Chứng nhận VietGAP được cấp cho doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu về an toàn.
Theo thống kê đến hết năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Việt Nam đã có 463.000ha cây trồng được đạt chứng nhận VietGAP; 16.991ha diện tích nuôi trồng thủy sản được cấp chứng nhận VietGAP; 924 trang trại và 1.249 hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAP. Đây là những con số đáng khích lệ sau giai đoạn đại dịch.
Chứng nhận VietGAP là gì?
Chứng nhận VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices) là “thực hiện sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.
Theo đó, VietGAP gồm những tiêu chuẩn, quy phạm quy định về thực hiện sản xuất nông nghiệp tốt cho các sản phẩm nông nghiệp ở Việt Nam; bao gồm những trình tự, nguyên tắc, thủ tục để hướng dẫn các cá nhân, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế đảm bảo sản phẩm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khoẻ người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Theo đó, để đạt được chứng nhận VietGAP, doanh nghiệp cần đạt 4 tiêu chí để làm căn cứ đánh giá.
VietGAP là “thực hiện sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam” trong trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.
Tiêu chí thứ là về kỹ thuật sản xuất. Yêu cầu về kỹ thuật sản xuất là tiêu chí đặt ra đầu tiên của chứng nhận VietGAP mà doanh nghiệp phải đạt được. Trong đó bao gồm: phương thức canh tác, thu hoạch cũng như những tiêu chuẩn về hạt giống (trồng trọt), con giống (thủy sản, chăn nuôi), nguồn nước, nguồn đất.
Kế đến là môi trường làm việc. Môi trường làm việc phải có đầy đủ tiêu chuẩn an toàn lao động cần thiết mục đích nhằm ngăn chặn việc lạm dụng sức lao động, bảo vệ tốt nhất cho người lao động về sức khỏe.
An toàn thực phẩm là tiêu chí thứ ba. Đây là tiêu chí rất quan trọng để doanh nghiệp có thể đạt chứng nhận VietGAP. Để đảm bảo được về chất lượng thực phẩm trong toàn bộ khâu canh tác, doanh nghiệp phải đảm bảo thực phẩm không bị ô nhiễm, không được sử dụng các chất bảo quản, dư lượng kháng sinh, chỉ được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép theo quy định.
Cuối cùng là đảm bảo nguồn gốc sản phẩm, các sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP phải truy xuất được nguồn gốc sản phẩm để đảm bảo về chất lượng cũng như giúp cho việc kiểm tra xuất xứ sản phẩm.
Có 4 tiêu chí để đạt chứng nhận VietGAP.
Doanh nghiệp có lợi gì khi đạt chứng nhận VietGAP?
Theo Sở Khoa học và Công nghệ Kon Tum, áp dụng thực hành sản xuất tốt theo tiêu chuẩn VietGAP giúp doanh nghiệp nhiều điều kiện thuận lợi. Trong đó có tăng năng suất, chất lượng cây trồng, tăng giá trị sản phẩm. Ngoài ra, chứng nhận VietGAP là bằng chứng để khẳng định thương hiệu của nông sản Việt Nam, tăng kim ngạch xuất khẩu.
Đồng thời giúp làm thay đổi tập quán, thói quen, hành vi sản xuất, tạo sản phẩm đảm bảo an toàn chất lượng, bảo vệ môi trường, góp phần làm cho xã hội giảm bớt được chi phí y tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của xã hôi.
Toàn bộ chuỗi sản xuất sẽ được kiểm soát chặt chẽ, hình thành được quy trình sản xuất đạt chuẩn. Mục tiêu cuối cùng là tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, ổn định, giúp doanh nghiệp phản ứng kịp thời với các vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm.
Việc doanh nghiệp đạt chứng nhận VietGAP sẽ mang lại niềm tin cho người tiêu dùng và đối tác. “Đây được xem là công cụ hữu hiệu để thực hiện các chiến dịch quảng cáo marketing của doanh nghiệp. Sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP dùng làm thực phẩm là nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng cho công nghiệp chế biến, đảm bảo chất lượng đầu ra của sản phẩm”, website của đơn vị này cho hay.
Giấy chứng nhận VietGAP có hiệu lực tối đa 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận. Trong 3 năm này, sẽ có các cuộc đánh giá giám sát định kỳ thường niên 12 tháng 1 lần. Do đó, doanh nghiệp cần chú ý duy trì các quy trình sản xuất đúng theo các yêu cầu quy định để đảm bảo giấy chứng nhận có giá trị trong thời gian còn hiệu lực.
