Dave Prucha đến Nhật Bản vào năm 1992, dự kiến trở về sau 6 tháng nhưng đã ở lại đây 32 năm.
“Sau 32 năm, tôi vẫn cảm thấy thích sống ở đây. Thật thú vị”, Dave nói. Du khách Mỹ thậm chí đã có nhà, kết hôn, sinh ba con và điều hành công ty bia thủ công Mỹ.
Dave bắt đầu quan tâm đến Nhật Bản khi học kinh tế tại Đại học bang San Francisco (SFSU) đầu những năm 1990. Khi đó, Nhật Bản là nền kinh tế đối thủ lớn của Mỹ nên ông muốn tìm hiểu thêm về điểm đến này.
Sau cuộc gặp gỡ với một giáo viên tại Nhật Bản tại khách sạn mình đang làm việc, Dave nhận được lời mời về giảng dạy tại trường trung học ở Tokyo vào tháng 12/1991. Ông nhanh chóng nắm bắt cơ hội và lên đường vào năm sau, khi 28 tuổi và mang theo rất ít đồ đạc.
Ấn tượng đầu tiên của Dave về đất nước này là sự gắn kết xã hội và mức độ quan tâm tỉ mỉ đến từng chi tiết trong mọi việc. “Mọi người đều biết chính xác mình phải làm gì, khi chờ tàu họ sẽ biết phải xếp hàng ở đâu”, Dave nói. Người dân ở đây làm việc nhóm rất tốt và theo nhận định của ông, đây là một xã hội hòa thuận.
Dave nói người Nhật Bản cư xử rất giống nhau, đều lịch sự và nhã nhặn. Đường phố lúc nào cũng sạch sẽ. Dave yêu Nhật Bản “ngay từ cái nhìn đầu tiên” và cảm thấy quốc gia này rất phù hợp với mình.
Một trong những trở ngại lớn nhất khi mới đến là không thông thạo tiếng Nhật. Dù có phiên dịch viên tại nơi làm việc, ông vẫn gặp khó khi ra ngoài. “Nếu không biết tiếng, Nhật Bản vẫn là viên ngọc khó hiểu với nhiều người”, Dave nói.
Khác biệt văn hóa giữa hai nước Nhật – Mỹ cũng khiến Dave bị sốc. Một trong đó là phép lịch sự của người Nhật, khiến ông mất một thời gian mới thích nghi.
Ngoài ra, Nhật Bản nổi tiếng với nền văn hóa “nghiện công việc”, điều này rất phù hợp với tính cách của Dave. Ông thường nhận được lời nhận xét, khen ngợi của đồng nghiệp vì giống hệt họ (người Nhật), do rất chăm chỉ.
Khi hợp đồng làm việc được gia hạn, Dave bắt đầu cảm thấy Tokyo ngày càng giống nhà mình. Sau 5-6 năm sinh sống, ông muốn ở lại đây mãi mãi.
Mặc dù Nhật Bản “siêu đắt đỏ” nhưng Dave cho biết mức lương của mình cũng rất cao, nên mọi thứ đều có thể cân bằng được. Thậm chí, ông còn có thể tiết kiệm tiền để làm vốn mở công ty bia sau này.
Sau khi lấy được bằng lái xe, Dave đã mua một chiếc xe máy và dành thời gian đi du lịch khắp đất nước. Nhờ những chuyến đi, khả năng giao tiếp của ông tăng lên đáng kể. Dave có thể thoải mái gọi đồ trong nhà hàng mà không cần trợ giúp.
Vì muốn sống tại vùng nông thôn, Dave mua một mảnh đất giá rẻ, gồm một ngôi nhà cũ trong nông trại, thuộc vùng ngoại ô Yamanashi. Sau đó, ông bắt tay xây nhà mới trên nền ngôi nhà cũ. Người dân địa phương dạy cho Dave cách trồng lúa, dùng máy kéo, máy cày và trồng rau.
Dave gặp người vợ hiện tại, gốc Trung Quốc, tại Nhật và kết hôn được 5 năm. Họ có ba con. Các con của họ đều mang quốc tịch Mỹ dù sinh ra ở Nhật. Vợ chồng Dave được hưởng một số quyền lợi giống các phụ huynh người Nhật như không cần gia hạn thị thực, được tiếp cận các dịch vụ công như hệ thống chăm sóc sức khỏe, lương hưu.
Nhật Bản đang lo lắng về tình trạng già hóa, nên gia đình với ba người con của Dave nhận được một số ưu đãi và quyền lợi.
Sau khi kết hôn và có con, Dave nghỉ dạy để mở xưởng thủ công nấu bia Mỹ – điều ông mơ ước từ lâu. Ông được chính phủ cấp phép trồng hoa bia, một trong những thành phần chính tạo ra bia. Ông cũng mua lại một ngôi nhà bỏ hoang gần đó để xây nhà máy sản xuất hơn 50 loại bia.
Hiện tại, khi ở tuổi 61, Dave rất hào hứng về tương lai của nhà máy bia. Dù yêu thích Nhật Bản, đôi khi Dave vẫn nhớ về nước Mỹ. Ông nhớ cách nói chuyện của người Mỹ, nơi mọi người có thể nói lên mọi suy nghĩ mà không lo lắng sẽ làm mất lòng ai.
Đầu năm nay, Dave về Mỹ để mừng sinh nhật lần thứ 90 của mẹ. Dù sống tại Nhật, ông vẫn luôn trân trọng nước Mỹ và mong muốn đưa con cái về quê hương mỗi năm một lần.
Dave nhận thấy một trong những khác biệt lớn nhất của Nhật và Mỹ là người Mỹ luôn khuyến khích mọi người là chính mình. “Tại Mỹ, bạn là một cá thể độc lập, ý kiến của bạn sẽ khác những người khác và bạn muốn họ biết điều đó”, Dave nói. Tuy nhiên, ông vẫn hâm mộ nền văn hóa hòa hợp, không xung đột của người Nhật và nhận thấy môi trường này giúp bản thân trở nên tốt hơn.
Anh Minh (Theo CNN)