Chính sách tiền tệ củng cố niềm tin thị trường

Lãnh đạo NHNN cho biết, từ nay đến cuối năm 2018, NHNN vẫn tiếp tục điều hành theo chỉ tiêu định hướng đề ra từ đầu năm và phối hợp đồng bộ các công cụ giải pháp với liều lượng cũng như thời điểm hợp lý.

Góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô

Theo thông tin mới nhất về hoạt động ngân hàng trong 6 tháng đầu năm được Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng chia sẻ tại phiên họp Chính phủ với địa phương vào đầu tuần này, đến ngày 26/6, tín dụng tăng gần 6,9% so với cuối năm 2017. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, công nghiệp chế biến chế tạo, DNNVV.

Đặc biệt, mặt bằng lãi suất tiếp tục được duy trì ổn định trong bối cảnh sức ép lạm phát lớn hơn nhiều so với năm trước, thậm chí mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm 0,5%, qua đó hỗ trợ cho cộng đồng DN, cho người dân tiếp cận tín dụng với chi phí thấp.

Có được kết quả tích cực trên một phần cũng bởi ngay từ đầu năm NHNN đã chỉ đạo hệ thống các TCTD tập trung tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên, sản xuất, kinh doanh. Song song với đó, NHNN liên tục gửi văn bản nhắc nhở các TCTD không được cho vay nhiều vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

“Có lẽ chưa có năm nào NHNN đưa ra nhiều văn bản cảnh báo nhắc nhở tới các TCTD thực hiện nghiêm túc trong tăng trưởng tín dụng (TTTD) như trong năm nay. Điều đó cho thấy quyết tâm của ngành Ngân hàng đảm bảo dòng vốn đi vào nơi sản xuất”, một CEO ngân hàng thừa nhận.

Lãnh đạo NHNN cũng khẳng định, quan điểm của NHNN là chất lượng tín dụng đặt lên hàng đầu, đảm bảo vốn sử dụng hiệu quả, dòng vốn được tập trung chủ yếu vào sản xuất kinh doanh. Cũng chính bởi vậy nên dù TTTD thấp hơn một chút so với cùng kỳ năm ngoái, song vẫn hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng tới 7,08%, cao nhất so với cùng kỳ của 8 năm qua.

Không chỉ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, NHNN điều hành CSTT chủ động linh hoạt, thận trọng phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Đến cuối tháng 6 lạm phát cơ bản so với cùng kỳ năm 2017 tăng khoảng 1,37%, lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2018 tăng 1,35%.

Diễn biến lạm phát cơ bản duy trì trong biên độ từ 1,3%-1,5% được đánh giá rất tích cực góp phần quan trọng để đạt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%.

“Lạm phát cơ bản hay còn gọi là lạm phát lõi ở mức thấp sẽ tạo thêm dư địa cho các chính sách khác như chính sách giá, tài khóa… Giả sử như lạm phát cơ bản ở mức 1,35% thì dư địa cho các điều chỉnh giá khác vẫn còn tới 2,65% mới chạm tới mốc mục tiêu 4%. Như vậy, các chính sách khác nhờ đó có thêm đất để diễn chứ không phải rơi vào tình thế khó như vài năm trước đây. Điều đó cho thấy điều hành CSTT đang rất chặt tay. Với cách thức điều hành trên, CSTT hỗ trợ tích cực ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4% theo mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ”, một chuyên gia phân tích ý nghĩa của chỉ số này.

Sự ổn định của lạm phát, lãi suất là yếu tố hỗ trợ tích cực giúp thị trường ngoại hối, tỷ giá không biến động nhiều; 6 tháng đầu năm tỷ giá tăng xấp xỉ 1%, trong khi ở nhiều nước đồng nội tệ mất giá đáng kể so với USD. Đơn cử, ở Brazil đồng nội tệ này mất giá trên 3% so với đồng USD kể từ đầu năm buộc NHTW nước này phải bán các hợp đồng hoán đổi tiền tệ để giúp ổn định thị trường.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, trong bối cảnh đó, 6 tháng đầu năm NHNN đã mua thêm khoảng trên 11 tỷ USD, tăng dự trữ ngoại hối lên khoảng trên 63,5 tỷ USD. Qua đó, khẳng định các giải pháp điều hành của Chính phủ và của NHNN đã góp phần củng cố lòng tin vào đồng Việt Nam giúp thị trường ngoại tệ và tỷ giá giữ vững sự ổn định. Mặc dù trong những ngày gần đây tỷ giá có bước tăng mạnh hơn, nhưng Thống đốc NHNN cũng khẳng định, diễn biến trên nằm trong kế hoạch kịch bản NHNN đã lên từ đầu năm và chủ yếu do tác động yếu tố khách quan từ việc tăng giá đồng USD trên thị trường quốc tế, diễn biến xuất nhập khẩu 2 tháng trở lại đây Việt Nam nhập siêu trở lại.

