Trong bối cảnh thị trường ngoại hối đang biến động, doanh nghiệp cần xem xét các giải pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá như: các giao dịch kỳ hạn, hoán đổi.
TS. Bùi Quang Tín phân tích, khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc leo thang thì đi kèm với chính sách thương mại của Mỹ, quốc gia này đã chính thức phá giá đồng nhân dân tệ (NDT).
Ông Tín dự đoán, sắp tới Trung Quốc sẽ tiếp tục áp dụng các chính sách về tiền tệ, tức họ sẽ tiếp tục phá giá đồng NDT, có thể ở mức trên 10%.
Từ những diễn biến đó, các chuyên gia kinh tế nhận định, xu hướng chiến tranh thương mại giữa Mỹ – Trung Quốc ngày càng leo thang có thể dẫn tới biến động mạnh trên thị trường ngoại hối quốc tế, tác động nhất định tới tỷ giá của Việt Nam. Trong bối cảnh thị trường ngoại hối biến động như vậy, các doanh nghiệp cần chú trọng tới các giải pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá như các giao dịch kỳ hạn, hoán đổi…Tuy nhiên, thực tế có nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến công cụ phòng ngừa rủi ro này.
Trong bối cảnh thị trường ngoại hối đang biến động, doanh nghiệp cần xem xét các giải pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá. (Ảnh minh họa: KT)
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, khi doanh nghiệp mua hợp đồng kỳ hạn, họ phải mua USD với giá cao hơn nhiều so với giá hiện tại. Chênh lệch giá USD giữa hiện tại và tương lai dựa trên chênh lệch về lãi suất giữa VND và USD. Hiện tại, lãi suất huy động USD bằng 0%, lãi suất của VND có thể đạt mức 7-8%/năm ở các kỳ hạn dài.
Do vậy, giá USD mua theo kỳ hạn trong tương lai sẽ khá cao. Nhiều doanh nghiệp tin tưởng rằng, chính sách điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ duy trì sự ổn định, không để tỷ giá tăng mạnh, nhất là khi thanh khoản ngoại tệ đang tốt lên nên nhiều doanh nghiệp không muốn mua hợp đồng kỳ hạn phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Sự chủ quan này lại rất rủi ro cho các doanh nghiệp vì tỷ giá có thể biến động rất mạnh.
Ông Hiếu khuyến cáo, đối với các doanh nghiệp nên mua hợp đồng kỳ hạn, chấp nhận chi phí cao nhưng lại được đảm bảo chắc chắn có một lượng tiền USD sẵn sàng bán cho doanh nghiệp khi cần phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Các sản phẩm phái sinh phòng ngừa rủi ro tỷ giá cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam tương đối đầy đủ. Hiện tại có một số sản phẩm phổ biến mà các ngân hàng đang cung cấp cho doanh nghiệp là giao dịch kỳ hạn (forward), hoán đổi (swap), giao ngay (spot)… Những sản phẩm này doanh nghiệp xuất nhập khẩu đều có thể sử dụng được nếu có nhu cầu phòng ngừa rủi ro tỷ giá.
“Thời gian tới, diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung rất khó đoán định. NHNN nên linh động hơn trong điều hành ổn định tỷ giá và cân nhắc cẩn trọng tính toán mức tỷ giá hợp lý để hài hoà các mục tiêu, đặc biệt là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát”, ông Nguyễn Trí Hiếu cho hay.
Mới đây, Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs có báo cáo cập nhật về triển vọng của đồng NDT. Theo đó, ngân hàng này dự báo đồng nội tệ của Trung Quốc sẽ suy yếu xuống mốc 7 NDT đổi 1 USD trong ba tháng tới – mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua. Lần cuối cùng đồng NDT chạm mốc này là trong khủng hoảng tài chính năm 2009.
Dự báo này của Goldman Sachs bắt nguồn từ nguyên nhân đồng NDT có thể giảm giá để bù đắp cho sự mất cân bằng do cuộc chiến thương mại với Mỹ. Goldman dự báo tỷ giá CNY/USD lần lượt ở mức 7,05, 6,95 và 6,80 trong 3, 6 và 12 tháng tới, so với dự báo được đưa ra trước đó là 6,95, 6,65 và 6,65./.