Các nhà kinh tế thường dùng hai chỉ tiêu để đánh giá lạm phát của nền kinh tế: chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giảm phát tổng sản phẩm trong nước.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, phản ánh xu hướng và mức độ biến động giá theo thời gian của các mặt hàng trong “rổ” hàng hóa và dịch vụ đại diện.
Rổ hàng hóa, dịch vụ đại diện để tính chỉ số giá tiêu dùng là danh mục gồm các loại hàng hóa và dịch vụ phổ biến, đại diện cho tiêu dùng của dân cư. Danh mục hiện nay để tính CPI ở nước ta có 494 loại mặt hàng.
Vấn đề không phải là có bao nhiêu hàng trong rổ mà là phương pháp thống kê sử dụng có đúng đắn và khách quan để hàng hóa được chọn vào rổ phản ánh 100% tiêu dùng của người dân hay không.
Vài nét về chỉ số giá tiêu dùng
Qua các lần rà soát “rổ” hàng tính CPI, số lượng mặt hàng đại diện đã tăng từ 296 (năm gốc 1995) lên 494 (năm gốc 2005). Quyền số để tính chỉ số giá tiêu dùng cũng được rà soát và cập nhật theo số liệu các năm 2000 và 2005.
Ðáng chú ý, tỷ trọng chi cho tiêu dùng lương thực, thực phẩm và dịch vụ ăn uống đã giảm dần từ 60,86% năm 1995 xuống 42,85% năm 2005 (tỷ trọng này của các nước khác như Thái-lan năm 2002 là 36,06%; Singapore năm 2004 là 23%).
Từ năm 1998 đến nay, CPI hằng tháng được tính với các gốc so sánh như sau: Năm gốc cố định (hiện nay là năm 2005); Cùng tháng năm trước; tháng 12 năm trước; tháng trước.
Chỉ số giá tiêu dùng và lạm phát
CPI không phải là chỉ số áp dụng cho GDP. Nhưng vì tiêu dùng cuối cùng ở nhiều nước lên tới 50-90% GDP, nên CPI và chỉ số giảm phát cho GDP thường không khác nhau nhiều, kể cả ở những nước mà tỷ lệ tiêu dùng chỉ khoảng 50-60% GDP.
Lạm phát cơ bản chính là lạm phát thể hiện việc thay đổi mức giá mang tính chất lâu dài, loại bỏ những biến động giá mang tính chất tạm thời trong chỉ số giá tiêu dùng.
Lạm phát cơ bản là một chỉ báo quan trọng đối với xu hướng lạm phát hiện hành và trong tương lai. Chỉ số này giúp cho các nhà hoạch định chính sách có thể nhận biết được sự biến động giá tiêu dùng chỉ xảy ra trong thời gian ngắn hay đó là xu thế lâu dài. Vì vậy, lạm phát cơ bản là thông tin đầu vào quan trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương.
Nguồn số liệu để tính chỉ tiêu lạm phát cơ bản chính là số liệu CPI được tính hằng tháng. Như vậy, muốn tính chỉ tiêu lạm phát cơ bản (hoặc CPI trừ giá năng lượng và thực phẩm), điều trước tiên cơ quan thống kê các nước phải tính CPI có đầy đủ các nhóm hàng liên quan đến đời sống dân cư, sau đó mới tiến hành tính toán loại trừ các ảnh hưởng gây ra các “cú sốc” ngẫu nhiên để tính chỉ tiêu lạm phát cơ bản (LPCB).
Nhân dân