“Những biến động tỷ giá như vừa rồi là cần thiết, bởi đó là xu hướng toàn cầu Việt Nam không thể đi ngược xu thế đó. Quan trọng là mọi diễn biến đang nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ và NHNN”, một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhìn nhận.

Tiếp tục chặt tay trong điều hành

Dù hoạt động ngân hàng đạt được kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm, nhưng với những thay đổi chính sách tài chính, thương mại… cùng sự biến động của giá cả hàng hóa thế giới, nhất là giá dầu trong thời gian qua khiến NHNN càng phải thận trọng trong điều hành chính sách. Bà Victoria Kwawa – Giám đốc WB khu vực châu Á – Thái Bình Dương (nguyên Giám đốc WB tại Việt Nam) trong lần trở lại Việt Nam gần đây đã khuyến nghị Việt Nam nên tiếp tục kiên trì điều hành CSTT duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Trước diễn biến thuận lợi đan xen khó khăn thách thức đối với điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng, để đạt mục tiêu đặt ra, lãnh đạo NHNN cho biết, từ nay đến cuối năm 2018, NHNN vẫn tiếp tục điều hành theo chỉ tiêu định hướng đề ra từ đầu năm và phối hợp đồng bộ các công cụ giải pháp với liều lượng cũng như thời điểm hợp lý. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát, theo quan điểm của Thống đốc Lê Minh Hưng ngoài nỗ lực của ngành Ngân hàng, đòi hỏi các bộ ngành liên quan như Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư… phải phối hợp chặt chẽ trong điều tiết các công cụ chính sách chung về vĩ mô. Về phần điều hành CSTT, NHNN sẽ có các giải pháp chủ động để kiểm soát tình hình.

Về định hướng TTTD, TS. Nguyễn Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, tuy định hướng trong năm 2018 ở mức 16-17% nhưng, quan điểm của NHNN không nhất thiết phải tăng hết room. Đầu tư tín dụng sẽ ở mức phù hợp với diễn biến nền kinh tế. Hiện tại, có những tín hiệu cho thấy có thể không cần thiết phải đẩy vốn quá nhiều ra nền kinh tế. 6 tháng đầu năm tín dụng tăng thấp hơn so với năm ngoái nhưng tăng trưởng GDP vẫn cao hơn, cho thấy hiệu quả sử dụng vốn đã được nâng lên nhiều. Do đó, trong thời gian còn lại, điều mà NHNN quan tâm nhất đó là chất lượng, hiệu quả tín dụng chứ không phải chạy theo con số.

“Hiện tại NHNN đang kiểm soát tín dụng TTTD ở mức 14-15%. Đến cuối năm nhu cầu tín dụng có thể cao hơn nhưng tối đa sẽ chỉ là 17%”, ông Hùng lưu ý thêm và nhấn mạnh, trong thời gian tới NHNN tiếp tục kiểm soát chặt chẽ đối với hoạt động tín dụng của các ngân hàng.

Tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với địa phương, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định: NHNN luôn chủ động các phương án để điều hành tỷ giá và sẵn sàng can thiệp thị trường ngoại tệ khi cung – cầu thị trường có vấn đề, đảm bảo trên thị trường ngoại tệ được thông suốt.

Trong điều kiện hiện nay NHNN hoàn toàn có các công cụ và phương án cần thiết để can thiệp thị trường ngoại tệ, đảm bảo kiểm soát ổn định kinh tế vĩ mô. NHNN điều hành làm sao phù hợp và tạo dư địa điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý và góp phần đạt được mục tiêu lạm phát bình quân ở mức 4%. Mặc dù lạm phát được kỳ vọng trong tầm kiểm soát nhưng chúng ta không được chủ quan với tình hình diễn biến giá dầu…

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin