Hầu hết mọi người đều có một quan niệm phổ biến về thực phẩm nhuận tràng. Bất cứ khi nào bị táo bón, những người xung quanh đều gợi ý ăn chuối để cải thiện tình hình. Liệu ăn chuối có thực sự tốt cho hệ tiêu hóa?
Chuối có phải thực phẩm có tác dụng nhuận tràng thực sự?
Chúng ta thường nghe nói ăn chuối có thể nhuận tràng nhưng trên thực tế, tác dụng nhuận tràng của loại trái cây này rất hạn chế.
Nếu bạn ăn chuối chưa chín hẳn, lúc này ăn chuối có hại nhiều hơn là có lợi với sức khỏe. Bởi trong chuối xanh có chứa nhiều tannin, khi thường xuyên nạp tanin với lượng lớn sẽ dẫn tới thiếu vitamin B, làm co thắt niêm mạc dạ dày, gây kết tủa protein, ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa.
Ngoài ra, nhiều người muốn ăn chuối để giảm táo bón, nhưng bạn không nên chọn những quả còn non. Nếu sử dụng chuối chưa chín tới trong thời gian dài, acid tannic có trong chuối xanh sẽ gây ra tình trạng tắc ruột, khiến phân dồn ứ gây khó khăn trong việc đi đại tiện. Sau khi axit tannic đi vào cơ thể sẽ khiến phân khô cứng hơn, điều này làm trầm trọng thêm các triệu chứng táo bón.
Như vậy có thể thấy, ăn chuối chín rất tốt nhưng nếu ăn chuối còn xanh, chưa đủ chín thì lại gây phản tác dụng, gây táo bón nặng. Đây chính là lý do mà nhiều người mặc dù ăn chuối đều đặn nhưng lại không thấy triệu chứng táo bón thuyên giảm mà lại ngày một nặng hơn.
Nghiên cứu thực tế cho thấy, có nhiều loại trái cây có tác dụng nhuận tràng tốt, chẳng hạn như: thanh long, táo, lê, kiwi,.. Về tác dụng có lợi cho hệ tiêu hóa, nếu so với những loại quả này, chuối thực sự chỉ có thể đứng ở hàng sau. Vì vậy, khi gặp khó khăn về tiêu hóa, hãy chú ý bổ sung các loại trái cây như thanh long, táo, lê, kiwi… để bộ máy tiêu hóa hoạt động trơn tru hơn.
Nếu chuối không phải trái cây nhuận tràng, nên dựa vào đâu để đánh giá tác dụng có lợi cho đường tiêu hóa của một loại thực phẩm?
Theo các bác sĩ, thực phẩm có tác dụng nhuận tràng là những thực phẩm đáp ứng các yếu tố dinh dưỡng dưới đây.
1. Fructose
Đường fructose tự nhiên có trong nhiều loại thực phẩm, đặc biệt là trong một số loại trái cây, rau và mật ong.
Tùy thể trạng mà mỗi người có khả năng hấp thụ fructose khác nhau. Việc hấp thụ đủ fructose sẽ giúp đường ruột sẽ tạo ra áp suất thẩm thấu và nước sẽ thấm vào khiến khối lượng phân trong ruột sẽ tăng lên, thúc đẩy quá trình lên men ở ruột già nhanh hơn, giúp quá trình tiêu hóa diễn ra trơn tru hơn.
Tuy nhiên, những người mắc hội chứng ruột kích thích nên cẩn thận khi lựa chọn các loại trái cây có hàm lượng fructose cao. Quả mọng, đào, dưa đỏ và trái cây họ cam quýt sẽ là những thực phẩm lý tưởng và không có khả năng gây ra các triệu chứng hội chứng ruột kích thích.
2. Chất xơ
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trung bình 1 g chất xơ có thể làm tăng trọng lượng phân lên 4,7g. Khi vào ruột chất xơ có thể hút nhiều nước, làm tăng khối lượng của phân và kích thích nhu động ruột làm tăng co bóp để đẩy phân ra ngoài. Từ đó, giúp đại tiện đều đặn hàng ngày, cơ thể thải chất độc thường xuyên và tránh việc ngấm chất độc từ phân vào máu.
3. Sorbitol
Sorbitol được tìm thấy tự nhiên trong mơ, táo, lê, đào và một số loại rau. Nguyên tắc hoạt động của chất này tương tự như đường fructose, khi một lượng lớn sorbitol được hấp thụ ở ruột non, chúng sẽ có khả năng giữ nước, làm tăng lượng nước trong ruột, từ đó làm mềm phân và cải thiện tình trạng táo bón.
Khi muốn cải thiện khả năng tiêu hóa bằng cách bổ sung các loại trái cây, chúng ta cần lưu ý những điều gì?
Nên ăn trước hay ăn sau bữa ăn?
Với những người lớn có đường tiêu hóa bình thường, ăn trái cây trước hay sau bữa ăn đều được. Tuy nhiên, nên ăn trước bữa ăn để tăng giá trị dinh dưỡng của trái cây, đồng thời hạn chế lượng thức ăn nạp vào cơ thể trong bữa ăn, từ đó kiểm soát calo.
Còn với trẻ em, nên cho bé ăn trái cây sau bữa ăn chính hoặc trong các bữa phụ. Vì bé còn đang lớn, hệ tiêu hóa chưa thực sự hoàn thiện, nếu bổ sung quá nhiều chất dinh dưỡng trong cùng một bữa ăn sẽ gây hại nhiều hơn là giúp ích.
Bên cạnh đó, không nên để trẻ ăn trái cây trước bữa ăn bởi làm vậy dễ ảnh hưởng đến cảm giác ngon miệng trong bữa chính của trẻ và khiến lượng dinh dưỡng của bé không được đáp ứng đầy đủ.
Nên ăn vào buổi sáng, buổi trưa hay buổi tối?
Từ góc độ hấp thụ chất dinh dưỡng, thời điểm ăn trái cây không có nhiều ảnh hưởng đến cơ thể.
Tuy nhiên, để xây dựng một thói quen ăn uống khoa học và điều độ, người lớn nên sử dụng trái cây như một phần của bữa sáng hoặc bữa trà chiều. Điều này có thể giúp tăng giá trị dinh dưỡng nạp vào cơ thể và giảm lượng đồ ăn nhẹ không lành mạnh.
Trẻ có dạ dày nhỏ, lại thường xuyên vận động nên giữa các bữa ăn dễ bị đói. Lúc này ăn trái cây sẽ giúp bổ sung nước và năng lượng cho bé.
Tổng kết lại, dù là người lớn hay trẻ em, chỉ cần kiểm soát được lượng hoa quả nạp vào cơ thể trong ngày là có thể ăn hoa quả bất cứ lúc nào.
Theo Tuotiao