Dù thị trường vàng trầm lắng nhưng nhu cầu mua vàng tích lũy của người dân vẫn luôn có, vậy nên mua vàng SJC hay vàng nhẫn để tích lũy?
Cuối ngày 29-6, giá vàng SJC được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 66,45 triệu đồng/lượng, bán ra 67,05 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng so với hôm qua.
Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại được giao dịch quanh 55,2 triệu đồng/lượng mua vào, 56,2 triệu đồng/lượng bán ra, giảm thêm 50.000 đồng/lượng so với buổi sáng. Trong 2 ngày qua, giá vàng trang sức, vàng nhẫn giảm tới 300.000 đồng/lượng.
Một diễn biến đáng chú ý trên thị trường vàng những ngày qua là vàng SJC gần như bất động bất chấp đà lao dốc mạnh của giá vàng thế giới. Thậm chí, trong chiều nay, giá vàng SJC còn ngược dòng tăng. Giá vàng thế giới hiện được giao dịch ở mức 1.905 USD/ounce, tương đương khoảng 54,5 triệu đồng/lượng quy đổi theo tỉ giá niêm yết.
Diễn biến này khiến chênh lệch giá vàng SJC và thế giới giãn rộng lên tới 12,5 triệu đồng/lượng, thay vì mức khoảng 10 triệu đồng/lượng trong thời gian qua. Trong bối cảnh này, nhiều người có khoản tiền nhàn rỗi khoảng 500 triệu đồng băn khoăn không biết nên mua vàng SJC hay mua vàng nhẫn để dành?
Vàng nhẫn biến động sát giá thế giới hơn so với vàng SJC. Ảnh: Hoàng Triều
Trả lời câu hỏi này, chuyên gia vàng Trần Duy Phương phân tích vàng SJC trên thị trường hiện đang khan hiếm do trước đó nhiều người đã bán ra liên tục khi giá vàng duy trì ở vùng 67 triệu đồng/lượng trong nhiều tháng qua. Vàng SJC trên thị trường chủ yếu mua đi bán lại, không có nguồn cung từ nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, do đó nguồn cung vàng ngày càng ít và giá SJC được neo ở mức cao, không giảm.
“Vàng SJC là mặt hàng không được sản xuất thêm mới” – ông Trần Duy Phương nói.
Từ năm 2012 đến nay, Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất, gia công vàng SJC. Việc sản xuất vàng miếng được Ngân hàng Nhà nước quản lý rất chặt chẽ trong tất cả khâu của quy trình và vàng SJC được chọn là thương hiệu quốc gia.
Dù vậy, từ nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép nhập khẩu đợt vàng nguyên liệu nào để sản xuất, gia công vàng miếng SJC.
Trong khi đó, vàng nhẫn được sản xuất theo cung cầu thị trường nên tăng giảm cùng chiều giá thế giới, dù đà biến động cũng chậm hơn giá thế giới. Cũng theo ông Trần Duy Phương, gần đây, lãi suất gửi tiết kiệm giảm nhanh nên những khoản tiền gửi tiết kiệm đến hạn được khách hàng rút ra đầu tư vàng, chứng khoán.
“Nếu có 500 triệu đồng nên mua vàng nhẫn, không nên mua vàng SJC vì vàng SJC đang cao hơn giá thế giới trên 12 triệu đồng/lượng. Dù vàng thế giới có tăng cao, vàng SJC cũng khó tăng thêm, ngược lại vàng nhẫn sẽ tăng cùng chiều với giá thế giới. Chưa kể, vàng nguyên liệu làm nhẫn không bị hạn chế về nguồn cung” – ông Trần Duy Phương nói.
Nhận định về xu hướng vàng 6 tháng cuối năm, chuyên gia này cho rằng giá vàng sẽ tăng. Trong ngắn hạn, giá vàng đang bị tác động bởi thông tin Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) còn tăng lãi suất thêm 2 lần nữa. Tuy nhiên, khả năng cao sau đó giá vàng sẽ đi lên, có thể hướng đến vùng 2.100 USD/ounce vào cuối năm. Trong khoảng 10 năm gần đây, giá vàng thường tăng mạnh vào quý cuối năm.