?”
Nhờ xây dựng được các mối quan hệ bền chặt và đạt sự tín nhiệm, người EQ có thể trở thành điểm tựa tâm lý cho người nào đó khi họ gặp rắc rối.
Theo Bill Murphy Jr., người có EQ cao thường đặt câu hỏi này khi họ được người khác hỏi xin lời khuyên về các vấn đề trong cuộc sống. Câu hỏi này giúp người xin lời khuyên tập trung vào vấn đề cá nhân của họ. Đồng thời câu “Bạn nghĩ bạn nên làm gì?” giúp đặt người hỏi vào vào vị trí người “thuyết trình” (trình bày và phân tích vấn đề) thay vì giải quyết “hộ” khúc mắc của người khác.
Chỉ với một câu, người có EQ cao giúp người xin lời khuyên tìm ra công việc họ có thể thử sức. Từ đó, người xin lời khuyên sẽ ghi nhớ cảm giác giao tiếp với người có EQ cao, thậm chí là khắc sâu cuộc đối thoại hơn là kết quả cuối cùng.
Ảnh minh họa: GT Scholars.
“Còn dữ kiện nào khác giúp bạn đưa ra quyết định không?”
Nhiều người thường đưa ra quyết định dựa trên cảm xúc. Chẳng hạn, “Tại sao bạn học cao học?” – “Chủ yếu là vì tôi muốn cha mẹ tự hào về mình”, “Tại sao bạn vẫn sản xuất sản phẩm với tỷ suất lợi nhuận hạn chế?” – “Vì chúng tôi đã đầu tư rất nhiều vào việc phát triển, nếu chúng tôi bỏ cuộc đó sẽ là sự thất bại”.
Câu hỏi “Còn dữ kiện nào khác giúp bạn đưa ra quyết định không?” khuyến khích mọi người phân định rõ ràng thông tin ra khỏi cảm xúc, tập trung vào trọng tâm vấn đề và có nhiều khả năng dẫn họ đến quyết định sáng suốt. Sau đó, họ có thể sẽ nhớ những câu hỏi của người có EQ cao hữu ích như thế nào trong việc đạt được kết quả đó.
Ảnh minh họa: Entrepreneur.
“Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu quyết định làm điều X?”
Nhà báo Bill Murphy Jr. cho rằng câu hỏi này thể hiện rõ ràng tình trạng chung của con người: Những sinh vật thông minh, giàu cảm xúc, bị chi phối bởi nhiều yếu tố và có những nhu cầu phức tạp.
“Bạn sẽ cảm thấy thế nào?” là cách hỏi nhẹ nhàng giúp người được hỏi vạch ra con đường để đạt được cảm xúc tích cực. Người có trí tuệ cảm xúc cao cũng hiểu rằng điểm cộng của câu hỏi này là truyền đạt sự quan tâm của người hỏi về cảm xúc của người trả lời.
Ví dụ, “Bạn sẽ thấy sao nếu ngừng sản xuất sản phẩm với tỷ suất lợi nhuận hạn chế?” – “Tôi sẽ hơi lo lắng, nhưng cũng sẽ cảm thấy thoải mái và tràn đầy sinh lực để thử cái gì đó mới”. “Bạn sẽ cảm thấy thế nào thế học cao học?” – “Tôi sẽ có nhiều cảm xúc lẫn lộn. Bởi vì tôi sẽ tự hào, nhưng chưa biết sẽ làm gì tiếp theo đó”.
Ảnh minh họa: Business Insider.
Thói quen giúp cải thiện trí tuệ cảm xúc
Bill Murphy Jr. chia sẻ rằng một trong những lĩnh vực độc giả quan tâm là trí tuệ cảm xúc. Cách đơn giản nhất để phát triển EI là học cách tận dụng cảm xúc cá nhân và chọn những từ ngữ cụ thể để đạt mục tiêu cuối cùng. Đó là những từ ngữ bạn sử dụng để giao tiếp với người khác cũng như những điều bạn nói với chính mình.
Tất cả điều này sẽ có ý nghĩa hơn khi chúng ta chia nhỏ thành 6 thói quen đơn giản. Khi biết cách thực hành từng điều này, bạn sẽ thấy bản năng của mình phát triển nhanh chóng, mang lại lợi ích cho trí tuệ cảm xúc.
1. Học cách đặt câu hỏi tại sao (lặp đi lặp lại). Chúng ta có thể trả lời tại sao cho hầu hết mọi thứ một cách hời hợt, nhưng điều đó là không đủ. Thủ thuật mà những người thông minh về mặt cảm xúc học được là hỏi đi hỏi lại câu “Tại sao” và ngày càng trả lời sâu hơn.
2. Học cách điều chỉnh tốc độ của bản thân. Bạn nên học cách đợi một phút (hoặc một giờ hay một ngày) trước khi làm điều gì đó. Khoảng thời gian chờ đợi rèn cho bạn sức mạnh của sự kiềm chế, tìm ra tiềm năng trong sự im lặng. Khi hành động nhường chỗ cho suy nghĩ có chiến lược, những phản ứng cảm xúc mang tính tiêu cực sẽ ít hơn.
3. Học cách buông bỏ khi cần. Việc kết thúc một mối quan hệ độc hại hay ý tưởng kinh doanh xa vời thực tế không hoàn toàn là dấu hiệu của sự thất bại. Thay vào đó, đây có thể là khởi đầu và cánh cửa dẫn đến những cơ hội mới.
4. Học cách diễn tập những gì bạn sẽ nói. Người thông minh về cảm xúc nỗ lực phát triển thói quen ngôn ngữ có chủ ý. Họ hiểu rằng những từ ngữ họ nói ra có khả năng truyền cảm xúc.
5. Học cách tìm kiếm những sự thật phũ phàng. Điều này có nghĩa là bạn đang hỏi đi hỏi lại (giống câu hỏi “Tại sao”) cho đến khi tìm thấy sự thật, thậm chí có thể khốc liệt.
6. Học cách kết thúc bằng lòng biết ơn. Người có EQ cao cố gắng tìm kiếm điều họ có thể bày tỏ sự biết ơn vào cuối mỗi cuộc trò chuyện. Lòng biết ơn giúp mọi người có những cảm xúc tích cực hơn, tận hưởng những trải nghiệm tốt đẹp, cải thiện sức khỏe, đối phó với nghịch cảnh và xây dựng các mối quan hệ bền chặt.