Bloomberg vừa có bài báo bình luận về động thái điều chỉnh biên độ tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước sáng nay.
Sáng nay (12/8), Việt Nam vừa thông báo mở rộng biên độ giao dịch VND, cho phép VND yếu đi sau khi đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ. Giờ đây VND có thể được giao dịch với biên độ 2% thay vì 1% như trước đây.
Theo số liệu của Bloomberg, tính đến 10h30 sáng nay, VND giảm 1%, xuống còn 22.040 VND/USD. Tỷ giá tham chiếu do Ngân hàng Nhà nước (SBV) đưa ra là 21.673 VND/USD, không thay đổi.
Kể từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã có 2 lần giảm giá tiền đồng, với mỗi lần giảm 1% vào tháng 1 và tháng 5. Thông báo của SBV cho biết động thái ngày hôm nay nhằm mục đích “ tạo sự chủ động, linh hoạt cho tỷ giá trước các tác động bất lợi trên thị trường quốc tế, đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam”.
Trao đổi với Bloomberg, ông Alan Pham, chuyên gia kinh tế trưởng tại quỹ VinaCapital, nhận định đây là hành động rất đúng thời điểm, giúp thúc đẩy xuất khẩu. “Các công ty xuất khẩu vốn đang chịu áp lực rất lớn từ các thị trường Mỹ và EU”.
Chỉ từ hôm qua đến nay, Trung Quốc đã lần lượt phá giá đồng nhân dân tệ 1,9% và 1,6%. VND giảm 3% kể từ đầu năm đến nay, so với mức giảm 13% của đồng ringgit Malaysia và 10% của đồng rupiah Indonesia.
Việt Nam đang cố gắng hỗ trợ nền kinh tế được dự báo sẽ tăng trưởng 6,2% trong năm nay. Tháng 7, thâm hụt thương mại ở mức 300 triệu USD với tăng trưởng xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm giảm tốc xuống còn 9,5%, so với mức 14,1% của cùng kỳ năm ngoái.
Năm ngoái, SBV đã hạ trần lãi suất huy động và giảm các loại lãi suất khác để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và giúp đỡ các doanh nghiệp.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ít nhất là từ năm 2007. Kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc chạm mốc 28,8 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2015, tăng 22,5% so với 1 nam trước. Xuất khẩu cũng tăng 8,3%, lên 9,3 tỷ USD.
Theo SBV, trong thời gian tới, NHNN sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách để tiếp tục ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong biên độ quy định, theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, các dự báo kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành chính sách một cách phù hợp.