Chứng khoán Việt Nam “bốc hơi” gần nửa triệu tỷ vốn hóa trong một tuần

Chứng khoán Việt Nam vừa khép lại tuần đáng quên khi VN-Index giảm điểm mạnh nhất trong vòng một năm rưỡi.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa khép lại một tuần giao dịch đáng quên khi giảm 4 phiên liên tiếp, trong đó có 3 phiên giảm mạnh. VN-Index mất 101,74 điểm (-8%), qua đó ghi nhận tuần giảm điểm mạnh nhất trong vòng một năm rưỡi, kể từ tuần 3-7/10/2022. Xét về số tuyệt đối, lần gần nhất chỉ số “bay” hơn 100 điểm trong một tuần đã cách đây gần 2 năm, vào tuần 9-13/5/2022.

Tuần lao dốc mạnh “thổi bay” gần 413.700 tỷ đồng (~17 tỷ USD) vốn hóa HoSE. Nếu tính chung cả 3 sàn, chứng khoán Việt Nam đã “bốc hơi” gần 480.000 tỷ đồng (~20 tỷ USD) vốn hóa chỉ trong vòng một tuần. Giá trị vốn hóa toàn thị trường hiện còn khoảng 6,28 triệu tỷ đồng, trong đó HoSE chiếm 76%.

Trước cú rơi chóng vánh hơn 100 điểm tuần qua, VN-Index đã có thời gian khá dài neo quanh vùng đỉnh 19 tháng. Vì thế, áp lực chốt lời mạnh là khó tránh khỏi. Thêm nữa, những luồng thông tin tiêu cực như việc CPI của Mỹ cao hơn dự đoán tháng thứ 3 liên tiếp khiến lộ trình hạ lãi suất của Fed có thể chậm lại; xung đột đẩy thị trường hàng hóa tăng mạnh, gây áp lực lạm phát tiềm ẩn; tỷ giá leo thang tạo ra sức ép trong việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng,… cũng tác động đến tâm lý thị trường.

Thực tế, nhịp điều chỉnh lần này của thị trường đã được nhiều chuyên gia dự báo. Trong một talkshow cuối tuần trước, ông Lã Giang Trung – CEO Passion Investment cho rằng, thông thường, trong những đợt thị trường uptrend khoảng 5 – 6 tháng sẽ có điều chỉnh, về mặt thời gian thị trường hiện tại cũng vừa đủ, nhưng mức tăng khá thấp.

Quan điểm ban đầu của ông Trung là thị trường sẽ tăng đến vùng 1.350 điểm, nhưng khi đến sát vùng 1.300 điểm, dòng tiền có vẻ hơi yếu, một số yếu tố ngắn hạn không còn quá tốt, do đó khả năng cao là thị trường có thể điều chỉnh 12 – 15% từ vùng sát 1.300 điểm, trước khi tạo một cái đáy ngắn hạn để tiếp tục đi lên vượt qua đỉnh cũ.

“Đây là sự điều chỉnh lành mạnh của thị trường trong một giai đoạn tăng mà trong uptrend thì năm nào cũng có 2 lần điều chỉnh”, chuyên gia Lã Giang Trung nhận định.

Đồng quan điểm, trong một báo cáo đầu tháng 4, SGI Capital cũng nhận định giai đoạn lãi suất và thanh khoản tốt nhất năm đã qua. “Một nhịp điều chỉnh và tích lũy là cần thiết để thị trường tìm lại điểm cân bằng và phân bổ lại dòng tiền hợp lý hơn cho xu hướng tích cực dài hạn cùng đà phục hồi chung của nền kinh tế”, báo cáo của quỹ nhấn mạnh.

SGI Capital chỉ ra nhiều áp lực lên dòng tiền trên thị trường chứng khoán như tỷ lệ margin tăng nhanh trong 3 tháng vừa qua; áp lực từ nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng; áp lực từ kế hoạch phát hành của nhiều công ty niêm yết trong quý 2 và lượng bán ròng của cổ đông nội bộ cũng tăng lên. Thanh khoản của thị trường gần đây bị thu hút vào một số nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao và định giá đắt với nguồn cung rất lớn. Do đó, nhu cầu mua đã nhanh chóng được đáp ứng và thị trường tiềm ẩn rủi ro điều chỉnh trong ngắn hạn.

Mặt khác, quỹ ngoại Dragon Capital lại có cái nhìn tích cực hơn dựa trên góc độ trung, dài hạn. Theo đó, thống kê của Dragon Capital cho thấy định giá 80 doanh nghiệp hàng đầu đang ở mức 11 lần, trong khi tăng trưởng EPS lên đến 18,5%. Điều này đồng nghĩa định giá tương đối hấp dẫn nếu xét về trung hạn.

“Giai đoạn điều chỉnh không phải lúc nhà đầu tư rời bỏ thị trường mà nên tận dụng giải ngân cho góc nhìn trung dài hạn. Với mức định giá hấp dẫn, xác suất thị trường giảm thêm 10-15-20% là rất khó, 10% thì có thể nhưng nếu giảm trên 15% thì nhà đầu tư nên có hành động quyết liệt trong vấn đề đầu tư”, chuyên gia Dragon Capital nhận định.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin