(VNF) – Tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại Tập đoàn FPT hiện đã giảm xuống dưới 46%, mức thấp nhất trong vòng 2 tháng trở lại đây.
Bước sang quý cuối cùng của năm 2024, áp lực bán ròng từ khối ngoại tiếp tục gia tăng, kéo chỉ số VN-Index giảm tới 100 điểm, từ mức 1.300 điểm (ngày 3/10) xuống mức thấp nhất 1.198 điểm (ngày 20/11).
Dù thị trường đã có dấu hiệu hồi phục, nhưng khối ngoại vẫn tiếp tục đẩy mạnh bán ròng. Trong vòng 5 phiên giao dịch trở lại đây, tổng giá trị bán ròng của khối ngoại trên sàn HoSE vượt 6.500 tỷ đồng, trung bình giá trị bán ròng mỗi phiên đạt 1.311 tỷ đồng.
Lực bán ròng của khối ngoại tập trung chủ yếu vào các mã bluechip, trong đó cổ phiếu FPT của Công ty CP FPT là một trong những mã dẫn đầu danh sách. Từ đầu tuần đến hết phiên giao dịch ngày 21/11, khối ngoại đã bán ròng hơn 4 triệu cổ phiếu FPT, tương đương giá trị hơn 574 tỷ đồng.
Điều này khiến room ngoại tại FPT mở rộng thêm hơn 45 triệu cổ phiếu, tương ứng khoảng 3%. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại FPT hiện giảm xuống dưới 46%, mức thấp nhất trong vòng hai tháng kể từ giữa tháng 9.
Việc “hở room” giúp khối ngoại có thể dễ dàng mua vào cổ phiếu FPT trực tiếp trên sàn thay vì phải thực hiện các giao dịch thỏa thuận với giá cao hơn hàng chục phần trăm như vài năm trước. Tuy nhiên, khả năng khối ngoại đảo chiều gom lại cổ phiếu này vẫn còn nhiều bất định, đặc biệt trong bối cảnh dòng vốn toàn cầu đang rút khỏi các thị trường mới nổi và cận biên, bao gồm Việt Nam.
Thực tế, khối ngoại đã bắt đầu bán ròng mạnh cổ phiếu FPT từ tháng 5-6, thời điểm mã này đạt đỉnh quanh mức giá 140.000 đồng/cp. Hiện tại, dù đã điều chỉnh so với vùng đỉnh song cổ phiếu FPT vẫn được đánh giá ở mức tương đối cao khi giao dịch quanh mức 133.000 đồng/cp, cao hơn 60% so với đầu năm.
Dưới góc độ kỹ thuật, lực bán ròng của khối ngoại đã khiến cổ phiếu FPT chuyển từ xu hướng tăng giá sang xu hướng đi ngang. Trong vòng 4 tháng qua, cổ phiếu FPT đi ngang trong biên độ 127.000 đồng/cp – 140.000 đồng/cp.
Hiện tại, vẫn còn quá sớm để nhận định cổ phiếu FPT sẽ sớm quay trở lại xu hướng tăng giá do mức định giá có phần “đắt” hơn thị trường. Theo dữ liệu của SSI, tính hết quý III/2024, P/E của cổ phiếu FPT hiện ở mức 26,49 cao gấp đôi so với mức 12,7 của thị trường.
Dù vậy, cổ phiếu FPT lại thu hút được sự quan tâm của các tổ chức tài chính lớn trong nước. Tại ĐHĐCĐ bất thường vừa được tổ chức gần đây, Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank, HoSE: LPB) đã xin ý kiến cổ đông thông qua kế hoạch đầu tư vào cổ phiếu FPT. Theo đó, HĐQT LPBank đề xuất mua 5% vốn điều lệ của FPT, giao dịch dự kiến diễn ra từ năm 2024 đến 2025 hoặc tại thời điểm phù hợp.
Lý giải quyết định đầu tư vào FPT, LPBank cho biết, bên cạnh hoạt động kinh doanh ngân hàng đóng vai trò trung tâm, ngân hàng muốn đầu tư vào cổ phiếu niêm yết nhằm giúp đa dạng hóa kênh đầu tư và tối ưu hóa vốn góp của cổ đông. Qua đánh giá, HĐQT LPBank nhận thấy cổ phiếu FPT có tiềm năng mang lại tỷ suất sinh lời hấp dẫn.
Theo ngân hàng này, FPT là công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam, có nền tảng kinh doanh bền vững với tốc độ tăng trưởng cao được duy trì trong thời gian dài. Công ty ngày càng dịch chuyển cao hơn trên chuỗi giá trị công nghệ nhờ tập trung vào Al, Cloud, Big Data và những lĩnh vực chuyên ngành nhiều tiềm năng phát triển.
Cùng với đó, cổ phiếu FPT là một trong số ít mã cổ phiếu duy trì đà tăng giá ổn định qua các năm, chi trả cổ tức đều đặn.
Thực tế, Tập đoàn FPT là một trong số những doanh nghiệp hiếm hoi trên sàn chứng khoán duy trì tốc độ tăng trưởng đều đặn khoảng 20% qua từng tháng, từng quý và từng năm.
Mặt khác, tiềm năng tăng trưởng nhờ công nghệ cũng khiến FPT thu hút được nhiều sự quan tâm của các tổ chức tài chính lớn. Trong báo cáo phát hành mới đây, Chứng khoán KB Việt Nam nhận định, Tập đoàn FPT sẽ duy trì đà tăng trưởng nhờ các dự án công nghệ mới tại nước ngoài.
Trong quý III/2024, “gã khổng lồ” công nghệ đã ký kết thành công một hợp đồng trị giá 225 triệu USD với một đối tác tại Hoa Kỳ, góp phần quan trọng vào việc tăng trưởng doanh thu từ thị trường này.
Tập đoàn FPT kỳ vọng thị trường Mỹ sẽ trở lại đà tăng trưởng ổn định nhờ sự phục hồi của ngành sản xuất và nhu cầu cao về công nghệ cũng như chuyển đổi số. Theo doanh nghiệp, hiện không có trở ngại nào liên quan đến chính sách hạn chế xuất khẩu công nghệ sang Hoa Kỳ dưới thời cựu Tổng thống Trump.
Bên cạnh đó, Tập đoàn FPT đang đẩy mạnh phát triển dịch vụ xử lý đồ họa theo yêu cầu (GPUaaS) tại các thị trường Mỹ, Việt Nam và Nhật Bản. Trong giai đoạn đầu, doanh nghiệp dự kiến đầu tư 50 triệu USD để xây dựng hạ tầng công nghệ và có kế hoạch mở rộng thêm 100 triệu USD trong giai đoạn hai vào năm 2026. Khi dự án đi vào hoạt động với công suất đạt 90%, FPT kỳ vọng mang lại doanh thu 100 triệu USD mỗi năm, đồng thời đạt hiệu suất lợi nhuận EBITDA khoảng 50%.