NHNN khuyến cáo rằng với cách thức điều hành tỷ giá mới và với vị thế của đồng Việt Nam được nâng cao, người dân nên gửi tiết kiệm để hưởng lãi suất 4-5%/năm thay vì giữ ngoại tệ với rủi ro nay tăng mai giảm.
Bắt đầu từ hôm nay 4/1, Ngân hàng Nhà nước áp dụng cơ chế tỷ giá mới là tỷ giá trung tâm, thay cho tỷ giá bình quân liên ngân hàng trước đây.
Chiều 4/1, NHNN đã tổ chức gặp mặt báo giới để làm rõ thêm các vấn đề còn khúc mắc liên quan cơ chế tỷ giá mới này. Đại diện NHNN có Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng và Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ Bùi Quốc Dũng tham gia trả lời.
Phóng viên: Có nhiều ý kiến lo ngại rằng, điều hành cơ chế tỷ giá mới có biến động mạnh hay không?
Đại diện NHNN: Tỷ giá được phản ánh linh hoạt, phù hợp hơn với diễn biến thị trường.
Tỷ giá trung tâm được xác định trên cơ sở tham chiếu diễn biến tỷ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng, diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng tiền các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam. Cụ thể là 8 đồng tiền: USD, Bath Thái Lan, EUR, CNY, đôla Singapore, đồng yen Nhật, đồng won Hàn Quốc, đồng tiền của Đài Loan. Ngoài ra còn dựa trên các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ.
Khi chuyển sang cơ chế này, NHNN có đưa ra biên độ mới không?
Với cách thức điều hành này, cho phép tỷ giá linh hoạt hơn, cập nhật hơn với thị trường thế giới. Chế độ tỷ giá của VN được quy định trong pháp lệnh ngoại hối là thả nổi có quản lý, phù hợp với mục tiêu chính sách vĩ mô và tiền tệ.
Điều hành chính sách tiền tệ, nâng cao vị thế của VND, một số ý kiến tỏ ra băn khoăn với chính sách mới, tỷ giá sẽ biến động hoặc NHNN ít thực hiện công ác quản lý nhưng NHNN khẳng định sẽ có biện pháp và cách thức quản lý điều hành cơ chế này để ổn định thị trường ngoại hối.
Khi xây dựng cách thức xác định tỷ giá trung tâm, đưa ra các giải pháp đồng bộ, NHNN đã cân nhắc kỹ lưỡng về kỹ thuật, cách thức làm cho tỷ giá biến động không quá lớn.
Khi NHNN công bố tỷ giá trung tâm ngày hôm nay, biên độ giao dịch của các NHTM thế nào?
Biên độ +/-3% tiếp tục được thực hiện, các NHTM quyết định tỷ giá giao dịch với khách hàng của mình trong biên độ này.
DN sử dụng đồng ngoại tệ trong xuất nhập khẩu hàng hóa. Theo cơ chế này thì DN có lợi gì và rủi ro nào?
Cơ chế mới biến động, linh hoạt hơn giúp cho cung cầu ngoại tệ thông suốt hơn vì linh hoạt tăng giảm hằng ngày, biến động đỡ mạnh hơn so với trước đây. Vì vậy tác động đến DN nhỏ hơn.
Ngoài ra, thị trường ngoại tệ có áp dụng kỳ hạn giữa NHNN và TCTD, thúc đẩy TCTD phát triển thị trường ngoại hối qua công cụ phái sinh.
Với cách điều hành tỷ giá mới, độ vài ba ngày, diễn biến thị trường sẽ thể hiện tích cực. Trước đây giao dịch kỳ hạn trên toàn thị trường giữa TCTD và khách hàng thường xuyên dưới 10 triệu ngày, thì nay có tổng số giao dịch lên tới 200 triệu/ngày. DN sử dụng công cụ thị trường phái sinh giúp đảm bảo tốt hơn cho DN.
Người dân quan tâm đến cách thức điều hành mới thì nên nắm giữ VND hay USD?
NHNN khẳng định nhất quán và kiên định mục tiêu của CSTT ổn định thị trường ngoại hối, nâng cao vị thế VND, hỗ trợ phát triển kinh tế,…sẽ dần dần chuyển từ quan hệ huy động – cho vay sang quan hệ mua bán chống đô la hóa.
Đối với người dân, giao dịch chủ yếu trong lãnh thổ ViệtNam, còn chuyển tiền ra nước ngoài, quy mô khối lượng không lớn được các TCTD đáp ứng kịp thời.
Nếu có tiền tiết kiệm, thu nhập, chi tiêu chỉ được thông qua tiền đồng và với vị thế VND được nâng cao khá cao, người dân có tiền nếu gửi tiết kiệm được hưởng lãi suất ở mức 4-5%, trong khi đó ngoại tệ nay tăng mai giảm.