Doanh nghiệp đạt chứng nhận VietGAP sẽ mang lại niềm tin cho người tiêu dùng và đối tác.
Doanh nghiệp nông nghiệp làm gì để đạt chứng nhận VietGAP?
Căn cứ theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11892-1:2017 về Thực hành nông nghiệp tốt (VIETGAP), riêng trong lĩnh vực trồng trọt, có một số yêu cầu chung. Nếu thỏa mãn yêu cầu này thì mới được cấp chứng nhận VietGAP.
Người quản lý VietGAP trong doanh nghiệp phải được tập huấn về VietGAP trồng trọt (hoặc có Giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm). Người lao động phải được đào tạo nhận thức về VietGAP trồng trọt hoặc có kiến thức về VietGAP trồng trọt ở công đoạn họ trực tiếp làm việc. Nếu có sử dụng các hóa chất đặc biệt cần được tập huấn theo quy định hiện hành của nhà nước. Người kiểm tra nội bộ cũng phải được tập huấn về VietGAP trồng trọt hoặc có kiến thức về VietGAP trồng trọt và kỹ năng đánh giá VietGAP trồng trọt.
Doanh nghiệp phải có sơ đồ về khu vực sản xuất; nơi chứa phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, trang thiết bị, máy móc, dụng cụ phục vụ sản xuất, sơ chế; nơi sơ chế, bảo quản sản phẩm (nếu có) và khu vực xung quanh.
Dụng cụ chứa hoặc kho chứa phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất khác: Phải kín, không rò rỉ ra bên ngoài; có bảng hiệu cảnh báo nguy hiểm; có cửa có khóa; yêu cầu không phận sự miễn vào. Kho chứa phải đặt cách xa khu vực sơ chế, bảo quản. Có biện pháp, có sẵn dụng cụ xử lý trong trường hợp đổ, tràn phân bón, thuốc BVTV và hóa chất. Trang thiết bị máy móc phải được làm sạch trước và sau khi sử dụng, định kỳ có bảo dưỡng để tránh gây tai nạn cho người sử dụng và làm ô nhiễm sản phẩm. Đặc biệt, bao bì tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm phải đáp ứng theo quy định pháp luật về bao bì.
Doanh nghiệp muốn đạt được chứng nhận VietGAP phải qua các tiêu chí khắt khe.
Doanh nghiệp cần xây dựng quy trình sản xuất nội bộ cho từng cây trồng hoặc nhóm cây trồng phù hợp với điều kiện của từng cơ sở sản xuất và các yêu cầu của VietGAP trồng trọt. Phải có quy định về giám sát tài liệu và thực hiện lưu trữ hồ sơ về VietGAP. Thời gian lưu trữ hồ sơ tối thiểu là 12 tháng tính từ ngày thu hoạch để phục vụ việc kiểm tra nội bộ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Phải phân biệt được những sản phẩm sản xuất theo và những sản phẩm cùng loại không theo VietGAP trồng trọt trong quá trình thu hoạch, sơ chế. Phải có quy định truy xuất nguồn gốc sản phẩm giữa cơ sở sản xuất với khách hàng và trong nội bộ cơ sở sản xuất.
Cung cấp đầy đủ dụng cụ lao động, trang thiết bị bảo hộ cho người lao động. Khu vực vệ sinh sạch sẽ, trang bị đầy đủ dụng vụ. Tổ chức tập huấn hướng dẫn sử dụng an toàn trang thiết bị, máy móc, dụng cụ trong quá trình sản xuất. Bảo hộ lao động (quần áo, găng tay, khẩu trang, ủng…) cần được vệ sinh sạch trước, sau khi sử dụng và để đúng nơi quy định, không để chung với nơi chứa thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và các hóa chất khác. Có sẵn các thiết bị hoặc dụng cụ sơ cứu và hướng dẫn sơ cứu để xử lý trong trường hợp cần thiết.
Đối với cơ sở sản xuất nhiều thành viên hoặc nhiều địa điểm sản xuất phải có quy định nội bộ về phân công nhiệm vụ, tổ chức sản xuất, kiểm tra, giám sát và được phổ biến đến tất cả các thành viên, địa điểm sản xuất.