Chuyện khởi nghiệp của chàng trai 26 tuổi

TTO – Từ một cặp heo rừng giống, cơ sở nuôi heo rừng của Đoàn Phan Dinh (26 tuổi, ngụ xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) đã liên kết với nhiều hộ nông dân mở rộng chuồng trại lên khoảng 1.000 con nái, bán 5 tấn thịt heo rừng mỗi tháng.

Đoàn Phan Dinh bên trại nuôi heo rừng - Ảnh: THÀNH NHƠN
Đoàn Phan Dinh bên trại nuôi heo rừng – Ảnh: THÀNH NHƠN

Thời gian qua mặc dù heo truyền thống rớt giá mạnh nhưng heo rừng của tôi vẫn được tiêu thụ với mức giá ổn định.

Hiện đầu ra sản phẩm không còn là vấn đề đáng lo đối với cơ sở của tôi

ĐOÀN PHAN DINH

Những nỗ lực không ngừng nghỉ của chàng thanh niên 9X đã được đền đáp khi mới đây trong cuộc thi Khởi nghiệp do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức, Dinh đã đoạt giải nhì với mô hình nuôi heo rừng của mình.

Phụ hồ, bán trái cây để nuôi heo rừng

Từ khi còn là học sinh phổ thông, Dinh đã xác định sẽ theo học ngành chăn nuôi bởi gần gũi thực tế cuộc sống và có thể kiếm công việc gần nhà.

Năm 2011, khi đang là sinh viên năm nhất khoa chăn nuôi thú y Trường ĐH Cần Thơ, Dinh đã tích cóp mua cặp heo rừng về nuôi. Những ngày đầu thiếu thốn, Dinh làm đủ thứ việc như phục vụ quán ăn, phụ hồ, bán trái cây để có tiền nuôi heo.

Trong khoảng thời gian này, có bao nhiêu vốn liếng Dinh đều đổ vào đầu tư nuôi heo rừng với mong muốn sản phẩm heo rừng sạch sẽ giúp anh có thêm thu nhập trang trải đời sống sinh viên cũng như phụ giúp gia đình.

“Năm 2011 tôi bỏ ra khoảng 3 triệu đồng mua một cặp heo rừng giống. Thời điểm đó cặp heo giống như tài sản quý giá nhất của tôi. Ăn, nằm, ngủ lúc nào cũng suy nghĩ làm sao để nuôi heo rừng đạt hiệu quả” – Dinh chia sẻ.

Nói về lý do chọn con heo rừng khởi nghiệp mà không phải những loài động vật khác, Dinh cho rằng khẩu phần ăn của người châu Á phần lớn là thịt heo, thời điểm đó thịt heo rừng tương đối lạ lẫm đối với người tiêu dùng nên sẽ gây tò mò, thu hút.

Ngoài ra nuôi heo rừng sẽ tận dụng được những phụ phẩm ở quê nhà như rau củ hư hỏng, lục bình, bã đậu, cặn bột… vốn dư thừa và có giá bán rẻ như cho.

Theo Dinh, dù heo rừng là loài có sức đề kháng cao nhưng để duy trì tỉ lệ nạc cao, chất lượng thịt ngon đòi hỏi phải có khẩu phần ăn riêng biệt dành cho heo.

Sau thời gian thua lỗ vì heo nuôi chậm lớn, tỉ lệ mỡ cao, Dinh bắt đầu học nuôi heo bằng các sản phẩm nông nghiệp cùng việc sử dụng chế phẩm sinh học, thuốc nam…

Mất hơn ba năm thử nghiệm với nhiều công thức khẩu phần ăn khác nhau, Dinh rút ra được bí quyết để heo cho tỉ lệ nạc cao, chất lượng thịt thơm ngon được nhiều người tin tưởng lựa chọn.

Nhằm đảm bảo sản phẩm heo sạch đến tay người tiêu dùng, cơ sở nuôi heo rừng của Dinh áp dụng nhiều công nghệ hiện đại như đệm lót sinh học, cấy vi sinh vào đất để giảm thiểu tối đa ô nhiễm vùng nuôi.

Sản phẩm heo rừng sạch hiện đã được nhiều nhà hàng, quán ăn tiêu thụ với mức giá cao ổn định.

“Thời gian qua dù heo truyền thống rớt giá mạnh nhưng heo rừng của tôi vẫn được tiêu thụ với mức giá ổn định. Hiện đầu ra sản phẩm không còn là vấn đề đáng lo đối với cơ sở của tôi” – Dinh hào hứng nói.

Liên kết với nông dân cùng phát triển

Hiện Dinh đang liên kết với nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp để triển khai mô hình nuôi heo rừng sạch của mình. Tất cả đều được Dinh cung cấp con giống, tư vấn kỹ thuật chăn nuôi, bao tiêu sản phẩm đầu ra.

“Tất cả trang trại liên kết tôi đều gắn camera giám sát nhằm quản lý hộ nuôi, từ đó có thể quản lý chất lượng thịt heo rừng đầu ra được đồng nhất.

Mô hình nuôi heo rừng của tôi thực hiện khép kín từ con giống đến lúc xuất chuồng, giết mổ bán đến tay người tiêu dùng. Sản phẩm đảm bảo không tồn tại kháng sinh hoặc sử dụng thuốc tăng trọng” – Dinh tự tin.

Nói về hướng phát triển mô hình nuôi heo rừng sắp tới, Dinh cho biết sẽ tiếp tục liên kết khoán cho dân nuôi heo rừng đồng thời mở rộng hệ thống phân phối trên toàn khu vực miền Tây.

Phấn đấu đến hết năm 2018 có thể mở 15 cửa hàng bán thịt heo rừng ở 13 tỉnh miền Tây.

“Kế hoạch xa hơn tôi sẽ cố gắng ở mỗi huyện, thành phố trên toàn vùng sẽ có cửa hàng bán thịt heo rừng. Dù biết chặng đường phía trước gặp muôn vàn khó khăn nhưng tôi tin mình sẽ làm được” – Dinh bộc bạch

Hiện tại công ty của Dinh đang nghiên cứu đa dạng các sản phẩm từ thịt heo rừng như khô heo rừng, xúc xích, patê, chả lụa từ thịt heo rừng.

Ông Huỳnh Văn Thông, chủ tịch UBND huyện Châu Thành, đề cao sự cố gắng của Dinh trong quá trình khởi nghiệp và cho rằng đây là tấm gương cho thanh niên tại địa phương.

“Dinh là mẫu thanh niên có suy nghĩ sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Ngoài việc kinh doanh của bản thân, Dinh còn liên kết với nhiều hộ nông dân tại địa phương để cùng nhau phát triển” – ông Thông nhận xét.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin