Áp lực bán bị đẩy lên cao khi lo ngại về kế hoạch kinh doanh không mấy sáng sủa của công ty trong năm 2017. Cổ đông cũng lo ngại về kế hoạch tăng vốn lớn của Hòa Phát.
Đã 3 phiên gần đây, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát giảm giá mạnh. Tức mức hn 45 nghìn đồng một cổ phiếu, cổ phiếu HPG đã giảm 3.000 đồng trong 3 phiên liên tiếp tương ứng mức giảm gần 6%. Phiên giao dịch hôm qua, cổ phiếu này tiếp tục bị bán mạnh, khối lượng giao dịch cao nhất lịch sử từ khi niêm yết.
Cổ phiếu HPG bị bán mạnh phiên 20/2, khối lượng giao dịch lên mức cao nhất từ khi niêm yết
Sự giảm giá của cổ phiếu HPG khiến nhiều người rất quan tâm. Là một doanh nghiệp dẫn đầu ngành thép, Hòa Phát đang có những bước đi mới rất táo bạo và 2 trong số đó là việc xây dựng nhà máy tôn-cạnh tranh với Hoa Sen và dự án thép ở Dung Quất, vốn đầu tư 52.000 tỷ đồng ở Dung Quất-có thể là để làm đối trọng với Hoa Sen trong tương lai khi mà Hoa Sen cũng vừa được trao quyền làm dự án thép Cà Ná.
Những bước đi táo bạo đầu tư dự án thép 3 tỷ đô Hòa Phát ban đầu cũng được nhiều nhà đầu tư hưởng ứng. Bằng chứng là ngày 25/1, khi Hòa Phát nhận được quyết định cho phép đầu tư dự án liên hợp sản xuất gang thép tại Khu kinh tế Dung Quất. Lúc này, cổ phiếu HPG đã tăng 6 phiên liên tiếp.
Tuy nhiên, khi có đủ thời gian để nghiên cứu kỹ hơn về dự án thép lớn này, có vẻ như nhiều nhà đầu tư bắt đầu cảm thấy có áp lực. Đành rằng, Hòa Phát đang có tiền, có kinh nghiệm và thị trường thép cũng đang có nhiều kỳ vọng nhưng với tổng mức đầu tư 52.000 tỷ đồng trong đó vốn cố định 40.000 tỷ đồng và vốn lưu động 12.000 tỷ đồng cho 2 giai đoạn thì tới đây, mọi sức mạnh của Hòa Phát sẽ gần như đổ dồn sang dự án lớn này.
Sự lo lắng của cổ đông bị đẩy lên mức cao nghị Hòa Phát công bố nghị quyết Hội đồng quản trị thông qua những con số dự tính trình Đại hội cổ đông thông qua trong kỳ họp Đại hội cổ đông thường niên sắp tới. Theo đó, công ty đặt kế hoạch doanh thu năm 2017 tăng 14,2% so với năm 2016, ở mức 38 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty cẩn trọng đặt kế hoạch lợi nhuận ròng ở mức 5 nghìn tỷ đồng, thấp hơn 24% so với mức đỉnh trong năm 2016 và tỷ suất lợi nhuận ròng giảm 6,7%.
Không những đặt kế hoạch lợi nhuận sụt giảm, Hòa Phát tăng tỷ lệ cổ tức năm 2016 từ mức ước tính là 30% lên 50% và trả toàn bộ theo cổ tức cổ phiếu, HĐQT của HPG cũng dự định phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện tại theo tỷ lệ 10:2, tương đương 250 triệu cổ phiếu mới, để huy động vốn cho dự án Khu liên hợp thép tại Dung Quất có tổng vốn đầu tư là 40 nghìn tỷ đồng. Giá cổ phiếu phát hành thêm phụ thuộc vào điều kiện thị trường và không thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng/cp.
Sự cẩn trọng của ban lãnh đạo Hòa Phát có vẻ như là giọt nước làm tràn cái ly đầy nghi ngờ của cổ đông. Lo ngại về khả năng tăng trưởng kinh doanh của Hòa Phát sau năm đạt đỉnh điểm về lợi nhuận cộng với nỗi lo Việc phát hành cổ phiếu mới có thể tạo rủi ro pha loãng giá cổ phiếu trong ngắn hạn, nhiều nhà đầu tư đã ồ ạt bán ra cổ phiếu.
Nhà đầu tư một lần nữa lại sợ cổ phiếu HPG khi cổ phiếu này giao dịch đến 13,25 triệu cổ phiếu phiên 20/2 hôm qua, cao nhất trong lịch sử niêm yết của cổ phiếu này. Lo ngại của nhà đầu tư có vẻ còn lớn hơn giai đoạn cổ phiếu HPG bị khối ngoại chốt lãi và rút ròng vốn hồi năm 2016.
Bất chấp nhận định của công ty chứng khoán cho rằng, trong dài hạn, triển vọng của HPG vẫn tích cực nhờ mở rộng mảng kinh doanh cốt lõi nên các nhà đầu tư dài hạn chắc chắn sẽ tận dụng cơ hội này để tích lũy cổ phiếu ở mức giá thấp, cổ phiếu HPG tiếp tục bị bán mạnh và giảm điểm phiên giao dịch sáng nay, đánh dấu phiên thứ 4 liên tiếp giảm điểm.