Theo ông Nguyễn Sơn, “chứng khoán chờ về” có thể đến từ rất nhiều nguồn và Uỷ ban Chứng khoán sẽ xem xét làm rõ hơn khái niệm “chứng khoán chờ về” trong thời gian tới.
Sáng 7/10, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức Hội thảo “Hướng dẫn về giao dịch chứng khoán”, trong đó các nội dung được quan tâm nhất là xoay quanh giao dịch mua bán trong ngày và bán chứng khoán chờ về.
Theo dự thảo Thông tư được Uỷ ban Chứng khoán cung cấp, “chứng khoán chờ về” là chứng khoán sẽ nhận được trước, hoặc tại ngày thanh toán từ các giao dịch mua đã thực hiện trước đó. Điều có có nghĩa, “chứng khoán chờ về” sẽ chỉ bao gồm chứng khoán được nhà đầu tư đặt mua và khớp lệnh thành công trên sàn chứng khoán.
Tuy nhiên, tại phần thảo luận, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường cho biết, khái niệm “chứng khoán chờ về” ngoài phần mua trên sàn chứng khoán, còn có thể bao gồm phần cổ phiếu trả cổ tức chưa về đến tài khoản.
“Chúng ta hiểu nôm na chứng khoán chờ về là chứng khoán sẽ về đến tài khoản, có thể do vừa mua xong, lệnh đã được khớp, hoặc có thể là phần trả cổ tức bằng cổ phiếu…”, ông Sơn nói.
Theo ông Nguyễn Sơn, “chứng khoán chờ về” có thể đến từ rất nhiều nguồn và Uỷ ban Chứng khoán sẽ xem xét làm rõ hơn khái niệm “chứng khoán chờ về” trong thời gian tới.
Như vậy, nếu chứng khoán chờ về bao gồm cổ phiếu trả cổ tức, thì việc bán “chứng khoán chờ về” có thể sẽ diễn ra rất nhiều ngày trước khi cổ phiếu về đến tài khoản của nhà đầu tư, chứ không chỉ bó hẹp trong thời gian T+. Điều này hứa hẹn sẽ giúp nhà đầu tư chủ động hơn trong giao dịch, chẳng hạn như tình huống muốn bán cổ phiếu nhưng cổ phiếu trả cổ tức chưa về đến tài khoản của mình.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ điều này liệu có được hiện thực hoá trong Thông tư sửa đổi Thông tư 74 sắp tới hay không, bởi bản dự thảo Thông tư ngày 6/10 được Uỷ ban Chứng khoán cho biết đã là bản dự thảo gần như hoàn thiện, và khái niệm “chứng khoán chờ về” tại bản dự thảo này mới chỉ bao hàm cổ phiếu mua trên sàn chứng khoán.