Tại hội thảo “Giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển” do Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) chủ trì tổ chức, các chuyên gia đã thẳng thắn chỉ ra, hiện nay, pháp lý là rào cản, khó khăn lớn nhất của thị trường.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp Hội bất động sản Việt Nam chỉ rõ, hai năm qua, thị trường bất động sản đã xuất hiện những nút thắt lớn khiến doanh nghiệp và các nhà đầu tư bị suy giảm mạnh. Đặc biệt, từ nửa cuối năm 2022, các doanh nghiệp bất động sản rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” khi dự án bị đình trệ, dòng tiền bị tắc nghẽn và áp lực trả nợ đè nặng.
Tình trạng đình trệ của thị trường bất động sản có sự tác động lớn nhất bởi những vướng mắc pháp lý (chiếm đến 70% khó khăn, vướng mắc của các dự án). Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, chỉ riêng tại Hà Nội và TP. HCM ước tính có khoảng 400 dự án gặp các vướng mắc về thủ tục triển khai. Những ách tắc này đã kéo dài rất nhiều năm nhưng chưa được giải quyết.
“Thực tiễn, một số địa phương đã thiếu chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền. Nhất là tâm lý né tránh không muốn làm, thiếu sự phối hợp với các cơ quan Trung ương để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, nhiều quy định pháp luật còn chồng chéo, việc áp dụng pháp luật còn thiếu thống nhất, chưa đồng bộ”, ông Khôi nhận định.
Thời gian vừa qua, Chính phủ và các Bộ, Ngành đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tác động trực tiếp và gián tiếp đến lĩnh vực bất động sản như Nghị quyết số 33/NQ-CP; Nghị định 08/2023/NĐ-CP; Quyết định số 338/QĐ-TTg và Nghị định số 10/2023/NĐ-CP.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, hiện có 6 yếu tố chính tác động tới bất động sản: kinh tế vĩ mô; môi trường pháp lý, cách thức quản lý và giám sát bất động sản; quy hoạch và kết cấu hạ tầng; tài chính; cung cầu và giá cả; thông tin dữ liệu minh bạch.
Hiện nay, thị trường đang tập trung chính vào pháp lý và tài chính. Trong đó, pháp lý là rào cản, khó khăn lớn nhất, xuất phát từ nhiều quy định còn chồng chéo, thiếu nhất quán, thiếu đồng bộ, quy định pháp lý chưa đầy đủ, chưa được hướng dẫn kịp thời, chưa sát thực tiễn. Cùng với đó, là tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, làm chậm, thậm chí là ách tắc nhiều dự án.
“Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế cụ thể, đẩy nhanh tiến độ sửa đổi các sắc luật liên quan. Nhưng dù làm nhanh vẫn cần rà soát đảm bảo đồng bộ, nhất quán giữa các bộ luật, giải bài toán pháp lý cho bất động sản. Để nguồn vốn quay trở lại vào thị trường, nên sớm giải quyết dứt điểm, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, qua đó củng cố niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường bất động sản”, ông Lực nhận định.
TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng doanh nghiệp bất động sản cần quyết liệt trong công tác cơ cấu lại các khoản đầu tư cũng như hoạt động quản trị của doanh nghiệp. Trước bối cảnh thị trường khó đủ đường, doanh nghiệp bất động sản cần hạn chế đầu tư dàn trải và mạnh tay tái cơ cấu doanh nghiệp để vượt qua nghịch cảnh.
Tại đây, Luật sư Nguyễn Hồng Chung, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Việt Nam chia sẻ, việc giao đất nhưng không tính tiền sử dụng đất sẽ ảnh hưởng nhiều đến cả Nhà nước và nhà đầu tư. Nhiều dự án đã giao đất trên giấy tờ nhưng lại không tổ chức giao đất tại thực địa và không tính tiền sử dụng đất nhiều năm, dẫn đến giá trị tiền sử dụng đất tại thời điểm giao đất trên giấy tờ và trên thực tế quá khác xa nhau. Điều này dẫn tới việc Nhà nước và nhà đầu tư không thống nhất được về giá.
“Để gỡ khó cho thị trường bất động sản, doanh nghiệp bất động sản thì giải pháp quan trọng nhất là tập trung giải quyết các dự án đang gặp vướng pháp lý, rơi vào cảnh tồn đọng. Đồng thời, sửa các quy định từ luật, nghị định, thông tư không còn phù hợp”, ông Chung kiến nghị.