Theo TS. Nguyễn Đức Độ, trong khoảng từ nay đến cuối năm, mức tỷ giá 22.500 VND/USD nhiều khả năng vẫn là ngưỡng cản mạnh trên thị trường.
Suốt từ đầu tuần tới nay, tỷ giá trung tâm và giá USD ngân hàng liên tục tăng, trong đó giá USD ngân hàng có đà tăng mạnh nhất trong vòng 5 tháng qua. Tổng cộng mức tăng từ đầu tuần đến nay đã lên đến 80 – 85 đồng.
Vì sao lại có sự tăng trưởng “nóng” vào thời điểm cuối năm? Bàn luận xoay quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Đức Độ – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Bộ Tài chính).
Thưa ông, sau khi Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, trái ngược với dự đoán của nhiều người tỷ giá sẽ sụt giảm thì mọi chuyện lại ngược lại. Diễn biến cả thị trường quốc tế và trong nước đồng USD đang gia tăng, theo ông vì sao lại dẫn đến hiện tượng sốt nóng của tỷ giá?
TS. Nguyễn Đức Độ: Nguyên nhân thứ nhất khiến tỷ giá tăng có thể là do một số doanh nghiệp đang mua USD để trả nợ, khi thời hạn các NHTM được phép cho vay ngoại tệ theo Thông tư 07/2016 của NHNN sắp kết thúc. Việc đồng USD mạnh lên trên thị trường quốc tế có thể là nguyên nhân thứ hai, khiến cho kỳ vọng NHNN sẽ điều chỉnh tỷ giá gia tăng. Nguyên nhân thứ ba có thể là do NHNN đã mua tương đối nhiều USD và vẫn đang tiếp tục mua, khiến cho nguồn cung USD trên thị trường giảm mạnh.
Theo nguồn tin Bloomberg, khả năng gần như 100% Fed sẽ tăng lãi suất vào cuối năm nay. Nếu khả năng này xảy ra, thì chúng ta sẽ phải đối phó như thế nào liệu có phải nâng tỷ giá hay không?
Kinh tế Mỹ trong quý III/2016 đã tăng trưởng cao hơn kỳ vọng. Fed đã nhiều lần nói về việc tăng lãi suất để tránh bong bóng tài sản. Thị trường cũng kỳ vọng như vậy, nên lãi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ và chỉ số U.S. Dollar Index cũng đang tăng.
Tuy nhiên, cũng có nhiều dự báo cho rằng tăng trưởng GDP trung bình của Mỹ trong trung hạn chỉ ở mức 2%/năm, còn lạm phát vẫn dưới 2%. Bởi vậy, nếu Fed có tăng lãi suất thì mức tăng sẽ không lớn và tốc độ tăng lãi suất sẽ không nhanh. Đồng USD cũng đã đạt mức cao kỷ lục trong 13 năm, nên việc nó có tiếp tục tăng giá mạnh hay không sau khi Fed tăng lãi suất (nếu có) vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ.
Hiện nay tỷ giá VND/USD được xác định dựa trên tỷ giá của một rổ tiền tệ, nên khi giá trị các đồng tiền khác thay đổi, NHNN sẽ điều chỉnh tỷ giá trung tâm cho phù hợp. Trên thực tế, thời gian qua NHNN đã làm như vậy. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô cũng như giảm tình trạng đô la hóa, diễn biến của tỷ giá trung tâm không nhất thiết phải bám sát theo các dao động về tỷ giá của các đồng tiền khác theo ngày, thậm chí theo tuần, mà có thể chỉ bám sát theo tháng hay theo quý, thậm chí có thể theo năm.
Về tổng thể, các áp lực từ bên ngoài là có, nhưng nhiều khả năng sẽ không quá lớn. Hơn nữa, tình hình cung cầu ngoại tệ hiện nay cho phép NHNN có thể đạt được mục tiêu kép: ổn định tỷ giá trong ngắn hạn đi kèm với linh hoạt trong trung-dài hạn nhằm duy trì tương quan sức mua của VND với các đồng tiền khác.
Theo ông, vào thời điểm cuối năm, nhu cầu thanh khoản ngoại tệ sẽ tăng cao, nếu tình hình đồng USD vẫn leo cao, sẽ tác động ảnh hưởng như thế nào đến các doanh nghiệp?
Khả năng các dao động lớn sẽ không xảy ra và do vậy các doanh nghiệp sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Hơn nữa, nếu các doanh nghiệp lo ngại, họ có thể mua USD kỳ hạn để phòng ngừa rủi ro về tỷ giá.
Nếu đồng USD tăng giá, trong khi lãi suất USD hiện đang là 0% tại Việt Nam, ông có nghĩ rằng sẽ có hiện tượng chảy máu ngoại tệ ra khỏi Việt Nam vì khả năng FED nâng lãi suất?
Lãi suất VND hiện nay tương đối cao, còn tỷ giá tương đối ổn định. Bán USD và nắm giữ VND có lẽ vẫn lợi hơn là gửi tiết kiệm ở nước ngoài.
Tựu chung lại, theo chuyên gia, chúng ta có lo ngại trước hiện tượng này không hay đây chỉ là cơn sóng nhỏ?
Trong khoảng từ nay đến cuối năm, mức tỷ giá 22.500 VND/USD nhiều khả năng vẫn là ngưỡng cản mạnh trên thị trường.
Vâng xin cảm ơn ông!