Theo Chủ tịch Saigon Ratings, các chính sách hiện nay của nhà nước đã dần lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu. Thị trường đã thấy được rằng nhà nước hết sức chú trọng bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, song niềm tin này còn phụ thuộc rất lớn vào tổ chức phát hành.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh nhưng không bền vững
Tại hội thảo “Sáng kiến phát triển thị trường vốn châu Á” của Hiệp hội ACRAA tổ chức hôm 06/12, ông Phùng Xuân Minh – Chủ tịch HĐQT Saigon Ratings cho biết, Chính phủ Việt Nam đã xác định thị trường trái phiếu là kênh huy động vốn quan trọng trung và dài hạn cho nền kinh tế và hệ thống doanh nghiệp Việt Nam. Phấn đấu quy mô thị trường đến năm 2025 đạt 20% GDP và đến năm 2030 đạt 30% GDP quốc gia.
Tính đến cuối năm 2023, trái phiếu Chính phủ chiếm 57% tổng quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam, tăng 18.3% so với năm 2022, đứng thứ hai là trái phiếu doanh nghiệp chiếm 38%. Từ năm 2015 đến nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu phát triển mạnh, bao gồm phát hành trái phiếu riêng lẻ và trái phiếu ra công chúng.
Trái phiếu doanh nghiệp phát triển, khung pháp lý cải thiện và nhà nước tăng cường quản lý, đã tạo điều kiện cho việc phát hành trái phiếu với kỳ hạn dài hơn. Điều này cũng phản ánh sự tăng trưởng của doanh nghiệp, khi họ có nhu cầu huy động vốn dài hạn để đầu tư dự án lớn và mở rộng kinh doanh. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng này đã mang lại nhiều thách thức và rủi ro, đặc biệt là về rủi ro tín dụng, tính minh bạch thông tin và sự phát triển nhanh nhưng không bền vững.
Trong đó, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhưng không có khả năng trả nợ đúng hạn, phần lớn do doanh nghiệp không có khả năng quản lý tài chính tốt hoặc gặp khó khăn trong kinh doanh.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu tại Việt Nam chưa tuân thủ đầy đủ quy định về công bố thông tin. Báo cáo tài chính thiếu minh bạch, không đầy đủ hoặc không được kiểm toán độc lập là những vấn đề phổ biến.
Nhiều doanh nghiệp đua nhau phát hành trái phiếu để huy động vốn, nhưng không đủ khả năng quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn này. Hậu quả là doanh nghiệp không thể trả nợ đúng hạn, gây ra rủi ro tín dụng cao và làm mất niềm tin của nhà đầu tư.
Theo Chủ tịch Saigon Ratings, thông qua công cụ chính sách, đặc biệt là Luật Chứng khoán vừa được Quốc hội thông qua đã tạo điều kiện cho các tổ chức, nhà đầu tư tư nhân tham gia vào hoạt động đầu tư trái phiếu, và điều kiện về xếp hạng tín nhiệm gắn với tài sản bảo đảm để củng cố lòng tin cho nhà đầu tư.
Ông Phùng Xuân Minh – Chủ tịch HĐQT Saigon Ratings phát biểu tại hội nghị thường niên của Hiệp hội ACRAA.
|
Làm gì để cải thiện niềm tin với thị trường trái phiếu?
Để quy mô thị trường trái phiếu có thể đạt 25-30% GDP quốc gia vào 2030, ông Minh đề xuất 3 nội dung. Thứ nhất, với các Luật đã được ban hành và sửa đổi, cần khẩn trương hoàn thiện các văn bản dưới luật để triển khai nhanh chóng trong thực tiễn từ đầu năm 2026. Thứ hai là hướng dẫn, tư vấn của cơ quan quản lý nhà nước với hoạt động của các thành viên tham gia thị trường gồm đơn vị tư vấn, đơn vị kiểm toán, các công ty xếp hạng tín nhiệm, các tổ chức liên quan để chung tay tạo nên hệ sinh thái thúc đẩy thị trường. Thứ ba, ông Minh kỳ vọng trái phiếu vẫn là một kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế thời gian tới, để đạt mục tiêu tăng trưởng mà Thủ tướng đặt ra.
Để cải thiện niềm tin với thị trường trái phiếu, theo ông Minh, các chính sách hiện nay của nhà nước đã bước đầu xử lý những vụ việc tiêu cực thời gian qua và dần lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư. Thị trường đã thấy được rằng nhà nước hết sức chú trọng bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư. Song niềm tin này còn phụ thuộc rất lớn vào tổ chức phát hành. Theo đó, họ cần phải có phương án kinh doanh, cải thiện hiệu quả công tác quản lý, quản trị. Quan trọng hơn hết là phải giữ chữ tín khi phát hành, trải nợ đầy đủ và đúng hạn theo các cam kết trong phương án phát hành.
Mặt khác, niềm tin nhà đầu tư còn thể hiện thông qua các đơn vị hướng dẫn thủ tục, tư vấn về các khẩu vị rủi ro khác nhau. Trên thị trường có nhiều loại trái phiếu với các điểm xếp hạng khác nhau, tương ứng mức độ rủi ro khác nhau để nhà đầu tư quyết định trách nhiệm theo danh mục đầu tư.
Liên quan tới Luật chứng khoán sửa đổi vừa mới được thông qua, có quy định về nhà đầu tư cá nhân vẫn được quyền mua trái phiếu, cũng như quy định liên quan xếp hạng tín nhiệm. Ông Minh đánh giá hai điểm này phù hợp với thông lệ thế giới. Một là có sự bảo lãnh ngân hàng để tăng thêm niềm tin trong trường hợp doanh nghiệp không đảm bảo nghĩa vụ trả nợ. Hai là các tài sản bảo đảm đi đôi với cả hoạt động xếp hạng tín nhiệm, trên cơ sở đó, trường hợp doanh nghiệp không có khả năng trả nợ và theo các thứ tự ưu tiên, tài sản gắn với xếp hạng giúp nhà đầu tư đánh giá chất lượng trái phiếu.
Mặt khác, với dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam quy mô dự kiến hơn 67 tỷ USD, có một số thông tin ban đầu cho biết Chính phủ Việt Nam sẽ sử dụng vốn đầu tư công và huy động trong nước là chủ yếu, hạn chế vay bên ngoài. Ông Minh đánh giá, Chính phủ xác định huy động vốn trong nước thông qua trái phiếu hoặc các khoản vay ưu đã quốc tế thì việc phát hành theo lộ trình từng năm là khả thi vì phù hợp với tăng trưởng GDP trong trung và dài hạn, cũng như tầm kiểm soát nợ công quốc gia của Việt Nam.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng sẵn sàng tham gia vào các hoạt động trong chuỗi giá trị đầu tư đường sắt cao tốc. Ông Minh lưu ý 3 vấn đề để doanh nghiệp và Nhà nước có thể cùng thực hiện dự án trọng điểm này, gồm: nguồn vốn của doanh nghiệp Việt; nguồn lực kỹ thuật đáp ứng đủ điều kiện vì đây là công trình chất lượng cao; cuối cùng là phối hợp với các đơn vị quốc tế để đảm bảo kinh nghiệm, hồ sơ năng lực doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn.