Có lo ngại lệch pha giữa lãi suất và lạm phát?

Trong điều hành hệ thống tài chính, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa luôn song hành với nhau.

TS. Nguyễn Đức Độ

TS. Nguyễn Đức Độ

Chuyên gia Tài chính
68 bài viết
  • Trong năm tới, cả yếu tố chi phí đẩy lẫn cầu kéo có thể không lớn.
    Tại: TS. Nguyễn Đức Độ: Áp lực lạm phát trong năm 2023 không quá lớn, CPI có thể ở mức 3-4%
  • Tôi nghĩ khi đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2022 là 6-6,5%, Chính phủ và Quốc hội đã khá thận trọng, thực tế khả năng tăng trưởng trên 7% là hoàn toàn có thể
    Tại: Tăng trưởng 2022: “Gấu” hay “Bò tót”

Mới đây, trước việc lạm phát có xu hướng giảm, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm lãi suất điều hành và lãi suất cho vay một số lĩnh vực ưu tiên. Nhưng theo TS. Nguyễn Đức Độ (ảnh), Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính), chính sách tiền tệ cần đi trước lạm phát thì hiệu quả mang lại cho nền kinh tế sẽ cao hơn.

Hạ lãi suất luôn là vấn đề không đơn giản của ngành ngân hàng, nguyên nhân tại sao, thưa ông?

Hiện nay, hạ lãi suất là nhu cầu của nền kinh tế, vì tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm không như mong đợi. Mới đây, NHNN đã có chỉ đạo hạ lãi suất cho vay xuống đối với một số lĩnh vực ưu tiên. Nhưng hạ lãi suất cho vay không đơn giản, vì chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động (NIM) của hệ thống ngân hàng đang ở mức thấp. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), mức lãi suất cho vay trung bình tại Việt Nam trong năm 2016 là 7%, còn mức lãi suất huy động trung bình là 5%, tức là NIM chỉ ở mức 2%. Nếu muốn ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay thì phải hạ lãi suất huy động.

Trong những năm gần đây, khi lạm phát giảm, lãi suất huy động cũng tự hạ nhưng với tốc độ chậm hơn, nên NHNN cần có hỗ trợ cung tiền ra nền kinh tế để các ngân hàng có thêm nguồn vốn. Tuy nhiên, tiền hỗ trợ từ NHNN theo các cách truyền thống như mua USD, trái phiếu Chính phủ, hạ lãi suất điều hành… chủ yếu sẽ tác động đến lãi suất ngắn hạn, không thể thay thế hoàn toàn được tiền gửi dài hạn. Đó là chưa kể lãi suất còn chịu tác động từ lực cản nợ xấu.

Ông đánh giá như thế nào về rủi ro của tình hình lạm phát hiện nay tại nước ta?

Lạm phát có nhiều thước đo, trong đó chỉ số CPI là thông dụng nhất. Tuy nhiên, trong thời gian qua chỉ số này ở Việt Nam bị nhiễu do điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục. Bởi vậy, sử dụng thước đo lạm phát cơ bản sẽ phản ánh chính xác hơn xu thế của lạm phát. Cách làm này sẽ loại trừ các yếu tố hay biến động như giá dầu, giá lương thực, thực phẩm… chỉ còn lại những yếu tố mang tính ổn định nhất, phản ánh xu hướng lạm phát tốt hơn so với lạm phát tổng thể.

Theo thước đo này, lạm phát hiện là 1,52% nếu tính trung bình, còn nếu tính theo cùng kỳ là 1,29%, tức là ở mức thấp và đang trong xu hướng giảm, đến cuối năm có thể tiệm cận mức 1%. Tuy nhiên, nếu sử dụng lạm phát tổng thể thì trung bình hiện nay vào khoảng 4,15%, khả năng đến cuối năm sẽ xuống dưới 4%, nhưng đó vẫn chưa phải là mức được coi là thấp.

Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy chính sách tiền tệ nên được hoạch định dựa trên lạm phát lõi (gần tương tự lạm phát cơ bản của Việt Nam), vì nếu chính sách tiền tệ dựa nhiều vào lạm phát tổng thể, lãi suất sẽ lên xuống thường xuyên cùng với giá dầu, giá lương thực, thực phẩm và sẽ không mang lại sự ổn định cho nền kinh tế.

Theo ông, những diễn biến về lạm phát và lãi suất nói trên sẽ có tác động như thế nào tới nền kinh tế?

Trong nền kinh tế thị trường, ổn định lạm phát, lãi suất và tỷ giá ở mức hợp lý là một trong những điều kiện tiên quyết để đảm bảo an ninh tài chính – tiền tệ quốc gia, đặc biệt là tại những nước có độ mở kinh tế cao như Việt Nam. Sự biến động của các yếu tố này có tác động mang tính quyết định không chỉ tới doanh thu, chi phí và lợi nhuận của các doanh nghiệp, mà còn tới cả nguồn thu và khả năng trả nợ của ngân sách nhà nước.

Kể từ năm 2012 đến nay cả lạm phát và lãi suất tại Việt Nam đều đang trong xu hướng giảm. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có những vấn đề liên quan đến tỷ giá, thâm hụt ngân sách và đặc biệt là nợ xấu ở mức cao, tốc độ giảm của lãi suất đã diễn ra chậm hơn so với tốc độ giảm của lạm phát, tức là có sự lệch pha nhất định.

Theo các số liệu thống kê, mặt bằng lãi suất danh nghĩa tại Việt Nam hiện nay chỉ vào khoảng 40% so với năm 2011. Nhưng nếu sử dụng lạm phát cơ bản hay lạm phát GDP làm thước đo (các thước đo này không chịu tác động của các cuộc điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục bằng biện pháp hành chính), mặt bằng lạm phát hiện nay chỉ vào khoảng 10% so với năm 2011. Điều này đã khiến lãi suất thực (lãi suất sau khi trừ đi lạm phát) tại Việt Nam gia tăng nhanh chóng kể từ năm 2012.

Lãi suất cao trong khi nợ của DN và Chính phủ tương đối lớn sẽ ảnh hưởng tới khả năng trả nợ; lãi suất cao còn khiến số dự án khả thi ít hơn, làm đầu tư chậm lại gây hệ quả là giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Đối với Việt Nam, một mức lãi suất cho vay trung bình 6%/năm cùng với lạm phát cơ bản hay lạm phát GDP ở mức 2% sẽ hợp lý hơn so với khi lãi suất cho vay là 7%/năm và lạm phát là 1% như hiện nay. Mức lạm phát cơ bản khoảng 1% là hơi thấp. Chưa kể rủi ro lạm phát tiến tới mức 0% là không thể bỏ qua, bởi lúc đó Việt Nam có thể rơi vào bẫy giảm phát: Lạm phát thấp khiến lãi suất thực cao – lãi suất thực cao lại khiến lạm phát thấp.

Với hiện tượng lệch pha này, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cần có sự điều hành như thế nào, thưa ông?

Chính sách tiền tệ, mà ở đây là lãi suất, cần đi trước lạm phát để làm giảm lãi suất thực, lãi suất thực giảm sẽ có tác động kích thích nền kinh tế. Nếu chính sách tiền tệ đi sau, đợi lạm phát giảm 1% rồi mới giảm lãi suất 1% thì lãi suất thực không thay đổi, nên việc giảm lãi suất không có tác động tới tăng trưởng kinh tế. Chẳng hạn, lãi suất cho vay ở Việt Nam hiện nay đang là 7%/năm, lạm phát là 1%, hạ lãi suất xuống 6%/năm, thì lãi suất thực là 5%; nhưng nếu đợi lạm phát hạ xuống là 0% mới hạ lãi suất xuống 6%/năm thì mức lãi suất thực vẫn là 6%.

Kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới cho thấy, chính sách tiền tệ bao giờ cũng có độ trễ nên cần hành động trước dựa trên những dự báo. Tất nhiên, hoạch định chính sách tiền tệ theo cách này cũng có rủi ro là các dự báo có thể thiếu chính xác.

Còn về sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, có thể nói rằng sự phối hợp trong thời gian qua đã tương đối tốt, đặc biệt là trong việc phát hành trái phiếu Chính phủ. Hạ lãi suất sẽ không chỉ khiến việc phát hành trái phiếu Chính phủ theo kế hoạch được thực hiện dễ dàng hơn, mà còn góp phần giảm gánh nặng trả nợ đối với ngân sách nhà nước. Ngoài ra, khi việc hạ lãi suất kích thích tăng trưởng kinh tế, thì thu ngân sách nhà nước cũng sẽ bớt căng thẳng hơn.

Xin cảm ơn ông!

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin