Chỉ số Big Mac: Tiền đồng đang bị định giá thấp gần 50%

Ở thời điểm hiện tại một chiếc Big Mac ở Việt Nam có giá 66.000 đồng trong khi giá ở Mỹ là 5,67 USD, tỷ giá đáng ra nên ở mức 11.640,21 đồng đổi 1 USD.

Big Mac Index là chỉ số được tạp chí kinh tế nổi tiếng The Economist lần đầu giới thiệu vào năm 1986, sử dụng như 1 chỉ dẫn để đánh giá các đồng tiền có đang ở mức giá hợp lý hay không. Được xây dựng dựa trên lý thuyết ngang giá sức mua – tức về dài hạn thì tỷ giá nên hướng về điểm mà giá cả của 1 giỏ hàng hóa và dịch vụ cụ thể (mà trong trường hợp này là những chiếc bánh kẹp Big Mac có cùng khối lượng và chất lượng được bán ở toàn bộ các cửa hàng trong hệ thống của McDonald’s) sẽ bằng nhau ở bất kỳ hai quốc gia nào.

Kinh tế học bánh kẹp – burgernomic – vốn dĩ chỉ có mục đích là 1 công cụ để giúp cho lý thuyết về tỷ giá trở nên dễ hiểu hơn. Tuy nhiên, cho đến nay chỉ số Big Mac đã trở thành tiêu chuẩn tầm cỡ toàn cầu, thậm chí được đưa vào một số cuốn giáo trình kinh tế và là chủ đề của hàng chục nghiên cứu hàn lâm.

Theo chỉ số này, ở thời điểm hiện tại một chiếc Big Mac ở Việt Nam có giá 66.000 đồng trong khi giá ở Mỹ là 5,67 USD, tỷ giá đáng ra nên ở mức 11.640,21 đồng đổi 1 USD. Tuy nhiên tỷ giá thực tế lại là 23.176 đồng đổi 1 USD, vì thế chỉ số Big Mac cho thấy VND đang bị định giá thấp 49,8%.

Cũng theo thước đo này, bảng Anh đang bị định giá thấp 22%, nhân dân tệ bị định giá thấp 45% và euro bị định giá thấp 19%. Các đồng tiền đang ở mức định giá cao so với giá trị thực là franc Thụy Sĩ (18,4%) và krone Na Uy (5,3%).

Trong mấy tháng gần đây, hầu hết các đồng tiền đã tăng giá so với USD nhờ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung lắng xuống và triển vọng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu được cải thiện. Tuy nhiên, đồng bạc xanh vẫn rất mạnh và có thể sẽ chưa giảm giá trong năm 2020.

Ở chiều ngược lại, một số đồng tiền đã giảm giá mạnh. Ở Chile, nơi đồng peso bị định giá thấp gần 40%, nguyên nhân là do các cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra từ tháng 10 năm ngoái. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí bị định giá thấp tới 61% do căng thẳng địa chính trị. Trong mấy tuàn gần đây, căng thẳng giữa Iran và Mỹ cũng gây ra một số xáo trộn trên thị trường tiền tệ, thúc đẩy nhà đầu tư tìm đến những đồng tiền vẫn được coi là hầm trú ẩn an toàn như yên Nhật và franc Thụy Sĩ.

Chỉ số Big Mac bị một số người chỉ trích rằng trung bình giá của những chiếc bánh kẹp ở các nước nghèo nên rẻ hơn ở các nước giàu bởi vì chi phí nhân công ở nước nghèo rẻ hơn. Phương pháp ngang giá sức mua báo hiệu tỷ giá nên đi theo hướng nào trong dài hạn, vì 1 nước đang phát triển (như Trung Quốc) sẽ ngày càng giàu hơn, nhưng không thể hiện gì nhiều về điểm cân bằng ở thời điểm hiện tại. Mối quan hệ giữa giá cả và mức GDP bình quân đầu người có thể là chỉ báo tốt hơn cho giá trị hợp lý của 1 đồng tiền ở thời điểm hiện tại. Do đó Economist đã tính toán cả chỉ số Big Mac điều chỉnh theo GDP, dựa trên chênh lệch giữa giá thực tế và giá tính toán theo GDP bình quân đầu người.

Sau khi điều chỉnh theo GDP, mức độ chênh lệch đã giảm đi đáng kể. Bảng Anh đang bị định giá thấp 8%, nhân dân tệ cũng bị định giá thấp 8% và euro bị định giá thấp 2%.

Tham khảo The Economist

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin