“Việc bắt được khoảnh khắc viên đạn trên đường bay như trong bức ảnh gần như không thể thực hiện được, ngay cả khi biết trước viên đạn đang bay tới” là nhận định của một cựu đặc vụ FBI.
Trong tình cảnh hỗn loạn tại cuộc vận động tranh cử ở Pennsylvania, phóng viên ảnh Doug Mills của New York Times đã chụp được khoảnh khắc hy hữu, ngay thời điểm cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị tấn công.
Bức ảnh cho thấy một viên đạn bay sượt qua má cựu tổng thống Mỹ khi ông đang phát biểu trước đám đông.
Khoảnh khắc duy nhất trong một triệu tấm
Đó là đánh giá của Michael Harrigan, một cựu đặc vụ FBI với 22 năm kinh nghiệm. Trước khi nghỉ hưu, ông đã lãnh đạo đơn vị huấn luyện súng của FBI và hiện là cố vấn trong ngành súng ống.
“Tấm ảnh ghi lại cả sự dịch chuyển của không khí khi viên đạn bay ngang”, ông Harrigan trả lời phỏng vấn hôm 14/7, sau khi xem lại những hình ảnh độ phân giải cao phóng viên Mills chụp được.
“Góc chụp có vẻ hơi thấp, cho thấy viên đạn vụt qua tai, nhưng không phải là không thể chụp chuẩn nếu tay súng bắn nhiều phát”, đặc vụ nói thêm.
Theo ông, nếu chỉ tính toán đường bay đơn giản, mọi người sẽ nghĩ việc chụp viên đạn như Mills trong bức ảnh là hoàn toàn khả thi.
Phóng viên ảnh Mills sử dụng một máy ảnh kỹ thuật số Sony, có thể chụp ảnh với tốc độ tối đa 30 khung hình/giây. Bức ảnh Donald Trump được chụp tốc độ màn trập 1/8.000 giây – là cực kỳ nhanh so với tấm ảnh thông thường.
Loạt ảnh ghi lạnh cảnh đường bay viên đạn bay ngang qua Donald Trump. Ảnh: Doug Mills/New York Times. |
Nhưng yếu tố còn lại quyết định sự thành bại của bức ảnh là tốc độ viên đạn. Tại hiện trường, cơ quan thực thi pháp luật đã thu hồi một khẩu súng trường bán tự động AR-15 từ một người đàn ông thiệt mạng, được cho là tay súng đã ám sát hụt ông Trump.
“Nếu tay súng dùng khẩu súng trường AR-15, viên đạn cỡ nòng 0,223 hoặc 5,56 mm sẽ di chuyển với tốc độ 975 m/s khi rời khỏi họng súng. Vậy nên, với tốc độ màn trập 1/8.000 giây trên máy ảnh, viên đạn sẽ di chuyển khoảng 12 cm trong thời gian màn trập mở”, ông Harrigan nhận xét.
Đặc vụ FBI cho hay hầu hết máy ảnh dùng để chụp ảnh đạn bay đều là những loại máy ảnh đặc biệt tốc độ cực cao. Chúng không được sử dụng để chụp ảnh trong những sự kiện bình thường.
“Do đó, việc bắt được một viên đạn ngay trên đường bay như trong bức ảnh là khoảnh khắc duy nhất trong một triệu tấm và gần như không thể làm được ngay cả khi biết viên đạn đang bay tới”, Harrigan kết luận.
Chủ nhân tấm ảnh nói gì?
Trả lời phỏng vấn, phóng viên ảnh Doug Mills của New York Times đã kể lại quá trình ra đời tấm ảnh “triệu lần mới có một” của mình. Ông chỉ cách cựu Tổng thống Donald Trump vài bước chân khi vụ nổ súng bắt đầu. “Tất cả chúng tôi đều chen lấn trong khu vực gần ông Trump để cố gắng có được những bức ảnh bình thường”, Mills nói.
Đột nhiên, ông nghe thấy 3-4 tiếng nổ lớn. “Lúc đầu, tôi nghĩ đó là tiếng ôtô. Cuối cùng, tôi mới nhận ra đó là tiếng súng. Nhưng tôi vẫn tiếp tục chụp ảnh”, phóng viên cho biết. Sau đó, Trump ôm tai, cúi xuống đất. “Tôi đã nghĩ ‘Ôi Chúa ơi, có chuyện gì đã xảy ra vậy’”, Mills nói.
Ngay lập tức, các đặc vụ bắt đầu chạy lên sân khấu, vây quanh bảo vệ và hộ tống cựu Tổng thống ra khỏi sân khấu. Trong tay họ là những khẩu súng trường tự động. “Tôi đi từ phía này sang phía khác của sân khấu để xem liệu có thể nhìn thấy ông ấy rõ hơn không. Đó cũng là lúc Trump đứng dậy và giơ nắm đấm lên trời. Tôi đã nghĩ “Ông ấy còn sống, ông ấy còn sống’”, phóng viên nhớ lại.
Doug Mills (ở giữa), đang đội mũ vành và áo sơ mi xanh, gần phía trước sân khấu nơi ông Trump phát biểu. Ảnh: Eric Lee/New York Times. |
“Tôi có thể nhìn thấy máu trên mặt ông ấy và vẫn tiếp tục chụp ảnh. Trong tấm ảnh giơ nắm đấm, Trump trông rất cứng rắn và có thái độ thách thức, nhưng ở khung hình tiếp theo tôi chụp, ông ấy trông hoàn toàn kiệt sức. Vẻ mặt rất, rất sốc”, Mills tường thuật.
Khi Donald Trump bước xuống cầu thang, các mật vụ bao vây vị cựu Tổng thống, tạo thành một khiên chắn bằng người, bảo vệ ông đến tận chiếc SUV để rời đi.
“Tôi quay lại, thấy mọi người la hét và nghe thấy tiếng ai đó đã bị bắn trong đám đông. Họ giữ chúng tôi tại hiện trường trong khoảng 30 phút. Khi bước ra, chúng tôi thấy khung cảnh ngổn ngang, với đầy chai nhựa, điện thoại di động, một chiếc xe lăn vừa bị bỏ lại”, ông nói.
Dù có kinh nghiệm chuyên chụp ảnh các tổng thống từ năm 1983, phóng viên vẫn chưa bao giờ hình dung mình sẽ rơi vào hoàn cảnh như thế này. “Tôi luôn lo sợ sẽ có ngày mình rơi vào tình huống này. Tôi luôn tự hỏi mình sẽ làm gì khi gặp phải. Tôi hy vọng mình sẽ chụp được tấm ảnh để đời và hy vọng mình không bị bắn”, ông nói.
Tại buổi vận động tranh cử ngày 13/7 (theo giờ địa phương), ban đầu Doug Mills đã nghĩ: “Có khi nào mình bị bắn không?”. Khi đó, cảm xúc của ông là rất sợ hãi. “Tôi chưa bao giờ ở trong một cảnh tượng kinh khủng hơn thế. Dù đã đưa tin về các tổng thống trong 40 năm qua, tôi không hề muốn chứng kiến cảnh tượng này”, Mills nói.
Ở phía sau khán đài, nhiều nhân viên của Trump đã khóc. “Tôi nhận được rất nhiều cái ôm và nói rằng: ‘Tôi mừng vì chúng ta vẫn ổn’. Tôi chưa bao giờ hình dung mình sẽ rơi vào hoàn cảnh như thế này”, vị phóng viên ảnh nói.
Những nhà khoa học tiên phong
“Những nhà khoa học tiên phong” là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.