Chuyên gia Fulbright: Giai đoạn xấu nhất của thị trường đã đi qua, tháng 6 tiền có thể được “bơm” ra nhiều hơn

Chuyên gia cho rằng, chính sách tài khóa và tiền tệ năm nay sẽ hoàn toàn ngược so với năm 2022, chuyển từ khống chế lạm phát sang hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tại hội thảo “Chứng khoán 2023 – la bàn giữa vùng biển động” do công ty chứng khoán Yuanta tổ chức, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp đại học Fulbright cho rằng tăng trưởng kinh tế có thể sẽ thấp hơn năm trước. Chủ yếu do không còn hiệu ứng phục hồi hậu Covid và xuất khẩu suy yếu.

Trước đây do phục hồi từ nền thấp, nên kinh tế có thể ghi nhận đà tăng trưởng ấn tượng. Ngoài ra, vì chính sách tiền tệ trên toàn cầu bị thắt chặt trong năm 2022, sức mua của người tiêu dùng, đặc biệt là ở hai thị trường chủ lực Châu Âu và châu Mỹ đã bị suy giảm đáng kể. Việt Nam cũng không nằm ngoài vùng ảnh hưởng. Từ quý IV/2022, những khó khăn ở nhóm xuất nhập khẩu và công nghiệp phụ trợ xuất khẩu đã dần bộc lộ.

“Năm nay tăng trưởng kinh tế sẽ không được trợ lực từ xuất khẩu. Điều này cũng dẫn đến sản xuất công nghiệp phục vụ xuất khẩu cũng yếu đi. Hai động lực ấy trong năm nay sẽ không còn”, ông Thành nhận định.

Ông cũng lưu ý thêm, năm nay chính phủ đặt mục tiêu khống chế lạm phát là 4,5%, cao hơn so với mức 4% các năm trước đây. Động thái này đã thể hiện các nhà điều hành sẵn sàng hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Các chính sách theo đó sẽ đảo chiều hoàn toàn so với năm trước, chuyển từ tập trung kiềm chế lạm phát, sang hỗ trợ phát triển kinh tế.

“Cần chú ý rằng, 15 năm qua, việc đầu tư cơ sở hạ tầng không được chú trọng nhiều, riêng năm nay đầu tư công lại trở lại với mức rất cao. Ngân sách cho đầu tư công hiện nay vào khoảng 31 tỷ đô. Chỉ trong 2 tháng đầu năm đã giao được 90% tổng lượng vốn. Số tiền này sẽ bù đắp được việc thiếu hụt động lực từ hoạt động xuất nhập khẩu”, ông Thành dẫn chứng.

Để đạt được tăng trưởng 6,5% chỉ đầu tư công là chưa đủ, vẫn phải có chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ. Tuy nhiên, việc bơm tiền sẽ phải được cân đối với lạm phát trong nước và các biến động của tình hình lãi suất thế giới

Về tình hình lãi suất thế giới, ông cho rằng FED có thể sẽ chỉ tăng lãi suất thêm 1 lần vào cuối tháng 5. Tuy nhiên, nếu có các ngân hàng Hoa Kỳ hay EU tiếp tục gặp khó khăn và buộc chính phủ các quốc gia phải can thiệp, có thể đợt tăng lãi suất này sẽ không được diễn ra. Phía Việt Nam sẽ phải theo dõi áp lực tỷ giá. Nếu đồng USD vẫn tiếp tục tăng giá, việc giảm lãi suất có thể sẽ không được diễn ra trong thời gian ngắn.

“Sẽ có một cánh cửa hẹp được mở ra, nếu đến tháng 5 FED có tín hiệu không tiếp tục tăng lãi suất. Mặc dù cơ quan này có thể giữ nguyên lãi suất ở mức đỉnh đến cuối năm nay, song ở trong nước từ tháng 6 tiền đã có thể được bơm ra mạnh tay hơn”, ông Thành nhận định

Về rủi ro lạm phát, nếu lạm phát tổng thể vượt trên lạm phát lõi và không được duy trì ở mức dưới 4,5%, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ chùn tay với việc bơm tiền mạnh hơn.

“Tháng 1, lạm phát đã vượt trên 4,5%. Tuy nhiên, rất mừng là tháng 2 chỉ số này đã hạ xuống. Tôi kỳ vọng, tháng 3, lạm phát có thể sẽ giảm xuống 4,1%. Tháng 4 và 5 chỉ số này có thể đi ngang, vì đầu tư công và tiền được bơm ra. Nếu tận tháng 5 (cùng khoảng thời gian họp quyết định lãi suất của FED) lạm phát tiếp tục ở dưới 4,5%, thì đây là một yếu tố nữa để hỗ trợ nới lỏng chính sách tiền tệ”, ông Thành đánh giá.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin