Nghề phi công là ngành nghề không mới, nhưng luôn có mức lương cao. Suốt thời gian qua, nghề phi công vẫn luôn giữ được sức hút và nhận được sự quan tâm của rất nhiều người.
Muốn làm phi công cần có điều kiện gì?
Phi công được chia làm 2 loại là phi công dân sự) và Phi công quân sự. Phi công dân sự là đối tượng mà người lái máy bay làm công cho các hãng vận tải và các hãng hàng không. Ở Việt Nam ta, phi công của các hãng hàng không chủ chốt như Vietnam Airlines, Vietjet…
Phi công quân sự là đối tượng phi công phục vụ trong lực lượng quốc phòng tại quốc gia đó. Nhiệm vụ của phi công quân sự có thể là cả chiến đấu hoặc hỗ trợ, vận chuyển nên phi công quân sự sẽ được đào tạo đặc biệt dưới sự chỉ huy của Bộ Quốc phòng.
Muốn trở thành phi công, trước hết bạn phải vượt qua kỳ thi tuyển đầu vào với hàng loạt bài kiểm tra về sức khoẻ, kiến thức và ngoại ngữ. Sau đó bạn phải tham gia nhiều buổi học với hàng trăm giờ bay thử trước khi lấy được bằng lái máy bay. Phi công không chỉ đòi hỏi phải có sức khỏe tốt, thị lực tốt mà còn phải có khả năng phối hợp và giao tiếp tốt, lên kế hoạch, kỹ năng định hướng, dẫn đường, khả năng tập trung cao độ trong một thời gian dài. Ngoài ra, phi công cũng đòi hỏi có tinh thần trách nhiệm cao.
Tại Viện Y học Phòng không-Không quân, Quân chủng Phòng không-Không quân, tiêu chuẩn tuyển sinh vào đào tạo sĩ quan lái máy bay quân sự năm học 2024-2025 với yêu cầu như sau: Nam thanh niên từ 17 đến 21 tuổi (tính đến năm 2024); Nam quân nhân tại ngũ hoặc xuất ngũ và công dân hoàn thành nghĩa vụ Công an nhân dân từ 18 đến 23 tuổi (tính đến năm 2024); Chiều cao 1,65m, cân nặng 52kg trở lên, có sức khỏe tốt; Tại thời điểm đang là học sinh lớp 12, hoặc đã tốt nghiệp THPT Lý lịch chính trị rõ ràng, là Đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh; Tự nguyện học tập trở thành sĩ quan lái máy bay của Quân chủng Phòng không-Không quân.
Với phi công dân sự, học viên sẽ theo học nghề phi công ở một số trường thuộc các hãng bay đào tạo. Khi được tuyển vào trường này, người học sẽ được Huấn luyện cơ bản, huấn luyện lý thuyết nâng cao, huấn luyện kỹ năng bay sử dụng thiết bị, huấn luyện kỹ năng bay nâng cao, sử dụng thiết bị.
Theo Dân Việt , Trường đào tạo phi công Bay Việt cho biết, học viên phải trải qua phần Thi tuyển đầu vào, Huấn luyện lý thuyết ATP, Huấn luyện bay, Huấn luyện MCC/JET FAM. Ngoài ra còn có Huấn luyện quân sự (Yêu cầu riêng của Vietnam Airlines) và Huấn luyện sau cơ bản (tại Hãng), trong đó bao gồm Huấn luyện chuyển loại và Huấn luyện Base & Line.
Sau chương trình phi công cơ bản, học viên sẽ phải tham gia huấn luyện chuyển loại để thành lái phụ rồi phải cần thêm hàng nghìn giờ bay và nhiều năm tích lũy kinh nghiệm mới có thể trở thành lái chính. Đến khi đã trở thành phi công chính thức, để giữ được bằng lái, mỗi năm các phi công phải trải qua từ 1 đến 2 đợt khám sức khỏe và 6 kỳ thi chuyên môn.
Còn tại Học viện Hàng không Vietjet (VJAA), học viên sẽ trải qua 1 khóa học lý thuyết và 3 giai đoạn của chương trình thực hành bay trong khoảng thời gian 20 tháng huấn luyện. Người tham gia phải trong độ tuổi từ 18 – 35; tốt nghiệp THPT trở lên có trình độ tiếng Anh tương đương IELTS 5.0 trở lên. Chiều cao, cân nặng với nam là từ 1m65/54kg, nữ là từ 1m60/48kg trở lên. Tiêu chuẩn sức khỏe phải đạt tiêu chuẩn sức khỏe loại 1 đối với phi công dân dụng của Cục Hàng không Việt Nam.
Không chỉ ở trong nước, bạn trẻ yêu thích nghề phi công có thể tìm cơ hội du học ở các nước như Mỹ, Australia, New Zealand, Tây Ban Nha… Từ năm 2015, New Zealand là một trong những điểm đến được ưa chuộng nhiều nhất về đào tạo phi công với 4 trường đào tạo phi công được kiểm định và chấp thuận bởi Cục Hàng không Việt Nam (Civil Aviation Authority of Vietnam – CAAV) và các hãng hàng không Việt Nam. Cuối tháng 11 vừa qua, chuỗi sự kiện nhằm tái kết nối các cơ sở đào tạo phi công hàng đầu của New Zealand với các đơn vị liên quan tại Hà Nội và TP.HCM đã mang đến cơ hội tìm hiểu về chương trình đào tạo phi công tại New Zealand cho học viên Việt Nam.
Chi phí đào tạo phi công
Đến thời điểm hiện tại, Công ty Cổ phần Đào tạo Bay Việt (công ty con của Vietnam Airlines) là đơn vị duy nhất tại Việt Nam được Cục Hàng không phê chuẩn và tổ chức huấn luyện phi công cơ bản với một số giai đoạn đào tạo trong nước. Số học viên do Bay Việt đào tạo khoảng 100 người mỗi năm.
Chi phí đào tạo một học viên phi công cơ bản tại trường Bay Việt rơi vào khoảng 1,8 tỷ đồng, với thời gian đào tạo dao động 18 – 20 tháng. Riêng giai đoạn huấn luyện bay ở nước ngoài chiếm nhiều chi phí nhất khoảng 57.000USD – 65.000USD (tương đương 1,3 – 1,6 tỷ đồng). Học phí của giai đoạn huấn luyện lý thuyết là 134 triệu đồng còn huấn luyện phối hợp tổ bay từ 99 triệu đồng.
Theo website collegeboarg.org, chi phí trung bình đào tạo phi công khi chọn du học ở các trường đại học tư thục Mỹ là gần 50.000USD/năm. Với con số này, tổng chi phí cho việc theo học đại học tại Mỹ khoảng gần 200.000USD (4,6 tỷ đồng) cho 4 năm, tương đương với chi phí nếu theo học phi công.
Tuy nhiên, đây chỉ mới là con số lý tưởng trong trường hợp quá trình học của học viên suôn sẻ, không phải đóng thêm học phí cho những phân môn phải học lại. Nếu có môn nào phải học, chi phí sẽ cao hơn rất nhiều. Do đó, để học phi công ngoài đáp ứng được điều kiện về sức khỏe, kiến thức chuyên môn, người học còn đảm bảo có mức thu nhập tốt, thông tin trên VTC News.