Thảo luận về dự thảo Luật căn cước công dân ngày 8/9, nhiều đại biểu còn băn khoăn về việc có nên cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi hay không.
Đa số các đại biểu đều nhất trí với việc sử dụng tên gọi thẻ Căn cước công dân như dự thảo Luật. Tên gọi này cũng phù hợp với mục tiêu tiến tới sử dụng thẻ công dân điện tử. Quan điểm này có khác so với quan điểm của một số Đại biểu tại kỳ họp trước muốn giữ nguyên tên gọi Giấy chứng minh nhân dân.
Ông Hồ Trọng Ngũ, Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long cho rằng: “Chỉ có từ căn cước là đúng nhất, là chính xác nhất”.
Về cấp thẻ Căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi, các đại biểu cho rằng việc này đảm bảo đảm quyền bình đẳng của công dân theo Hiến pháp. Như vậy, trẻ em khi sinh ra vẫn làm thủ tục đăng ký khai sinh nhưng thay cho việc cấp giấy khai sinh sẽ được cấp thẻ Căn cước công dân, trong đó có ghi số định danh cá nhân. Tuy nhiên, nhiều Đại biểu Quốc hộibày tỏ không đồng tình với việc cấp Thẻ căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi, đề nghị giữ nguyên việc cấp và sử dụng giấy khai sinh như hiện nay với đối tượng này.
Theo ông Trần Đình Long, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông, với việc được cấp thẻ căn cước từ khi mới sinh ra, trẻ sẽ được sử dụng thẻ tới 14 năm, rồi lại đổi thẻ mới. Trong khi đó có các cháu khác ở độ tuổi 10-14 chỉ được sử dụng một vài năm. “Khoảng 50% dân số trong diện phải đổi thẻ căn cước, như vậy chi phí rất tốn kém”, ông Long cho rằng thẻ căn cước này không thể thay thế giấy khai sinh cho các cháu.
Dự kiến, sau khi được các Đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến và chỉnh sửa, dự Luật căn cước công dân sẽ được thảo luận và thông qua tại kỳ họp Quốc hội vào cuối tháng 10 tới.
>>>Bộ trưởng Tư Pháp: Nên dừng cấp CMND mẫu 12 số
Theo Hà Phương