Chứng khoán sẽ ra sao khi Fed hạ lãi suất?
Khi cả thế giới hướng về quyết định quan trọng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong ngày 18/09, một câu hỏi lớn đang đè nặng lên tâm trí các nhà đầu tư: Liệu đợt cắt giảm lãi suất sắp tới sẽ thúc đẩy hay làm chìm thị trường chứng khoán?
Chủ tịch Fed Jerome Powell
|
Theo các chuyên gia, lý do tại sao Fed cắt giảm lãi suất quan trọng hơn nhiều đối với thị trường so với việc đơn giản là chi phí đi vay đang giảm.
Vickie Chang, Chiến lược gia vĩ mô tại Goldman Sachs Group, đã đưa ra một cái nhìn lịch sử thú vị. Kể từ giữa những năm 1980, Fed đã nới lỏng chính sách tiền tệ 10 lần. Trong số đó, bốn chu kỳ liên quan đến suy thoái, và sáu chu kỳ không. Điều đáng chú ý là khi Fed thành công trong việc ngăn chặn suy thoái, cổ phiếu thường tăng giá. Ngược lại, khi không thành công, cổ phiếu có xu hướng giảm.
Các nhà đầu tư có thể sẽ không có tất cả thông tin họ cần trong ngày 18/09. Cách cổ phiếu phản ứng sẽ phụ thuộc vào những gì dữ liệu cho thấy trong những tháng tới. Câu hỏi quan trọng với nhà đầu tư nên là kinh tế có suy thoái hay không, Chang chia sẻ.
Thống kê cho thấy, trong các chu kỳ cắt giảm lãi suất thời kỳ suy thoái, chỉ số S&P 500 thường giảm 10% trong 6 tháng đầu tiên.
Tín hiệu từ cường độ giảm lãi suất
Mức độ cắt giảm lãi suất trong ngày 18/09 có thể ảnh hưởng lớn đến nhận thức của nhà đầu tư về nền kinh tế, từ đó định hình tâm lý thị trường trong những tháng còn lại của năm. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh dữ liệu kinh tế Mỹ gần đây khá mơ hồ, với việc tuyển dụng chậm lại nhưng tỷ lệ sa thải chưa tăng đáng kể.
Trong khi đó, lạm phát đã giảm bớt, mặc dù dữ liệu mới nhất được công bố tuần này cho thấy một số dấu hiệu dai dẳng khi đề cập tới giá của các dịch vụ chính, như tiền thuê nhà và chi phí nhà ở.
Niềm tin của các nhà đầu tư vào nền kinh tế đã giúp thúc đẩy cổ phiếu tăng cao hơn trong năm 2024, nhưng gần đây, niềm tin đó đã bị lung lay. Đôi khi, lo ngại rằng sự gia tăng thất nghiệp có thể bùng phát đã gây áp lực lên cổ phiếu, góp phần tạo ra những đợt bán tháo đau đớn vào tháng 8 và tháng 9.
Fed có chậm chân?
Một số chuyên gia cho rằng Fed đã chậm chân và lẽ ra nên cắt giảm lãi suất từ tháng 7. Vì vậy, nhiều người ở Phố Wall dự đoán rằng việc cắt giảm 50 điểm cơ bản có thể gây ra phản ứng tiêu cực trên thị trường chứng khoán.
Kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản đã quay trở lại trong ngày 13/09. Thị trường cho rằng xác suất giảm 25 điểm cơ bản và 50 điểm cơ bản gần như ngang nhau, theo dữ liệu từ CME Group.
Shannon Saccocia từ Neuberger Berman Private Wealth nhận định: “Đưa ra quyết định mạnh mẽ với mức cắt giảm 50 điểm cơ bản có nghĩa là Fed đã mắc sai lầm vào tháng 7, hoặc họ đang hành động chậm trễ, hoặc có dữ liệu tồi tệ hơn những gì chúng ta đang thấy. Điều đó sẽ gây ra nhiều xáo trộn hơn cho thị trường cổ phiếu”.
Sự không chắc chắn này có thể khiến thị trường bị bán tháo, bất kể Fed làm gì, theo một nhóm chiến lược gia tại Deutsche Bank. Nhóm này cho biết Fed có khả năng gây bất ngờ cho thị trường vốn đang ở mức cao nhất trong 15 năm.
Ngoài quy mô cắt giảm, các dự báo kinh tế mới nhất của Fed cũng cần được xem xét kỹ lưỡng. John Velis, chiến lược gia tại BNY, cho rằng Fed có thể nâng dự báo về tỷ lệ thất nghiệp và hạ dự báo về tăng trưởng GDP.
Ông cho rằng điều này không nhất thiết có nghĩa là ngân hàng trung ương dự báo sẽ có suy thoái. Nhưng nó vẫn là điều mà các nhà đầu tư nên chú ý, vì có thể ảnh hưởng đến dự báo của thị trường về mức cắt giảm lãi suất trong tương lai.
Fed có thể tạo ra thành tích vô tiền khoáng hậu?
Mặc dù dữ liệu chưa cho thấy dấu hiệu rõ ràng của một cuộc suy thoái toàn diện, nhưng các nhà đầu tư vẫn có lý do để lo ngại.
Theo Diane Swonk, Chuyên gia kinh tế trưởng tại KPMG Mỹ, việc tạo ra một đợt “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế sau giai đoạn lạm phát cao sẽ là một kỳ tích đối với Chủ tịch Fed Jerome Powell. Trong quá khứ, Fed đã từng thành công trong việc đưa nền kinh tế trở lại từ bờ vực.
Một loạt các đợt cắt giảm lãi suất bắt đầu vào năm 1995 là một ví dụ về việc Fed đã thành công trong việc thực hiện một “điều chỉnh giữa chu kỳ” mà không gây hại cho thị trường, theo Jurrien Timmer, Giám đốc vĩ mô toàn cầu tại Fidelity.
Timmer nói với MarketWatch trong một cuộc phỏng vấn: “Đó là ngoại lệ chứ không phải là quy luật. Nhưng nó có thể xảy ra”.
Chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong ngày 13/09, với S&P 500 và Nasdaq Composite tăng 5 phiên liên tiếp. Cả hai chỉ số đều ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2023, theo Dow Jones Market Data. Trong khi đó, Dow Jones Industrial Average có tuần giao dịch tốt nhất trong khoảng một tháng.
Cuộc họp chính sách tháng 9 của Fed bắt đầu vào ngày 17/09. Quyết định lãi suất của họ sẽ được công bố lúc 14h ngày 18/09 (giờ địa phương).
Vũ Hạo (Theo MarketWatch)
FILI